Đề bài: Suy nghĩ về câu Hiền dữ phải đâu là tính sẵn nhiều do giáo dục mà nên của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà Bác còn là một người cha già dân tộc với trái tim đầy nhân ái, vị tha. Bác luôn quan tâm đến con người càng quan tâm đến hoạt động giáo dục con người, bởi Bác nhận thấy được tầm quan trọng của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách của con người. Nói về tầm quan trọng của giáo dục, Bác Hồ của chúng ta đã phát biểu rằng: “Hiền dữ đâu phải tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Đây là một câu nói đúng đắn, chuẩn xác xuất phát từ chính sự hiểu biết và sự gần gũi, quan tâm đến con người của Bác.
Con người sống trong một xã hội có sự đa dạng về tính cách, có người hiền, nhân hậu, vị tha cũng có những con người dữ dằn, khó tính, thậm chí là độc ác. Sự khác nhau về nhân cách này theo cách nhận xét và đánh giá của chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó không phải là do bẩm sinh, tức không phải là bản chất ban đầu của con người mà do sự giáo dục cũng như môi trường sống của người đó tạo nên: “Hiền dữ đâu phải tính sẵn/ Phần lớn do giáo dục mà nên”. Con người khi mới được bố mẹ sinh ra thì ai cũng như ai, ngây thơ, trong sáng như những tờ giấy trắng, lúc ấy con người rất thiện lương, trắng trong. Bởi cuộc sống của họ lúc bấy giờ còn giới hạn trong phạm vi nhỏ là gia đình, những người mà họ tiếp xúc cũng chỉ là bố mẹ, những người thân.
Nhưng quan trọng hơn hết đó chính là lúc bấy giờ nhận thức của họ còn chưa rõ ràng, các yếu tố bên ngoài như tốt – xấu, phải- trái cũng như mọi yếu tố của môi trường sống cũng không thể tác động, chi phối làm thay đổi họ. Lúc bấy giờ họ chỉ sống theo bản năng của mình, đói thì khóc, vui thì cười, cuộc sống của họ lúc bấy giờ đơn thuần hơn bao giờ hết. Nhưng theo thời gian, họ sẽ dần trưởng thành, họ có khả năng nhận thức những thứ xung quanh mình, nhưng cũng chính lúc ấy họ bị tác động và thay đổi bởi môi trường sống, bởi những con người mà họ hàng ngày tiếp xúc. Bác Hồ cũng đã nhận xét “Khi ngủ ai cũng như người lương thiện/ Thức dậy mới phân kẻ dữ hiền”.
Thật vậy, khi ngủ là khi con người sống bằng phần vô thức, lúc bấy giờ họ sẽ đơn thuần như một đứa trẻ. Khi ấy thì ai cũng như ai, đều như lương thiện, nhưng khi đã thức dậy, tức là họ sống bằng phần ý thức thì bản tính của họ ra sao dữ hay hiền sẽ được bộc lộ ra hết. Hiểu như vậy ta mới thấy được bản thân của mỗi con người đều là những phần thiện lương, nhưng do cuộc sống và sự tác động của môi trường sống thì mới bị phân hóa trong nhân cách, có người tốt nhưng cũng có kẻ xấu. Vậy nguyên nhân của sự phân hóa ấy là do đâu? Từ sự am hiểu về con người cũng như về đời sống thì Hồ Chí Minh đã khẳng định đó là tác động của yếu tố giáo dục.
Trong những môi trường sống khác nhau thì con người có xu hướng phân hóa tính cách khác nhau, chẳng hạn như khi sống trong một xã hội, một cộng đồng lành mạnh, trong sạch, tiếp xúc với những con người tốt thì người sống trong xã hội ấy cũng có xu hướng trở thành một người tốt, tính cách cũng có phần thiện lương hơn. Và ngược lại, nếu như một người sống trong một xã hội có nhiều tệ nạn, tiếp xúc với những con người có nhiều thiên hướng xấu thì tính cách cũng có phần tiêu cực hơn, như câu tục ngữ mà ông cha ta cũng đã từng khẳng định: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Tuy nhiên, sự đánh giá này cũng không hoàn toàn đúng nếu tuyệt đối hóa nó, bởi gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Bởi đối với những người có bản lĩnh, tính cách của họ cũng sẽ không dễ bị thay đổi dù vẫn bị tác động bởi những yếu tố xấu, yếu tố tiêu cực.
Song song với nó, những người dù được sống trong một môi trường lành mạnh nhưng sống không có lập trường, bản lĩnh thì vẫn có thể sa đọa vào những thói hư, tật xấu. Và làm sao để con người có khả năng miễn nhiễm với các yếu tố xấu, biết làm chủ hành động của mình cũng như làm chủ bản thân mình? Câu trả lời chỉ có một, đó là con người đó phải nhận được sự giáo dục tốt thì gia đình cũng như nhà trường và xã hội. Như lời Bác Hồ của chúng ta nói “Phần lớn do giáo dục mà lên”. Con người lớn lên trong vòng tay cũng như sự che chở của gia đình, chính vì vậy mà gia đình phía là cái nôi giáo dục đầu tiên.
Ngay khi con người được sinh ra và lớn lên thì những người mà họ tiếp xúc nhiều nhất, lâu nhất chính là những người thân trong gia đình, mà cụ thể hơn, tác động mạnh mẽ hơn thì đó chính là bố mẹ của họ. Bố mẹ không chỉ sinh con ra mà còn nuôi dưỡng những đứa con ấy, trong quá trình đứa con trưởng thành, nếu như bố mẹ có ý thức giáo dục con tốt, đúng cách thì đứa con ấy sẽ trở thành những người con ngoan, có ích cho xã hội. Nếu như giáo dục sai cách, ví dụ như dùng bạo lực với con hay văng tục chửi bậy trước mặt con cũng như làm ra những hành động đáng lên án như ăn trộm, ăn cướp, sa vào các tệ nạn xã hội thì đứa con ấy dù ít hay nhiều cũng sẽ bị tác động xấu đến ý thức cũng như hành động.
Theo như một nghiên cứu thực tế của các nhà tâm lí học. Một gia đình có nề nếp, bố mẹ giáo dục con bằng những biện pháp hợp lí, dùng lí lẽ để răn rạy con thì đứa bé ấy lớn lên trở thành một đứa trẻ rất lễ phép, sống hòa đồng. Còn một đứa trẻ sống trong cuộc sống gia đình không hạnh phúc khi bố thường xuyên cờ bạc, rượu chè, mẹ thì phải gánh nặng trách nhiệm của com áo gạo tiền nên thường xuyên trút giận lên những đứa con của mình, đó là những trận đòn roi dã man, tàn bạo. Từ đó tạo ra tâm lí sợ hãi, ám ảnh của những đứa con đối với người mẹ. Và điều đặc biệt là khi lớn lên, người con gái cả lấy chồng sinh con, nhưng điều không ngờ đã xảy ra, vì ám ảnh tâm lí quá nặng mà người con gái này đối xử với những đứa con của mình y như những gì mà mình đã phải chịu đựng trong những năm tháng tuổi thơ.
Như vậy, ta có thể thấy sự giáo dục của bố mẹ có sự ảnh hưởng rất lớn đến những đứa con. Và một nhân tố giáo dục nữa cũng ảnh hưởng lớn đến con người, đó chính là sự giáo dục từ trường học. Trường học là nơi mọi người đến trường để học những kiến thức, kĩ năng về văn hóa cũng như tu rèn về phẩm chất, đạo đức. Ở trường tuy chỉ dạy học sinh theo những giờ giấc nhất định, không có điều kiện tiếp xúc với các em nhiều như những người thân trong gia đình nhưng hiệu quả của việc giáo dục ở trường mang lại là vô cùng cao. Bởi ở trường có đội ngũ các thầy cô giáo được đào tạo về chuyên môn, có kĩ năng giáo dục và những kiến thức được đưa vào giảng dạy cũng được đảm bảo về tính chuẩn mực cũng như tính khoa học.
Hơn nữa, ở trường không chỉ giáo dục cho học sinh về những kiến thức bộ môn mà còn giáo dục các em về các kĩ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp cũng như bồi dưỡng cho các em về các phẩm chất đạo đức để các em có thể hình thành những nhân cách đúng đắn, chuẩn mực và có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Trong chúng ta chắc hẳn ai cũng đã từng nghe về câu chuyện mẹ hiền dạy con, đó chính là người mẹ vĩ đại của nhà Triết học nổi tiếng Trung Quốc Mạnh Tử. Người mẹ này nổi tiếng về cách giáo dục con, khi Mạnh Tử còn nhỏ đã rất nhiều lần được mẹ chuyển nhà, những lần chuyển nhà này hoàn toàn không phải do hoàn cảnh gia đình mà mong muốn của mẹ Mạnh Tử là mong con có một môi trường học tập tốt nhất. Và cuối cùng sau nhiều lần chuyển nhà từ gần chợ, bãi tha ma thì người mẹ ấy đã chuyển nhà đến gần trường học, và khi ấy niềm đam mê học tập của con trai khiến bà yên tâm, và cũng từ đó mà nuôi lớn lên một Mạnh Tử vĩ đại như sau này
Tuy khẳng định vai trò của giáo dục nhưng Hồ Chí Minh cũng không khẳng định một cách tuyệt đối, Bác dùng từ “phần lớn” nghĩa là số đông sẽ có tác dụng, vẫn còn những trường hợp cá biệt do thiên hướng tính cách thay đổi bên trong nên giáo dục không phát huy được tác dụng.
Câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh “Hiền dữ đâu phải do tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” là một câu nói hay, thể hiện được tầm vóc tư tưởng cũng như sự hiểu biết của Bác. Điều đặc biệt nhất của câu nói này đó là Bác không khẳng định chắc chắn một trăm phần trăm vai trò của giáo dục với nhân cách của con người, bác dùng một lượng từ số nhiều để chỉ vai trò ấy. Qua đây ta thấy được tư duy khách quan, sáng suốt của vị cha già dân tộc kính yêu.
Nguồn: Văn mẫu