Khi văn học bước sang thời trung đại, số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ vẫn được cất lên vừa đau đớn lại vừa tự hào. Ta tìm được những điều ấy trong “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm. Để cảm nhận về bài thơ ấy, chúng ta cần chia bài thơ làm hai phần: câu đầu và câu cuối nói về số phận bạc bẽo của người phụ nữ, hai câu thơ giữa lại làm toát lên vẻ đẹp của họ. Vì đây là một bài thơ giàu đặc sắc về nghệ thuật, nên chúng ta cần cảm nhận kĩ các biện pháp nghệ thuật, để từ đó suy ra nội dung ý tình của bài thơ. Chúc các bạn làm được bài văn thành công!
BÀI VĂN MẪU PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ BÁNH TRÔI NƯỚC LỚP 7
Thời gian vẫn tuần hoàn với bốn mùa xuân hạ thu đông, con người cũng đổi thay theo quy luật của cuộc đời. Chỉ riêng những vần thơ còn tồn tại mãi với cuộc đời. Bài thơ “Bánh trôi nước” của tác giả Hồ Xuân Hương chính là một bài thơ như vậy:
- Thân em vừa trắng lại vừa tròn
- Bảy nổi ba chìm với nước non
- Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
- Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Hồ Xuân Hương vốn được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”. Thơ của bà sắc sảo nhưng lại có phần cay đắng như chính con người bà vậy. Bài thơ “Bánh trôi nước” viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, nhiều bất công ngang trái. Nó làm ta nhớ đến những câu ca dao thân thân như:
- Thân em như tấm lụa đào
- Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Ở hai câu thơ đầu tiên của “Bánh trôi nước”, hình ảnh người con gái hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn”. Đó là các tính từ chỉ vẻ bề ngoài của chiếc bánh trôi, nhưng cũng là vẻ đẹp của người con gái. Tính từ “vừa…vừa” cho thấy, đó là vẻ đẹp vừa phúc hậu, nết na, lại vừa tươi tắn tuổi xuân. Người con gái lúc nào cũng mang vẻ đẹp như vậy. Hai chữ “thân em” thường được dùng trong ca dao cũng được Xuân Hương vận dụng một cách khéo léo. Nó không còn là một lời than thân trách phận, mà người con gái ở đây dường như đang tự khẳng định vẻ đẹp của mình.
Nhưng vẻ đẹp ấy liệu có được trân trọng? Hai câu thơ tiếp theo, hình ảnh người phụ nữ hiện ra với tất cả những vùi dập đắng cay của cuộc đời:
- Bảy nổi ba chìm với nước non
- Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Thành ngữ “ba chìm bảy nổi” được tác giả biến hoá lại, xuất hiện trong bài thơ như một điểm nhấn đặc biệt. Đó chính là những đau khổ mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng. Phép đảo ngữ càng làm cho ý văn trở nên sâu sắc. Họ bị vùi dập dưới những định kiến, bất công. Cuộc đời họ cũng nổi trôi vô định như những trái bần, quả xoài hay cái chổi. Trong giọng văn của Hồ Xuân Hương có điều gì xót xa quá!
Người phụ nữ cũng không được tự do lựa chọn quyền hạnh phúc, lựa chọn cho cuộc đời mình. “Tay kẻ nặn” là bàn tay của xã hội phong kiến đã bóp nghẹt sự sống người phụ nữ. “Mặc dầu”, thể hiện một thái độ chấp nhận, cam chịu với bất công. Biết làm sao khi sống trong một chế độ còn thối nát quá, khi nam quyền còn quá lớn, thì dẫu người phụ nữ có đấu tranh thế nào cũng chẳng được.
Nhưng câu thơ kết lại vang lên như một dấu son chói lọi của nhân cách người phụ nữ:
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Em bị vùi dập, em bị bất công như thế, nhưng tâm hồn em vẫn thật đẹp. Em hồn nhiên, em nhân hậu, em thuỷ chung biết chừng nào, đó chính là “tấm lòng son” của em. Chữ “mà” đặt ở đầu câu như phủ định đi những đau khổ kia, ở lại chỉ còn là phẩm chất và đức hạnh của họ.
Hồ Xuân Hương đã thể hiện rõ thái độ, vừa thương xót, đau đớn lại vừa ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn, ánh lên như những vầng hào quang rực rỡ. Trong giá trị của “Bánh trôi nước”, có cả tiếng tố cáo hiện thực bất công ngang trái, nhưng trên tất cả vẫn là sự trân trọng vẻ đẹp con người. Cái tài của Xuân Hương còn ở việc sử dụng khéo léo những chất liệu của dân gian, những phép đảo ngữ, sử dụng hình ảnh đều vô cùng tinh tế. Đó chính là cái tâm và cái tài của bà chúa thơ Nôm.
Đến tận bây giờ, người ta vẫn không thôi thổn thức vì những vần thơ sống động của “Bánh trôi nước”. Mỗi chúng ta nên trân trọng và yêu thương những người phụ nữ, vì họ đã làm nên một nửa thế giới này!
Nguồn Internet