Đề bài: Năm cũ đã qua, năm mới đang đến, mỗi gia đình thường mua những tấm lịch treo tường vừa trang trí nhà cửa vừa xem để biết ngày, tháng. Em hãy tả tấm lịch nhà em hoặc ở nhà bạn mà em có dịp quan sát.
Bài làm 1
Ngay tại phòng khách mười mét vuông của gia đình em, nơi có đặt bàn thờ tổ tiên ông bà, ngay chính giữa trên cao sát la phông nhà, ở hai bên là hai bức tranh in lụa, và phía trước là tấm lịch 2006 do nhà sách Minh Trí tặng, đây là loại lịch tờ rất được khách hàng ưa chuộng hiện nay. Lịch được làm bằng một loại giấy trắng cao cấp dày và rất cứng. Chiều ngang của lịch rộng ba mươi tám xen-ti-mét, chiều cao độ năm mươi tư xen-ti-mét, gồm bảy tờ: một tờ bìa và sáu tờ lịch mỗi tờ in hai tháng. Các tờ đều được trang trí bằng một bức tranh phong cảnh đẹp mắt. Ở trang bìa là bức tranh toàn cảnh Hồ Gươm ở thủ đô Hà Nội: Tháp Rùa cổ kính soi bóng trên mặt hồ trong xanh. Trên cao là những đám mây trắng bồng bềnh trôi và bầu trời cao xanh vời vợi. Nhìn xa hơn, tòa nhà Bưu điện Thành phố đồ sộ được trang trí cờ hoa rực rỡ. Và kia là cầu Thê Húc màu son uốn cong cong như một nét hoa văn dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền cổ kính nép dưới gốc đa già cành lá sum suê. Nhìn bức tranh Hồ Gươm mà em lại nhớ đến sự tích “Ngày xửa, ngày xưa con rùa lớn ngoi lên mặt nước đòi nhà vua trả kiếm cho Long Vương” và cái hồ ấy được mang tên Hồ Hoàn Kiếm từ đấy. Ở góc trái bức tranh hàng chữ “Chúc mừng năm mới” được viết theo kiểu chữ Phăng-tê-gi bằng màu vàng tươi, mềm mại, bay bướm, ở dưới cùng của bức tranh là dòng chữ tiếng Anh “Happy New Year” màu hồng đậm. Và dưới cùng là mấy dòng chữ được viết bằng chữ in “Nhà sách Minh Trí chuyên bán sỉ – lẻ và trao đổi các loại sách giáo khoa, tham khảo giáo dục, khoa học kĩ thuật, ngoại văn, văn phòng phẩm và dụng cụ học sinh. Địa chỉ 90 đường Độc Lập, phường 17, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh”. Em lật giở tờ ngoài, bên trong còn sáu tờ, tất cả đều được trang trí hết sức trang nhã, hấp dẫn. Mỗi tờ mỗi cảnh mới lạ: nào là cảnh cố đô Huế với thành Đại Nội lúc thành phố lên đèn, náo là cảnh Sapa, núi non trùng điệp, nhà cửa phố xá lúc ẩn lúc hiện trong cảnh sương mù bao phủ… và kia nữa cầu Mĩ Thuận bắc qua sông Tiền như một cảnh quan kì diệu nổi lên giữa màu xanh bát ngát của đồng bằng miền Tây Nam bộ. Phía dưới các bức tranh là những con số của hai tháng sắp xếp theo từng tuần được kết thúc bằng những con số màu đỏ. Bên cạnh những con số của ngày dương lịch còn có những con số nhỏ hơn đứng cạnh dùng để chỉ ngày, tháng âm lịch. Để tiện cho việc treo tường được dễ dàng, người làm lịch đã chế ra một chi tiết khá độc đáo, dùng một thanh thép nhỏ được bẻ cong ở giữa, luồn vào trong một cái lò xo dài đính vào phía trên lịch, vừa tạo ra một nét duyên dáng độc đáo, vừa có chỗ để treo lịch lên tường. Quyển lịch không chỉ làm cho phòng khách thêm sáng sủa, trang nhã mà còn có tác dụng giúp mọi người theo dõi được lịch chuyển dịch của thời gian.
Bài làm 2
– Vân đang làm gì trong ấy hở con? – Dạ con đang học bài! – Ra đây mẹ cho cái này mà trang trí góc học tập. Em vội gấp bài học lại, chạy đến bên mẹ: – Mẹ cho con cái gì? Ôi! Tờ lịch! Đẹp quá mẹ ạ! Mẹ mua từ bao giờ hay ai biếu cho mẹ? – Lúc sáng, nhà sách Tuổi Ngọc mới tặng mẹ đấy! Con chọn chỗ nào ở góc học tập treo lên, vừa trang trí phòng học cho đẹp, vừa xem ngày tháng theo thời khóa biểu mà chuẩn bị bài học cho tiện. Em cầm tờ lịch trong tay, ngắm đi ngắm lại mãi một hồi không biết chán. Đến lúc nghe mẹ giục, em mới chạy về phòng mình tìm vị trí để treo tờ lịch.
Tấm lịch được làm bằng một loại giấy đặc biệt vừa trắng vừa thơm một mùi thơm quyến rũ, lại láng trơn như được quét một lớp dầu bóng. Năm nào em cũng có một tấm lịch treo ở góc học tập của mình nhưng có lẽ tờ lịch năm 2006 này đẹp nhất. Nhìn cách trang trí của tờ lịch rất nghệ thuật, mới thấy hết được sự vượt trội cả về nội dung lẫn hình thức so với các tờ lịch của những năm trước. Kích thước của tấm lịch chỉ bằng hai phần của các tấm lịch trước đây nhưng được bố trí rất khoa học. Quý một nằm ở bên trái, quý hai nằm ở bên phải và quý ba, quý bốn dàn thành hàng ngang ở phía dưới. Ở giữa là bức tranh hồ Xuân Hương – Đà Lạt một thắng cảnh tuyệt vời của cao nguyên miền Trung. Từ nhỏ đến giờ em chưa có dịp đi tham quan Đà Lạt nên càng nhìn bức ảnh, em lại càng ao ước một lần trong đời được di thăm thành phố sương mù mộng mơ ấy. Cảnh hồ được chụp vào một sáng trời trong. Không gian rất yên tĩnh bởi mặt hồ phẳng lặng không một gợn sóng nhỏ, những hàng cây hai bên bờ hồ và những biệt thự cao tầng trên những ngọn đồi lộng gió in hình xuống mặt hồ xanh màu ngọc bích. Phía xa xa, đồi núi trập trùng, ngọn cao, ngọn thấp nối đuôi nhau chạy xa tít đến chân trời. Cảnh vật vừa đẹp vừa nên thơ đầy quyến rũ. Cám ơn người làm lịch đã đem đến cho em “cơ hội được đi du lịch Đà Lạt qua cảnh”. Và bây giờ thì em đang chăm chú ngắm nhìn những con số được in bằng màu mực đen và đỏ, sắp xếp theo từng tuần, từng tháng ở hai bên bức tranh và phía dưới. Các ngày chủ nhật và ngày lễ trong Năm đều được in bằng mực đỏ, còn lại các ngày bình thường in bằng mực đen chữ số to đậm rất dễ nhìn. Bên cạnh những con số dương lịch là những ngày âm lịch được in bằng một loại mực màu xanh và nhỏ hơn, thanh hơn. Em chỉ biết mang máng về hai loại lịch đó mà thôi. Dương lịch dựa vào mặt trời để tính, còn ngày âm lịch thì dựa vào vòng quay của chị Hằng Nga. Những lúc rỗi rãi, em thường ngắm nhìn tấm lịch, rồi dùng bút đánh dấu những tuần học đã trôi qua, xem lại mình đã làm được những gì có ích… Ba mươi ba tuần của một năm học sẽ trôi qua nhanh lắm. Mới ngày nào còn là một cô bé lớp Một hay khóc nhè, vậy mà giờ đây em đã là một học sinh lớp Bốn, một Đội viên Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh. Thời gian quả thật là quý. Đến bây giờ em mới hiểu hết ý nghĩa của lời mẹ nói trước đây: “Phải tranh thủ thời gian mà học con ạ! Cái gì trên đời này đánh mất đi có thế tìm lại được nhưng thời gian đã mất thì mãi mãi không bao giờ tìm lại”. Có lẽ vậy mà mẹ tặng cho em tấm lịch này cũng ngầm dặn dò em như thế.
Bài làm 3
Mỗi lần đi học về, nhìn thấy quyển lịch treo ở phòng khách là em lại biết hôm nay là ngày mấy, tháng mấy rồi. Quyển lịch này do bạn của ba em tặng nhân dịp đầu năm mới. Quyển lịch hình chữ nhật dài năm mươi phân, rộng bốn mươi phân gồm bảy tờ tất cả. Các tờ lịch được làm bằng một loại bìa đặc biệt, cứng và trơn bóng. Mỗi tờ lịch là một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hoặc công trình kiến trúc xưa và nay trên khắp mọi miền đất nước. Tờ bìa là phong cảnh Vịnh Hạ Long vói những hòn núi to nhỏ khác nhau nổi lên giữa biển nước xanh niênh mông với nhiều hình thù khác nhau. Hòn cao nhất giống như một chú gà trống đang ngẩng cao đầu gáy, gọi là Hòn Trống. Phía bên kia có hai hòn chồng gối lên nhau trông thật chông chênh nguy hiểm. Xa xa là một cửa hang rộng với những dòng thạch nhũ chảy dài từ trên cao xuống, tạo cho cửa hang có một hình thù kì dị, lạ mắt. Xung quanh là biển nước xanh mênh mông. Các trang lịch đều in những cảnh quan nhân tạo và thiên nhiên thật đẹp mắt. Kia là cảnh đồng lúa đang vào mùa chín rộ trải dài bát ngát tận chân trời một màu vàng của nó ấm. Và đây là cảnh chùa Một Cột trang nghiêm và cổ kính, một kiểu kiến trúc đặc biệt mà cha ông đã để lại cho con cháu thời nay. Kia nữa là bãi biển Nha Trang đẹp và nên thơ hiện lên như một cảnh quan thiên nhiên được bàn tay con người cải tạo lại thành một nơi du lịch nghỉ mát thu hút khách thập phương. Ở phía dưới các bức tranh là những con số ghi ngày, tuần, tháng được sắp xếp rất khca học. Các ngày chủ nhật được in bằng màu mực đỏ tươi xếp thành một dãy còn những ngày bình thường được in bằng mực đen, thẳng hàng ngay lối. Bên cạnh những con số ghi ngày dương lịch còn có những con số ghi ngày âm,lịch, nhỏ hơn để giúp mọi người biết được ngày, tháng của hai loại lịch. Những lúc rỗi, em thường gỡ tấm lịch xuống, khoanh tròn những ngày quan trọng như ngày thi học kì, ngày nghỉ tết dương lịch, ngày nghỉ hè và đặc biệt là những ngày sinh nhật của mọi người trong gia đình. Quyển lịch không chỉ làm cho phòng khách thêm sáng đẹp trang nhã mà còn cho em biết được thứ, ngày, tháng trong năm mà cố gắng học tập, làm việc không để thời gian trôi đi một cách uổng phí bởi mẹ em dặn: thời gian là vàng ngọc trong cuộc sống con người.
Nguồn: Kênh văn học