Trình bày cảm nhận của em sau khi học xong truyện Con hổ có nghĩa
Hướng dẫn
Con hổ có nghĩa là câu chuyện về con hổ báo ơn, qua hình ảnh con hổ tác giả Vũ Trinh đã truyền tải nhiều bài học sâu sắc với ý nghĩa giáo huấn cao. Em hãy trình bày cảm nhận của em sau khi học xong truyện Con hổ có nghĩa.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu truyện Con hổ có nghĩa: Truyện ngụ ngôn “Con hổ có nghĩa” là một câu chuyện ý nghĩa và mang tính giáo huấn cao, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian cho tới tận ngày nay. Câu chuyện đã đề cao tấm lòng nhân ái, đạo lý nhân nghĩa ở đời, mượn hình ảnh của con vật để nói về chuyện của con người
2. Thân bài
-Cảm nhận về câu chuyện của hổ đực và bà đỡ trần: Mở đầu truyện là câu chuyện giữa hổ đực và bà đỡ họ Trần, khi hổ cái đang trong cơn nguy nan khó đẻ, hổ đực đã đến nhờ bà đỡ đỡ đẻ cho, cứu được mẹ tròn con vuông, hổ đực rất biết ơn bà Trần, trả ơn bà bằng mười lạng bạc
-Cảm nhận về câu truyện của hổ trán trắng và bác tiều phu: Câu chuyện thứ hai kể về con hổ trán trắng và người tiều phu, con hổ bị hóc xương và không thể lấy ra, bác tiều phu đã giúp nó lấy khúc xương ra khỏi họng. Từ đó hàng ngày con hổ đều trả ơn bác tiều bằng cách chia sẻ đồ ăn do nó săn bắt được
-Cảm nhận về hình tượng con hổ được nhân hóa: Hổ vốn đại diện cho một loài vật hung dữ, thế nhưng dưới ngòi bút của tác giả dân gian, con hổ hiện lên thật đáng trân trọng, những phẩm chất của con người đã được nhân hóa thành phẩm chất của con hổ, đó là những phẩm chất đáng quý mà chúng ta phải học tập theo
-Cảm nhận về những triết lý giáo huấn trong truyện: Xây dựng lên hình tượng hai con hổ lí tưởng như vậy cũng là mục đích của tác giả muốn nhắn nhủ rằng con người chúng ta phải sống sao để còn tình nghĩa hơn so với những loài vật như thế
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của truyện: Như vậy, thông qua truyện ngụ ngôn “Con hổ có nghĩa” tác giả đã gửi gắm bài học một cách kín đáo và thấm thía. Giáo huấn bằng nghệ thuật có phần khiến người nghe, người đọc dễ cảm thụ và tiếp thu hơn là cách nói thô thiển, khô khan.
II. Bài tham khảo
Truyện “Con hổ có nghĩa” là một câu chuyện ý nghĩa và mang tính giáo huấn cao, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian cho tới tận ngày nay. Câu chuyện đã đề cao tấm lòng nhân ái, đạo lý nhân nghĩa ở đời, mượn hình ảnh của con vật để nói về chuyện của con người.
Mở đầu truyện là câu chuyện giữa hổ đực và bà đỡ họ Trần, khi hổ cái đang trong cơn nguy nan khó đẻ, hổ đực đã đến nhờ bà đỡ đỡ đẻ cho, cứu được mẹ tròn con vuông, hổ đực rất biết ơn bà Trần, trả ơn bà bằng mười lạng bạc. Nhờ có số bạc của hổ mà bà Trần đã sống qua năm mất mùa đói kém. Hình ảnh hổ đực mang bóng dáng của con người, nó mang những phẩm chất cao quý của con người. Nó không chỉ biết đền ơn đáp nghĩa mà ngay trong cuộc sống với vợ con nó cũng rất hết mực yêu thương, hết lòng lo lắng, hơn nữa lại lễ phép và lưu luyến khi chia tay người ân nhân cứu cả gia đình nó.
Câu chuyện thứ hai kể về con hổ trán trắng và người tiều phu, con hổ bị hóc xương và không thể lấy ra, bác tiều phu đã giúp nó lấy khúc xương ra khỏi họng. Từ đó hàng ngày con hổ đều trả ơn bác tiều bằng cách chia sẻ đồ ăn do nó săn bắt được. Cho đến khi bác tiều qua đời, nó vô cùng thương tiếc, mỗi năm đến giỗ đều đem dê hoặc lợn đến để trước cửa nhà. Có thể thấy, lòng biết ơn của con hổ thật cảm động, một tấm lòng đền đáp đáng quý của hổ, điều đó đã cho chúng ta thấy những loài vật cũng biết đền đáp những ân huệ cho người cứu giúp mình.
Hổ vốn đại diện cho một loài vật hung dữ, thế nhưng dưới ngòi bút của tác giả dân gian, con hổ hiện lên thật đáng trân trọng, những phẩm chất của con người đã được nhân hóa thành phẩm chất của con hổ, đó là những phẩm chất đáng quý mà chúng ta phải học tập theo. Sự thành công của câu chuyện khi đặt loài hổ vào hoàn cảnh như vậy, con hổ tuy hung dữ và bạo mạnh nhưng lại rất có tình nghĩa. Hai câu chuyện đã được tác giả dân gian kể bằng giọng kể tự nhiên, mộc mạc, không có sự khoa trương và cũng không có lời bình phẩm nhưng chính nhờ đó đã làm cho ý nghĩa của truyện càng thêm thú vị và sâu sắc.
Có thể thấy tính chất hư cấu và tưởng tượng trong truyện có phần hơi quá, bởi có thể có những con vật có nghĩa nhưng không thể đến mức như vậy. Nhưng chính yếu tố hư cấu đã càng khẳng định rõ hơn tính nhân nghĩa sâu sắc. Xây dựng lên hình tượng hai con hổ lí tưởng như vậy cũng là mục đích của tác giả muốn nhắn nhủ rằng con người chúng ta phải sống sao để còn tình nghĩa hơn so với những loài vật như thế.
Như vậy, thông qua truyện ngụ ngôn “Con hổ có nghĩa” tác giả đã gửi gắm bài học một cách kín đáo và thấm thía. Giáo huấn bằng nghệ thuật có phần khiến người nghe, người đọc dễ cảm thụ và tiếp thu hơn là cách nói thô thiển, khô khan. Và bài học được rút ra chính là làm người phải có tình nghĩa, đề cao nhân nghĩa và đạo lý mang ơn đền ơn phải luôn ghi nhớ.
Theo Tapchivanhoc.com