Suy nghĩ về vấn đề tham nhũng: “Nhưng nó phải bằng hai mày”

Đề bài: Suy nghĩ về vấn đề tham nhũng: “Nhưng nó phải bằng hai mày”.

Tham nhũng thì đời nào cũng có. Nó là vấn đề chung nóng bỏng mà cả thế giới quan tâm. Có ý kiến cho rằng: “Tệ tham nhũng như căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS chưa có thuốc đặc trị”. Nếu căn bệnh kia chỉ tàn phá sức khỏe con người là chính thì tệ tham nhũng nguy hiểm hơn rất nhiều. Nó tàn phá mọi phương diện của xã hội trong đó nghiêm trọng nhất là làm suy đồi đạo đức. Từ xưa cha ông ta đã luôn phê phán tệ nạn này dưới nhiều hình thức tiêu biểu nhất có chuyện cười: “Nhưng nó phải bằng hai mày”.Truyện cười này không chỉ là tiếng cười hài hước mà còn là một đòn roi quất mạnh vào tệ tham nhũng của bọn quan lại trong xã hội phong kiến xưa đồng thời châm biếm thói hư tật xấu của con người đã góp phần không nhỏ cho tệ tham nhũng hoành hành.

Câu chuyện mở đầu với lời giới thiệu: “Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi”, ta nghĩ ngay ông lí này xử kiện giỏi chắc chắn là người liêm khiết, dân chúng trọng vọng, là một vị quan thanh liêm. Tiếp nối câu chuyện hai người nông dân Cải và Ngô đánh nhau rồi cùng nhau đi kiện. Cải sợ kém thế lót trước năm đồng cho thầy lí, Ngô cũng sợ bị phạt nặng nên lo lót cho thầy lí đến mười đồng. Cả hai cùng yên tâm chắc mẩm mình sẽ không bị phạt vì đã “hầu túi quan”. Khi xử kiện thầy lí đều xử nhẹ cho cả hai nhưng Cải bị phạt đánh mười roi nhiều hơn Ngô. Cải vội xòe năm ngón tay ngụ ý nhắc thầy lí số tiền đã lo lót. Đáp lại hành động của Cải thầy lí lấy năm ngón tay trái úp lên mặt bàn tay phải, ám hiệu số tiền Ngô đã lo lót gấp đôi Cải. Cao trào nhất, gây cười nhất và cũng châm biếm nhất là câu nói: “Tao biết mày phải nhưng nó lại phải bằng hai mày!”. Vậy đấy trong xã hội phong kiến xưa nạn tham nhũng nặng nề khiến chân lí bị bóp méo, đồng tiền chính là thước đo của công lí, ai nhiều kẻ đó phải. Nạn tham nhũng là sai trái nhưng nghiễm nhiên từ điều bất bình thường cần phải dấu giếm và loại trừ thì lại trở thành lẽ hiển nhiên trong xã hội phong kiến:

Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.

Bọn trộm cướp chúng phải lén lút khi ăn trộm ăn cắp và sẽ bị xử tội nếu bị bắt ngược lại quan lại được ví như cha mẹ của dân có thể “cướp” của người dân bất cứ lúc nào mà chẳng phải dè chừng. Đó là điều hết sức hiển nhiên được coi là bình thường trong xã hội xưa. Mọi việc khi đã động vào “cửa quan” thì cái đầu tiên phải là đồng tiền, nén bạc. Đồng tiền có sức mạnh ghê gớm. “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” nó đổi trắng thay đen nó dồn những người dân thấp cổ bé họng vào con đường cùng. Như trong truyện Kiều của Nguyễn Du, Vương ông Vương Bà bị đổ tội oan nhưng muốn thoát tội thì phải: “Có ba trăm lượng việc này mới xong”. Bị oan nhưng không tiền thì đúng sẽ thành sai, trắng đổi ra đen. Đồng tiền tham ô quả có sức mạnh ghê gớm nó đã tàn phá nhân cách con người trở nên mục ruỗng, xã hội bất công thối nát. Đáng buồn thay tệ tham nhũng đâu chỉ có trong thời phong kiến xa xưa. Vậy theo bạn: Trong xã hội hiện đại dân chủ – văn minh ngày nay tệ tham nhũng có còn? Xin trả lời luôn nó vẫn luôn tồn tại nó như con vi rút vẫn gây bệnh len lỏi trong mọi ngóc ngách đời sống xã hội nhưng những kẻ tham ô, tham nhũng đã biết ẩn nấp, hành động tinh vi hơn rất nhiều. Chúng là những cái ung, cái nhọt hôi thối luôn đe dọa đến con người và xã hội.

Xem thêm:  Phân tích đoạn trích “Chí khí anh hùng”- Trích “Truyện Kiều”- Nguyễn Du lớp 10

Trong tử điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã giải thích như sau: “Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”. Lẽ ra những cán bộ, công chức những người được nhân dân tin tưởng giao cho trách nhiệm để lãnh đạo đất nước để giúp đời sống xã hội ổn định và phát triển thì không ít trong số đó có nhiều kẻ đã xa đọa, biến chất, trở thành sâu mọt đục khoét tài sản quốc gia, tiền bạc của dân. Chúng lợi dụng chức quyền gây ra bao phiền hà, tìm đủ mọi cách móc tiền của dân. Ngày càng nhiều những vụ tham nhũng với số tiền lớn khủng khiếp và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đang ngày ngày diễn ra một số ít đã bị đưa ra ánh sáng. Như vụ PMU 18 gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 40 tỉ đồng, nhưng đã thấm vào đâu so với con số 900 tỉ trong vụ tham nhũng của tập đoàn Vinashin hay gần đây nhất là vụ PVC – Trịnh Xuân Thanh gây hậu quả thua lỗ gần 3300 tỉ đồng đó chỉ là số ít trong biết bao vụ tham nhũng tham ô chưa được đưa ra ánh sáng và những kẻ vẫn còn là những con “chuột trù” bới móc vẫn đang ẩn nấp giống như loài đỉa hút máu người dân, mục ruỗng đất nước.

Nạn tham ô, tham nhũng phổ biến như vậy có phải chỉ do sự quản lý thiếu chặt chẽ trong bộ máy pháp lý? Xin trả lời luôn đó là một phần nguyên nhân nhưng chưa thể đủ vì chính những người dân thiếu hiểu biết vì lợi ích cá nhân cũng phải chịu một trách nhiệm không nhỏ gây ra tệ tham nhũng. Thật đáng buồn khi hiện nay những người như “Cải và Ngô” không hiếm. Hành động của Cải và Ngô chính là nguyên nhân dẫn đến thói tham ô của tên lí trưởng. Cải và Ngô đều muốn đổ tội cho nhau nên đều đến hối lộ thầy lí mong giảm tội cho mình và đổ tội cho người. Đó chính là “thời có đục khoét” cho nhiều kẻ tham ô như tên lí trưởng dẫn đến nạn tham nhũng ngày càng phổ biến. Trong xã hội ngày nay đồng tiền vẫn có sức mạnh khủng khiếp bao kẻ muốn dùng tiền để đổi trắng thay đen, vén lợi cho bản thân. Họ chính là dây dẫn nổ cho “quả bom tham nhũng” phát nổ phá hủy tất cả chân lí, công lí mà trong quá trình phát triển của nhân loại đã dầy công xây dựng.

Xem thêm:  Giải thích câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn cháy ra.

Ngày nay, sẽ chẳng khó để bắt gặp một hành động tham ô, tham nhũng. Kể đâu xa ngay con phố nhỏ, góc chợ những người buôn bán muốn có chỗ ngồi đẹp sẽ phải lo lót chút ít cho ban quản lí chợ, vào bệnh viện muốn khám bệnh không mất công sức thời gian thì khéo léo đút phong bì vào túi bác sĩ. Lớn hơn chút nữa là chạy chọt xin việc, mua quan bán chức như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận xét thật nhẹ nhàng mà sâu cay:

“Có tiền việc ấy mới xong nhỉ

Đời trước làm quan cũng thế a.”

Bao sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn xin một chân làm việc trong cơ quan nhà nước phải bỏ số tiền vài trăm triệu để đổi lấy một công việc có mức lương vài ba triệu một tháng. Ví dụ như một giáo viên với mức lương tầm ba triệu một tháng trong khi tiền chạy việc ít nhất tầm ba trăm triệu sẽ phải làm việc không có thu nhập trong vòng khoảng gần mười năm, một thời gian thật là dài phải không? Đó là khi may mắn hối lộ mà được việc không bị phát hiện nếu không sẽ như Cải và Ngô tiền mất tật mang nhận lại sự chê cười nặng nề hơn nữa nếu bị truy tố trước pháp luật có khi phải đi tù, cánh cửa tương lai sẽ đóng lại vĩnh viễn.

Đáng lẽ chúng ta phải có trách nhiệm đẩy lùi nạn tham ô, tham nhũng để cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn. Ngược lại rất nhiều người lại mù quáng như Cải và Ngô dân quả ngọt cho lũ sâu bọ, vung lúa gạo cho đàn chuột trù. Để rồi khi lũ sâu bọ, chuột trù hôi hám nguy hiểm ấy ngày càng nhiều gieo giắc những mầm bệnh thì đúng là tai họa khôn lường.

Nước ta chưa giầu, bao nhiêu con người còn đói khổ bao trẻ nhỏ thiếu trường bao bệnh nhân thiếu thuốc. Vậy mà bọn quan lại tham ô tham nhũng sống sung sướng như những ông hoàng với biệt thự, xe hơi, du lịch như cơm bữa bọn chúng đã cướp đi bao ngôi trường, bao bệnh viện. Số tiền đó sẽ có thể giúp cho bao mảnh đời khó khăn tiếp tục sống. Tiền không xấu nhưng cách con người sử dụng tiền vào mục đích ích kỉ, vụ lợi và nhiều kẻ sẵn sàng làm nô lệ của đồng tiền mới đáng trách. Tham ô, tham nhũng còn hủy hoại nhân cách con người làm suy đồi đạo đức của xã hội. Khi con người lại dung túng cho tham nhũng thì những đứa trẻ sẽ học được gì tốt đẹp trong cái xã hội bất công đó. Rồi đây những đứa trẻ sẽ trở thành những kẻ tham ô và hối lộ mới. Tương lai của quốc gia, dân tộc rồi sẽ đi về đâu? Vì vậy ngay từ lúc này chúng ta mỗi người phải thay đổi. Tổng thống Nga Pu – tin đã nói: “Những người chống tham nhũng phải trong sạch trong chính bản thân” hãy ngừng nuôi sống tiếp tay cho nạn tham ô. Nhưng đừng chỉ hô hào cho hay, cho có đừng thờ ơ với tệ nhũng nhiễu sách hạch từ hành động nhỏ nhất hãy biết nộp phạt khi vi phạm giao thông thay vì đút tiền xin xỏ, hãy biết chờ đợi khi đi khám bệnh, xin hồ sơ, giấy tờ… Thật dũng cảm tố giác, tố cáo những hành vi tham nhũng. Cùng với đó đảng và nhà nước cũng phải đưa ra những chủ trương, biện pháp nhằm loại bỏ vấn nạn tham nhũng. Cần có sự kiên quyết chặt chẽ nếu không sự xuống cấp của bộ máy công quyền trong hệ thống chính trị và dẫn đến mất niềm tin ở nhân dân là điều mà không thể tránh khỏi nếu tệ nạn tham nhũng vẫn hoành hành.

Xem thêm:  Cảm nghĩ về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quan liêu lãng phí, tham ô là kẻ thù của chế độ, là kẻ thù nguy hiểm vì nó không mang gươm, súng mà nó nằm ngay trong nội bộ ta làm mục ruỗng từ bên trong”. Đã đến lúc chúng ta phải dốc toàn lực chống tham nhũng, lũ tham quan ô lại là rác rưởi cần phải quét sạch, những kẻ tiếp tay cần phải trừng trị. Có như vậy lẽ phải, công lí mới được thực thi, xã hội mới trong sạch và văn minh. Đừng để những thế hệ mai sau sẽ lại phải trở thành anh Ngô, anh Cải và tên lí trưởng trong câu chuyện trên. Mỗi người dân Việt Nam phải chung tay, góp sức và hành động quyết liệt để xóa bỏ quốc nạn mang tên tham nhũng.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

Check Also

7128 1494911290046 1013 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *