Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận là một kĩ năng cần thiết nếu muốn làm một bài văn nghị luận xã hội hay, hấp dẫn. Để bài văn nghị luận thuyết phục được người nghe, chúng ta cần vận dụng các thao tác giải thích, chứng minh, bác bỏ, so sánh… Và cho bài nghị luận bớt khô khan, trìu tượng, người viết cần bổ sung các thao tác như biểu cảm, tự sự, miêu tả…. Bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận sẽ giúp chúng ta tìm hiểu các phương thức này. Qua bài học này, hi vọng các bạn sẽ biết cách vận dụng, kết hợp nhiều phương thức biểu đạt để viết được một bài văn hay, hấp dẫn. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận lớp 12.
SOẠN LUYỆN TẬP VẬN DỤNG KẾT HỢP CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN
I- Luyện tập trên lớp
Câu 1 trang 158 SGK văn 12 tập 1:
a. Trong bài văn nghị luận, có lúc chúng ta cần phải kết hợp, vận dụng các thao tác lập luận vì:
- Khắc phục sự khô khan của văn nghị luận
- Đem lại sự sinh động, hấp dẫn cho bài văn và thuyết phục người nghe
b. Chúng ta cần chú ý một số điểm:
- Bài văn phải là văn bản nghị luận
- Kể, tả, biểu cảm chỉ là các yếu tố kết hợp, không được làm mờ đi các yếu tố của văn nghị luận
- Các yếu tố phụ khi tham gia vào văn bản phải chịu sự chi phối và phục vụ cho quá trình nghị luận
Câu 2 trang 158 SGK văn 12 tập 1:
Thuyết minh là thao tác trình bày, giới thiệu một cách khách quan về đối tượng
Trong bài viết, người viết muốn nhấn mạnh sự cần thiết của chỉ tiêu GNP, và như vậy, để thuyết phục, ngoài việc sử dụng các thao tác lập luận khác, người viết còn sử dụng thao tác thuyết minh, giới thiệu một cách rõ ràng, chính xác về đối tượng
=> Tác dụng:
- Hỗ trợ đắc lực cho việc bàn luận của tác giả, đem lại những hiểu biết thú vị
- Giúp người đọc hình dung vấn đề một cách cụ thể, nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc
Câu 3 trang 159 SGK văn 12 tập 1:
Trong số các nhà văn lãng mạn Việt Nam, Thạch Lam là người để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc hơn cả. Thuở nhỏ, Thạch Lam vốn là một đứa trẻ lanh lợi, hoạt bát, dạn dĩ, “thông minh và lãng mạn nhất nhà”. Thạch Lam còn có một tâm hồn nhạy cảm, giàu tình yêu thương và trắc ẩn, biết sẻ chia, cảm thông với những người nghèo khổ quanh mình.
Không tô hồng đời sống như những nhà văn Tự lực văn đoàn khác, Thạch Lam chẳng ngại khám phá những mặt tối kém phần thi vị của cuộc sống, những góc tối khuất lấp trong tâm hồn con người. Nhưng nhà văn không tô đen hay bôi đen hiện thực mà truyền tải nó lên trang giấy bằng tấm lòng chia sẻ, cảm thông.
Theo Thạch Lam, người nghệ sĩ phải “bỏ hết những cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cái giả dối đẹp đẽ, tìm cái giản dị, sâu sắc và cái thật, bằng cách quan sát và rung động đúng”. Quan niệm ấy đã hé mở trực tiếp về mĩ cảm của nhà văn: “cái đẹp là sự sống được cảm thấy”. Theo đó, cái đẹp phải sống động, tự nhiên, chân thực và giản dị. Nó hoàn toàn xa lạ với những cái sáo rỗng, đoán định, giả tạo.
Dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng những gì Thạch Lam để lại cho chúng ta vẫn có sức sống và giá trị đến tận hôm nay. Ông xứng đáng là một gương mặt tiêu biểu đại diện cho dòng văn lãng mạn thời kì 1930- 1945
II- Luyện tập ở nhà
Câu 1 trang 161 SGK văn 12 tập 1:
Cả hai nhận định đều đúng vì:
Một bài văn nghị luận nếu không vận dụng, kết hợp các yếu tố khác sẽ rơi vào trìu tượng, khô khan
Nếu chỉ vận dụng một phương thức thì dễ đơn điệu, nhàm chán
Câu 2 trang 161 SGK văn 12 tập 1:
Ô nhiễm môi trường là một vấn đề bức thiết của toàn nhân loại hiện nay. Hàng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến mọi người xả rác bừa bãi ra ngoài môi trường. Các công ty, nhà máy thì đổ chất thải trái phép ra ngoài làm ô nhiễm nguồn nước. Đất đai cũng bị ô nhiễm nặng nề bởi các loại phân bón, thuốc trừ sâu ngấm vào trong lòng đất. Ô nhiễm môi trường phá hủy hệ sinh thái, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của các sinh vật và con người. Để cải thiện môi trường sống xung quanh chúng ta, mỗi người hãy có ý thức bảo vệ môi trường, cùng chung tay cứu lấy hành tinh xinh đẹp này
Nguồn Internet