Mỗi người đều được sinh ra và lớp lên rồi trưởng thành trong vòng tay và sự yêu thương của những người xung quanh. Xét đến cùng thì gia đình là cội nguồn của mỗi người, là cái nôi nuôi dưỡng tấm lòng bao dung và trái tim nhân hậu của mỗi người. Nhà là nơi ta trở về sau những phút lo toan, bộn bề; sau những vấp ngã, khó khăn. Nên ta cũng yêu hơn cả những người thân dưới mái ấm ấy. Trong đó, bà là người luôn gần gũi và yêu thương, dạy dỗ và chở che cho mỗi người. Trong chương trình ngữ văn lớp 5, chúng ta sẽ bắt gặp đề bài tả một người thân trong gia đình em. Đề bài này không khó nhưng đòi hỏi các bạn đảm bảo đủ các ý chính như tuổi tác, ngoại hình, lối sống và cách ứng xử của bà với mọi người. Khi miểu tả cũng cần kết hợp với các phương thức khác như tự sự, biểu cảm… cùng các biện pháp so sánh. Sau đây là hai bài văn mẫu như những gợi ý để các bạn tham khảo. Chúc các bạn thành công!
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 TẢ MỘT NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH EM LỚP 5
Tuổi thơ của tôi không được sống trọn vẹn trong vòng tay bố mẹ vì bố mẹ tôi đã vào trong Nam để trang trải cuộc sống mưu sinh. Nhưng bù lại, tôi có bà, tôi được yêu thương và chở che trong vòng tay nhân hậu của bà.
Bà tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng bag vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh lắm. Màu thời gian đã in đậm trên mái tóc bà, bạc trắng như mây. Bà vẫn thích để tóc dài như thời còn thiếu nữ, lúc nào cũng búi gọn sau gáy. Khuôn mặt bà tuy có những nết nhăn, những chấm đồi mồi vì nỗi vất vả, cơ cực cả một đời nhưng vẫn luôn ánh lên sự nhân từ và phúc hậu. Mắt bà tuy đã mờ những vẫn ánh lên vẻ đẹp con người bà. Mỗi lần ngắm nhìn đôi mắt ấy tôi lại thấy cả một bầu trời yêu thương, sự hi sinh bà dành cho con cháu. Đôi tay của bà gầy gầy xương xương. Đó là dấu hiệu của một cuộc đời lam lũ, một tay bà đã nuôi bốn đứa con khôn lớn, trưởng thành.
Bà là người rất mực yêu thương con cháu. Những đứa cháu như tôi đều một tay bà chăm sóc, bế bồng; và cũng thật may mắn là chúng tôi được đắm chìm trong những lời ru, những câu chuyện cổ tích của bà cùng các triết lí nhân sinh sâu sắc. Mỗi khi con cháu đi xa trở về, niềm vui rạng rỡ lại hiện rõ trên nét mặt bà. Bà luôn nấu những món ăn ngon mà dạm bạc, để dành đồ ăn cho con cháu. Bà dạy cháu những điều hay lẽ phải.
Với hàng xóm láng giềng thì bà đều được mọi người yêu quý và kính trọng. Bà luôn sống biết điều và chan hòa với những người xung quanh. Khi họ gặp khó khăn bay trăn trở điều gì thì bà- một người dày dặn kinh nghiệm sống lại đưa ra những lời khuyên hữu ích. Bà lại hay giúp đỡ khi họ gặp khó khăn từ vật chất đến tinh thần. Bởi thế mà người ta luôn dành cho bà tình cảm yêu mến.
Tuy đã già nhưng bà em vẫn thích nấu ăn. Món ăn của bà không phải những món phương Tây hảo hạng mà hấp dẫn lòng người bởi sự đạm bạc, giản dị và hương vị quê hương. Là một người khéo tay nên bà cũng rất hay thuê thùa, may bá. Hồi còn nhỏ, những bộ đồ ở nhà của tôi đều do bà làm. Mỗi khi có cháu ở xa về những bộ quần áo tự tay bà làm chất chứa tình cảm cao quý là món quà vô giá.
Em rất yêu quý bà em. Nếu có một điều ước, em sẽ ước bà sẽ sống lâu trăm tuổi để vui cùng cháu con.
BÀI LÀM VĂN SỐ 2 TẢ MỘT NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH EM LỚP 5
“Bà ơi bà cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng màu trắng như mây” – bài hát đó vẫn thường đi về trong tuổi thơ em, từng câu từng chữ như đọng lại nơi trái tim. Em yêu bà em nhiều lắm.
Bà em năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Cái tuổi mãn chiều xế bóng ấy hiện thật rõ trong cái dáng người còng còng, gầy yếu xương xương của bà. Tuổi cao sức yếu, lưng còng, mỗi bước đi của bà không còn nhanh mà chậm rãi, chậm rãi, có những lúc bà phải chống gậy để đi. Nước da của bà nhăn nheo đen sạm vì một đời mưa nắng vất vả vì con vì cháu. Những vết chàm thời gian từ lúc nào đã chợt hiện trên khuôn mặt với hai gò má gầy xương của bà. Mái tóc của bà cũng chẳng còn đen nhánh như xưa nữa, mái tóc điểm nhiều hơn những sợi bạc trắng như cước, được bà búi gọn lại sau gáy. Bà đã vất vả một đời. Bà rất thích nhai trầu. Mỗi khi bà nhai trầu để lộ ra hàm răng nhuộm đen nhánh. Thời của bà, nhuộm răng đen mới là đẹp.
Từ khi ông mất, bố mẹ em đưa bà về ở cùng gia đình. Bà em hiền lắm. Tuổi thơ em cứ nghĩ bà là bà Tiên, bà Bụt bước ra từ câu chuyện cổ tích. Mỗi tối, em thích được ngủ cùng bà, nghe bà hát ru, nghe bà kể chuyện. Những câu chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh,… theo em lớn lên từng ngày. Bố mẹ thường không cho bà ra chợ bán rau nhưng sáng nào bà cũng hai rổ rau mang ra chợ bán. Mỗi ngày bán rau về, bà không quên mua cho em đồng bánh, đồng quà. Bà tết tóc đẹp lắm. Bà kể ngày xưa bà tự tết tóc cho mình, cho cả bạn bè của bạn nữa. Mỗi khi có trường có dịp lễ nào, em thường không quên nhờ bà tết hai bím tóc đuôi sam. Có những lúc ở nhà, bà cũng hay đan lát nữa. Những rổ những rá nhà đang dùng đều một tay bà em đan. Bà bảo ở nhà nhàn rỗi, bà không chịu được nên bà đan cho khỏi buồn tay. Bà là thế, lúc nào cũng nghĩ vì con, vì cháu. Có những ngày bố mẹ đi làm xa, bà một tay chăm sóc cho em.
Bọn trẻ trong xóm cũng rất quý bà của em. Có những chiều, cả lũ kéo nhau vào nhà em chỉ được nghe bà kể chuyện. Rồi chẳng biết bà mua kẹo bánh lúc nào, mỗi khi lũ trẻ sang bà lại phát bánh kẹo cho từng đứa. Bà dạy chúng em đan lát. Lũ trẻ dường như thích thú lắm. Bà đã trở thành một người “bạn” đặc biệt trong sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ trong xóm em.
Em yêu quý bà nhiều lắm. Cả một đời bà đã vất vả rất nhiều. Em tự nhủ sẽ học tập thật tốt, trở thành người thành đạt để sau này có thể tự mình đưa bà đi du lịch, để bà thêm tự hào vì đứa cháu thân yêu.
Nguồn Internet