Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt ( Vợ nhặt – Kim Lân) và người đàn và hàng chài ( Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)
Hướng dẫn
Trong truyện ngắn Vợ nhặt và Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả Kim Lân và Nguyễn Minh Châu đều gặp gỡ trong việc xây dựng lên hình tượng của những người phụ nữ nghèo khổ với dáng vẻ xấu xí, thảm hại nhưng ẩn chứa bên trong lại là những vẻ đẹp đáng trân trọng. Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt ( Vợ nhặt – Kim Lân) và người đàn và hàng chài ( Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích vẻ đẹp khuất lấp ở người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm, nhân vật:
Điểm gặp gỡ của nhà văn Kim Lân trong Vợ nhặt và Nguyễn Minh Châu trong chiếc thuyền ngoài xa là đều hướng đến tái hiện những thân phận nhỏ bé, bất hạnh, những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Đó là người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”.
2. Thân bài
– Người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài hiện lên với vẻ ngoài xấu xí, thê thảm, họ là nạn nhân của xã hội đói nghèo, cơ cực bị cuộc sống mưu sinh vắt kiệt sự sống.
- Nhân vật người vợ nhặt
+ Người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt tuy không được miêu tả nhiều nhưng vẫn hiện lên với những vẻ đẹp đáng trân trọng.
+ Người vợ nhặt là nạn nhân của nạn đói, đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết, chị ta sống lang bạt, vất vưởng.
+ Chấp nhận theo không anh Tràng – một người đàn ông xấu xí, nghèo khổ về làm vợ vừa là con đường chạy trốn với cái đói, cái chết vừa thể hiện khát khao hạnh phúc mãnh liệt ở người đàn bà ấy.
+ Người vợ nhặt hiện lên trong trang văn của Kim Lân với dáng vẻ thê thảm, rách rưới cùng thân hình gày gò xanh xao, bị vắt kiệt sức sống bởi nạn đói.
+ Ẩn chứa bên trong vẻ ngoài nhếch nhác, chỏng lỏn ấy lại là người đàn bà biết điều, một người phụ nữ hiền hậu, một người vợ đúng mực.
– Trước sự bàn tán của người dân xóm ngụ cư chị ta dù không thoải mái nhưng cũng chỉ dám lầm bầm trong miệng.
– Trước ngôi nhà lụp xụp của mẹ con anh Tràng, dù thất vọng nhưng c cố nén thất vọng trong tiếng thở dài cố nén, trong ánh mắt tối lại.
– Chủ động làm quen, buổi sáng đầu tiên về nhà chồng chị ta cũng chủ động dậy sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, chuẩn bị mâm cơm gia đình.
=> người vợ nhặt hoàn toàn thay đổi khi chị ta theo anh Tràng về làm vợ, đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, bản chất đáng quý bên trong cái xù xì, xấu xí bên ngoài.
- Nhân vật người đàn bà hàng chài
+ Người đàn bà hàng chài là nhân vật chính trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng là nạn nhân của đói nghèo, của những trận bạo lực gia đình.
+ Nhân vật người đàn bà được Nguyễn Minh Châu tái hiện rõ nét theo lối tương phản giữa bề ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.
+ Bên trong vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục vô nghĩa lí khi chấp nhận chung sống với người chồng vũ phu, chấp nhận cuộc sống như địa ngục lại là một tấm lòng vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh của một người đàn bà hiểu biết.
– Không chịu bỏ chồng vì muốn các con có một mái ấm với cả bố và mẹ, được ăn no.
– Hiểu được cái khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh trên biển không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông.
– Hiểu bản chất của người chồng không xấu, hắn ta bạo tàn, vô tình như thực tại cũng vì quá nghèo khổ.
=> Phía sau vẻ thô kệch, quê mùa lại là người phụ nữ thấy hiểu lẽ đời, một người giàu tình thương.
3. Kết bài
Cả người vợ nhặt và người đàn bà đều là đối tượng mà Kim lân và Nguyễn Minh Châu đồng cảm và trân trọng, bên trong vẻ ngoài xấu xí, thô kệch lại là những vẻ đẹp khuất lấp đáng trân trọng.
II. Bài tham khảo cho đề phân tích vẻ đẹp khuất lấp ở người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài
Kim Lân là nhà văn có vốn am hiểu sâu sắc về đời sống nông thôn, cuộc sống và số phận của những người nông dân trong xã hội xưa. Trong những tác phẩm của mình, Kim Lân đã hướng ngòi bút đến những con người nghèo khổ, qua đó thể hiện thái độ trân trọng đối với những giá trị tốt đẹp bên trong họ. Vợ nhặt là truyện ngắn như vậy, thông qua tình huống nhặt vợ đầy độc đáo không kém phần lạ lùng, Kim Lân đã thể hiện niềm tin mãnh liệt vào những phẩm chất tốt đẹp ở những con người nghèo khổ bị nạn đói vắt kiệt sự sống. Nguyễn Minh Châu lại là người tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học trong thời đổi mới sau 1975. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu khi viết về cái nghịch lí trong gia đình hàng chài, qua đó tác giả thể hiện nỗi đồng cảm, xót thương đối với con người và những trăn trở về trách nhiệm của người nghệ sĩ.
Điểm gặp gỡ của nhà văn Kim Lân trong Vợ nhặt và Nguyễn Minh Châu trong chiếc thuyền ngoài xa là đều hướng đến tái hiện những thân phận nhỏ bé, bất hạnh, những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Đó là người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”.
Người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài hiện lên với vẻ ngoài xấu xí, thê thảm, họ là nạn nhân của xã hội đói nghèo, cơ cực bị cuộc sống mưu sinh vắt kiệt sự sống. Người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt tuy không được miêu tả nhiều nhưng vẫn hiện lên với những vẻ đẹp đáng trân trọng. Với tài năng miêu tả bậc thầy, Kim Lân đã xây dựng nhân vật đầy sống động, gây bất ngờ với những thay đổi ban đầu và về sau, trong cái đối lập giữa vẻ bề ngoài với những giá trị bên trong.
Người vợ nhặt là nạn nhân của nạn đói, đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết, chị ta sống lang bạt, vất vưởng. Đây cũng là cơ duyên để chị ta gặp gỡ và nên vợ nên chồng với anh Tràng. Tuy nhiên đối lập với cảnh trôi dạt, vất vưởng ấy lại là lòng ham sống mãnh liệt, chị ta chấp nhận theo không anh Tràng – một người đàn ông xấu xí, nghèo khổ về làm vợ vừa là con đường chạy trốn với cái đói, cái chết vừa thể hiện khát khao hạnh phúc mãnh liệt ở người đàn bà ấy.
Người vợ nhặt hiện lên trong trang văn của Kim Lân với dáng vẻ thê thảm, rách rưới cùng thân hình gày gò xanh xao, bị vắt kiệt sức sống bởi nạn đói. Không chỉ xấu xí, rách rưới mà ấn tượng đầu tiên chị ta mang đến cho độc giả là sự chao chát, chỏng lỏn, một người phụ nữ vô duyên có thể lớn tiếng mắng mỏ và đòi trả công bằng bữa ăn với người đàn ông mà mình từng đẩy xe bò hộ. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong vẻ ngoài nhếch nhác, chỏng lỏn ấy lại là người đàn bà biết điều, một người phụ nữ hiền hậu, một người vợ đúng mực.
Khi theo anh Tràng về nhà, trước sự bàn tán của người dân xóm ngụ cư chị ta dù không thoải mái nhưng cũng chỉ dám lầm bầm trong miệng. Trước ngôi nhà lụp xụp của mẹ con anh Tràng, dù thất vọng nhưng chị ta cũng không bỏ đi hay mắng chửi anh Tràng như trước đó mà chỉ cố nén thất vọng trong tiếng thở dài cố nén, trong ánh mắt tối lại. Khi bà cụ Tứ về, người đàn bà ấy đã chủ động làm quen, buổi sáng đầu tiên về nhà chồng chị ta cũng chủ động dậy sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, chuẩn bị mâm cơm gia đình.
Như vậy, ấn tượng về người vợ nhặt hoàn toàn thay đổi khi chị ta theo anh Tràng về làm vợ, đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, bản chất đáng quý bên trong cái xù xì, xấu xí bên ngoài.
Người đàn bà hàng chài là nhân vật chính trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng là nạn nhân của đói nghèo, của những trận bạo lực gia đình. Nhân vật người đàn bà được Nguyễn Minh Châu tái hiện rõ nét theo lối tương phản giữa bề ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.
Bên trong vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục vô nghĩa lí khi chấp nhận chung sống với người chồng vũ phu, chấp nhận cuộc sống như địa ngục lại là một tấm lòng vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh của một người đàn bà hiểu biết. Người đàn bà hàng chài không chịu bỏ chồng vì muốn các con có một mái ấm với cả bố và mẹ, được ăn no, chị ta hiểu được cái khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh trên biển không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông, và trên hết là người đàn bà ấy hiểu bản chất của người chồng không xấu, hắn ta bạo tàn, vô tình như thực tại cũng vì quá nghèo khổ.
Thông qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện, ta mới vỡ nhẽ ra rằng người đàn bà ấy không cam chịu một cách vô nghĩa lí, không nhẫn nhục một cách mù quáng, chị ta chấp nhận hi sinh bản thân để bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ những điều tốt đẹp mà chị ta trân trọng. Như vậy phía sau vẻ thô kệch, quê mùa lại là người phụ nữ thấy hiểu lẽ đời, một người giàu tình thương.
Như vậy, cả người vợ nhặt và người đàn bà đều là đối tượng mà Kim lân và Nguyễn Minh Châu đồng cảm và trân trọng, bên trong vẻ ngoài xấu xí, thô kệch lại là những vẻ đẹp khuất lấp đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu người vợ nhặt hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp của nàng dâu mới thì người đàn bà hàng chài lại hiện lên với những phẩm chất của người mẹ nặng gánh mưu sinh. Nét khác biệt của mỗi nhân vật làm nên cái đặc sắc của mỗi tác phẩm.
Theo Tapchivanhoc.com