Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Dế Mèn

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Dế Mèn trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên (trích Dế Mèn phiêu lưu kí) của nhà văn Tô Hoài.

Bài làm

1. Ở tầng nghĩa thứ nhất của văn bản, thông qua phương thức miêu tả và kể chuyện, ta nhận ra bức chân dung mà Dế Mèn tự hoạ. Đó là một phác thảo thành công vể “một chàng dế thanh niên cường tráng” trong hai bối cảnh và hai mối quan hệ khác nhau: trong nhà và ngoài ngõ, với mình và với người. Mạch văn do đó mà liên tục theo hướng mở rộng dần ra.

Quả như câu tục ngữ: Ở nhà nhất mẹ nhì con Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta – Trong cái thế giới riêng nhỏ bé của mình, Dế Mèn là chúa tể với dáng vẻ “cường tráng” toàn thân thấm đẫm vào các chi tiết bộ phận. Tất cả đểu ăn ý, hài hoà, ánh lên vẻ đẹp, sức hấp dẫn của một chàng dế thanh niên mới lớn. Nói đến sức mạnh của loài dế, trước hết phải kể đến bộ vuốt ở chân và bộ răng trên miệng. Cả hai, ở Dế Mèn đã vô cùng “lợi hại”, chỉ cần một động tác “co cẳng lên” là lập tức “Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua”, còn hai cái răng đen nhánh có thể sánh ngang với “hai lưỡi liềm máy làm việc”. Những ấn tượng thị giác vừa nêu được bổ sung bằng ấn tượng thính giác tạo ra được nội lực đáng gờm. Cái đạp của Dế Mèn là cái “đạp phanh phách” đầy khí thế, còn “hai lưỡi liềm máy” hoạt động lúc nào cũng có tiếng “ngoàm ngoạp” âm vang, đe doạ. Dế Mèn có đủ, sự sang trọng ở bộ cánh “cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi” (chứ không “ngắn hủn hoẳn” đến buồn cười như trước đó), sự đáng nể ở bộ râu “hùng dũng”. Riêng bộ râu của Dế Mèn là một điểm nhấn làm bừng sáng lên một vẻ đẹp hoàn mĩ, tuyệt vời (được tô đậm đến ba câu văn chứ không phải là một chi tiết đồng hạng ngang bằng với các bộ phận cơ thể khác).

Cũng cần phải nói thêm, trong những nét miêu tả ngoại hình ấy, có những chi tiết tưởng như chỉ thoáng qua nhưng không thể thiếu, hơn nữa còn gây ấn tượng trong tâm trí người đọc. Ví dụ cái đầu “to ra và nổi từng tảng, rất bướng” của Dế Mèn. Thấp thoáng ở đây một lực sĩ toàn năng oai vệ sắp bước lên võ đài tỉ thí. Cuối cùng, sức mạnh của Dế Mèn đâu chỉ là câu chuyện vu vơ. Chú đã tìm phép thử nhưng dường như không có phản ứng ngược chiều. Dù có “cà khịa”, có “to tiếng” với “tất cả mọi bà con trong xóm”, nhưng không ai đáp lại, không một người nào “dám ho he”. – Toàn bộ vẻ đẹp của Dế Mèn không chỉ được bộc lộ bằng hệ thống những chi tiết, đường nét khách quan. Nó còn gắn liền với vai trò chủ quan của người kể. Người kể chuyện không ở ngôi thứ ba mà là ngôi thứ nhất. Ở vị trí này, Dế Mèn đã soi gương và ngắm mình trong đó.

Yếu tố miêu tả đã kết hợp làm một với yếu tố trữ tình. Sức thuyết phục đối với người đọc không chỉ ở bề nổi mà còn ở chiều sâu. “Tôi” kể chuyện về “tôi” với bao nhiêu tâm trạng, nỗi niềm trong đó. Ngay ở những chi tiết hình thể, đâu phải là vô tình, tác giả hoá thân vào nhân vật mà sung sướng đến sững sờ khi nhận ra đôi càng “mẫm bóng”, những cái vuốt “nhọn hoắt” ở chân, đầu từng tảng to ra “rất bướng”. Không hài lòng, hơn nữa không hãnh diện với cặp râu thì làm sao Dế Mèn cứ chốc chốc lại đưa cả hai chùn lên vuốt nó, mà cách vuốt “trịnh trọng và khoan thai” rất kiểu cách, điệu đà. Nếu lấy tiêu chí “con nhà võ” mà tự đánh giá, Dế Mèn thật mãn nguyện khi có được ưu thế vượt trội bẩm sinh, tự cho mình là “tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Có thể xốc nổi, nhưng cứ hồn nhiên như thế, Dế Mèn say sưa với bao nhiêu mơn trớn ngọt ngào.

– Hình tượng đẹp đẽ và dường như không còn chê vào đâu được nữa của Dế Mèn đã bị vơi hụt đi đáng kể dưới con mắt của chính Dế Mèn khi chàng thanh niên cường tráng thử sức lần thứ hai bày trò trêu chọc chị Cốc. Việc nghịch ngợm này không phải ngẫu nhiên như ta đã biết vì trước đó, với bà con trong xóm, Dế Mèn ta đã không dưới một lần “cà khịa” hay “to tiếng”, kẻ thì bị quát nạt (chị Cào Cào) người thì vô cớ bị cú đá ghẹo của y (anh Gọng Vó). Còn với Dế Choắt, “người hùng” của chúng ta (Dế Mèn) chỉ nhìn bằng nửa con mắt. Chẳng những không chịu giúp đỡ Dế Choắt, mà trong việc “mạo hiểm” lần này (trêu ghẹo chị Cốc), trước Dế Choắt, chàng ta muốn khẳng định mình ở vào một vị thế còn cao hơn nữa. Trước sự khuyên can thật tình: “Anh phải sợ…” của Dế Choắt, không một chút đắn do, Dế Mèn quắc mắt: “Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa!”. Sự hợm hĩnh đến ngông cuồng, bất chấp lẽ phải là một nét tính cách cùa Dế Mèn. Chính nó đã dẫn đến hậu quả khôn lường: cái chết của Dế Choắt. Trong vụ án giết người mà Dế Choắt là nạn nhân này, chị Cốc là kẻ vô can, vì “Gieo gió thì phải gặt bão”, với cách nghĩ của chị Cốc, đó là chuyện thường tình. Chỉ có điều, oái oăm thay kẻ gieo gió đâu phải là kẻ có mặt lúc này? Tội lỗi không thể nào tha thứ được của Dế Mèn không chỉ ở chỗ “quýt làm cam chịu”, mà cái chính còn là không biết yêu thương, che chở, đùm bọc cho đồng loại, nhất là những người không may mắn, những người ốm yếu rất đáng quan tâm như Dế Choắt hàng xóm “tắt lửa, tối đèn” (Nếu trước đó Dế Mèn đào cho Dế Choắt một cái ngách chạy sang thì chắc chắn là người bạn khốn khổ này đã thoát nạn). Lần đầu tiên, qua cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã nhận ra sự thiếu hụt về nhân cách, nền tảng tạo ra sức mạnh của mỗi cá nhân, còn sức mạnh của mỗi một cá nhân, nếu tách khỏi cộng đồng sẽ trở nên vô nghĩa. Đó chính là ý nghĩa đắt giá cho bài học đầu đời mà Dế Mèn tự rút ra.

2. Ở tầng nghĩa thứ hai của văn bản, thông qua hai lớp thời gian, một Dế Mèn hôm nay (đã trưởng thành thực sự) nhìn và kể lại một Dế Mèn hôm qua với bao nhiêu xốc nổi, dại khờ. Chúng ta có thể hình dung trọn vẹn con đường “phiêu lưu” của nhân vật mà trích đoạn trên đây mới chỉ là bước khởi đầu. Tính chất hồi kí của tác phẩm hiện lên rất rõ. Nói đến hồi kí là nói đến cảnh, đến người thông qua miêu tả và kể chuyện nhưng gắn với hoài niệm, những kỉ niệm riêng trong quá khứ. Vì vậy, những chấn động tình cảm có điều kiện gia tăng với người kể, và chia sẻ được với người nghe, cả hai trở thành những tri âm, đồng điệu. Biểu hiện của tính chất hồi kí ở đây là lối văn hai giọng: giọng của hôm nay nhớ về quá khứ, còn những dòng viết về quá khứ lại cứ như hiện ra trước mắt, của hôm nay (hiện tại của quá khứ). Chất giọng của hôm nay là một thứ tư duy phán xét như tiếng nói của vị quan toà nghiêm khắc cần minh bạch đúng sai nhưng cũng có sự bao dung, tha thứ cho những dại dột ấu trĩ một thời. Hai chất giọng này xen kẽ vào nhau tạo thành thứ bè đôi – phong cách riêng của Dế Mèn phiêu lưu kí nhằm điều chỉnh quá trình hướng thiện của nhân vật trung tâm đi vào quỹ đạo. Trước hết, nó đính chính lại những ngộ nhận ngây thơ mà Dế Mèn một thời cứ đinh ninh nọ là như thế. Chẳng hạn việc gây sự vô cớ với bà con trong xóm mà không ai lên tiếng. Sau này tỉnh táo hơn, từng trải hơn, Dế Mèn mới hiểu được thế nào là sự im lặng. Thì ra toàn là chỗ quen thuộc cả, “không nói, có lẽ họ nể hơn là sợ. Nhưng tôi lại tướng thế là không ai dám ho he. Ấy vậy, tôi cho là tôi giỏi…”. Lên mặt mắng Dế Choắt là kẻ “ăn xổi, ở thì” nhưng sự thật không phải như vậy (thật ra chỉ vì ốm đau luôn, Dế Choắt không thể nào làm được). Cao hơn sự điều chỉnh trên đây, Dế Mèn đã tìm thấy nguyên nhân của sự “tự đắc”, ấy là tính ích kỉ, cá nhân của bản thân mình lúc đó: “Ngẫm ra thì tôi chỉ nói lấy sướng miệng tôi. Còn Dế Choắt than thở thế nào, tôi cũng không để tai. Hồi ấy, tôi có tính tự đắc…”. Dám thẳng thắn như thế vì Dế Mèn là kẻ biết mình, khoác lác thế thôi (như với chị Cốc), nhưng y là một kẻ “miệng hùm gan sứa”, chẳng thế mà khi biết Dế Choắt bị chị Cốc giáng cho những đòn chí tử, tuy đã nằm tận đáy cái hang kiên cố của mình rồi, Dế Mèn vẫn khiếp đảm “nằm im thin thít”, đợi chị Cốc bay đi rồi mới dám “mon men bò lên”. Toàn bộ sự việc trêu chọc chị Cốc, bắt nạt Dế Choắt đã được khái quát lại và để từ đó một bài học vể nhân sinh, về đạo lí rút ra thấm thìa: “Chao ôi, có biết đâu rằng: hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của minh thôi…”. Câu văn này mà đặt vào một kết cấu hình thức bên ngoài thì nó như một sự chuyển ý. Nhưng nếu đặt nó vào phong cách Tô Hoài thì lại là giọng văn hồi kí có tính chất đúc kết rất cao. Nó làm sáng lên tất cả chân dung một Dế Mèn còn nhiều thiếu sót mà câu chuyện tiếp nối là một sự minh hoạ theo quan hệ “hô – ứng” mà thôi. Tuy có nặng lời phê phán, lối văn hai giọng cũng phát hiộn ra những mầm mống tốt đẹp của Dế Mèn, một tính cách không hề giản đơn, một phía. Với Dế Choắt, Dế Mèn tỏ ra tuyệt tình nhưng thực ra Mèn cũng biết thương người. Trong cái đám sếu, vạc, cốc, le,… cãi nhau inh ỏi bốn góc đầm nước trắng mênh mông có khi chỉ tranh nhau một mồi tép, Dế Mèn rưng rưng thương cảm với “những anh Cò gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng dược miếng nào”. Vừa hắt hủi Dế Choắt “Đào tổ nông thì cho chết!”, Dế Mèn đã biết trầm tư: “Khổ quá, những kẻ yếu đuối, vật lộn cật lực thế mà cũng không sống nổi”. Tính cách Dế Mèn là như thế! Đủ tất cả hay, dở, đúng, sai. Cần phải học, học theo kiểu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” hơn nữa mới trở nên một Dế Mèn chân chính. 3. Về nghệ thuật, điều trước hết không thể không nói, ấy là nghệ thuật miêu tả và kể chuyện. Tác phẩm chinh phục được người đọc từ những trang đầu đến khi kết thúc. Đó là nhờ tài quan sát và kể chuyện. Bằng trí tưởng tượng của nhà văn, ta cảm nhận được thế giới loài vật nhỏ bé như thế giới loài người ở những quan hệ và số phận của chúng. Con vật mang tính cách người, hay thấp thoáng hình ảnh con người. Riêng về mặt kể chuyện, mà ở đây là tự truyện, Tô Hoài đã đi vào được đời sống nội tâm của nhân vật, đặc biệt là nhân vật Dế Mèn. Ông có những phát hiện thú vị nhất là về tâm lí.

Xem thêm:  Phát biểu cam nghĩ về chú mèo nhà em nuôi lớp 7

Cùng với điều đó, tác giả khéo léo đặt nhân vật vào những tình huống tưởng như bình thường nhưng diễn biến bất thường để nhân vật tự bộc lộ tính cách (như đoạn Dế Mèn trêu chọc chị Cốc để rồi nhận lấy cho mình bài học đau đớn, xót xa). Ngoài những điều dễ nhận biết đó ra, không thể không nói đến ngôn ngữ, đến cách dùng từ, đặt câu rất đặc biệt và cũng là thành công lớn của Tô Hoài trong Dế Mèn phiêu lưu kí. Về từ, ngữ, nhà văn chưa bao giờ cho phép mình cẩu thả. Ngay như khi cá biệt hoá cũng là khái quát hoá vẻ đẹp, sức hấp dẫn của Dế Mèn, tác giả có một phác hoạ chính xác: “chàng dế thanh niên cường tráng”. Cường tráng khác với tuấn tủ, khôi ngô khác với thông minh lanh lợi. “Cường tráng” gần với loài vật hơn, lưu ý với người đọc về sức vóc nhiều hơn. Trên tinh thần sáng tạo ấy, các tính từ và động từ miêu tả ngoại hình vừa có thần vừa đa nghĩa. “Có thần” vì sức lột tả giúp cho người đọc có thể hình dung cái cốt lõi, cái tinh tuý mà ngôn từ thể hiện, còn đa nghĩa vì những tính từ và động từ ấy còn góp phần thể hiện, đúng ra là nhân vật tự thể hiện mình, một cách soi gương và nhìn ngắm mình trong đó (như trên đã nói). Đôi càng “mẫm bóng” chứ không phải là nhẵn bóng, đôi cánh trước kia ngắn “hủn hoẳn” chứ không phải là cũn cỡn, mỗi khi tôi “vũ lên” chứ không phải là vù lên hay vỗ cánh bay lên… Đó là những từ lạ có sức tạo hình. Song, có những từ không có gì là “lạ” nhưng do đặt được nó vào một tương quan nhất định, hiệu quả của nó không kém gì sức gợi như trên. Chẳng hạn trường hợp sợi râu của Dế Mèn: “Sợi râu của tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”. Chữ “hùng dũng” đặt ở đây thoạt nghe có vẻ không thuận, không êm, nhưng nghĩ kĩ thì thật là chính xác. Không chỉ tả Dế Mèn, cả Dế Choắt cũng thế. Dưới con mắt tự đắc của mình, Dế Mèn nhìn đôi cánh của Dế Choắí mới buồn cười, mới ngộ nghĩnh và thảm hại làm sao. Cánh gì mà chỉ “ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê”. Lấy cái chết để cảnh báo Dế Choắt về cái tội nhà cửa tuềnh toàng, Tô Hoài viết: “Ngộ có kẻ nào đến phá thì thật chú chết ngay đuôi!”. “Chết ngay đuôi” là cụm từ rất hay và rất lạ. Giải thích cho Dế Mèn hiểu được tình cảnh bệnh tật của mình, thông thường Dế Choắt có thể nói: em yếu sức quá. Nhưng nhà văn không chịu. Phải là “em nghèo sức quá” mới đúng là Dế Choắt của Tô Hoài. “Đứa nào cạnh khoé gì tao thế? Đứa nào cạnh khoé gì tao thế?” thì đó mới là giọng điệu của chị Cốc, ngôn từ của chị Cốc thường dùng. Giọng điệu ở đây không kém phần đáo để, còn ngôn từ nói theo cách rút gọn thành ngữ (nói cạnh nói khoé) làm cho ý tứ không vòng vèo mà sắc nhọn hẳn lên. Rõ ràng ngôn ngữ trong trích đoạn nói trên và tác phẩm nói chung là ngôn ngữ nhân vật, kết quả của sự chắt lọc từ ngôn ngữ đời thường để chỉ còn tinh tuý mới thôi. ở. một đơn vị ngôn ngữ lớn hơn từ, ngữ, đó là câu, câu văn của Tô Hoài rất giàu nhạc tính. Thử làm một phép so sánh giữa câu văn: “Tôi quát bọn Cào Cào ngoài đầu bờ mép cỏ” với câu của Tô Hoài: “Tôi đã quát mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ, khiến mỗi lần thấy tôi đi qua, các chị phải núp khuôn mặt trái xoan dưới nhánh cỏ, chỉ dám đưa mắt lên nhìn trộm”. Hoặc giữa câu: “Tôi đá anh Gọng Vó” với câu của Tô Hoài: “Thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên”. Rõ ràng, chúng khác nhau một trời một vực.

Xem thêm:  Tóm tắt truyền thuyết Thánh Gióng

Tính nhạc trong những câu văn ấy của Tô Hoài tạo ra bởi thanh điệu và nhịp điệu vừa tiết chế vừa du dương. Ở câu thứ nhất có bốn nhịp, kết thúc hai nhịp đầu là thanh bằng liên tiếp thì hai nhịp sau lại là thanh trắc như một sự hoà thanh. Kết hợp với thanh điệu ấy lại là bốn nhịp có sự cân đối về số lượng từ thật chỉn chu một cách đầy dụng ý. Còn ở ví dụ thứ hai nếu cắt bỏ một cụm từ, như “dưới đầm lên”, câu văn sẽ hỏng theo quy luật phối thanh vừa phân tích. Thêm cụm từ có vẻ không quan trọng đó vào, câu văn êm thuận hẳn lên, vừa êm tai, vừa cảm động. Những câu văn như thế thoát ra khỏi sự ràng buộc của lối văn biền ngẫu, đã đạt tới sự nhuần nhị, tự nhiên, dấu hiệu rực rỡ của văn xuôi hiện đại.

Check Also

hinh anh gai xinh hot girl cap 2 3 310x165 - Soạn bài Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên

Soạn bài Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên

Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong những sáng tác hiếm …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *