Phân tích và làm sáng tỏ nhận định bài thơ Nam quốc sơn hà có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam
Hướng dẫn
Đề bài: Tại sao lại nói Nam quốc sơn hà có giá trị như bản tuyên ngôn lần đầu tiên của dân tộc Việt Nam Em hãy phân tích và làm sáng tỏ cho nhận định này.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Khẳng định giá trị câu nói: “Nam quốc sơn hà có giá trị như bản tuyên ngôn lần đầu tiên của dân tộc Việt Nam”
– Có thể coi bài thơ “Nam quốc sơn hà” có giá trị như bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam
2. Thân bài
- Sự ra đời của bài thơ “Nam quốc sơn hà”: Bọn phong kiến phương Bắc với tư tưởng muốn thống trị thiên hạ, bá quyền nước lớn nên vẫn nhăm nhe và ngông cuồng xâm lược Đại Việt ta
- Sự khẳng định ranh giới lãnh thổ và độc lập chủ quyền: khẳng định nước Nam là của người Nam, sự ý thức sâu xa về chủ quyền dân tộc thiêng liêng và bất khả xâm phạm
- Lời cảnh cáo kẻ thù: xâm phạm vào một tấc đất của nước Nam sẽ chuốc lấy kết cục bi thảm, nhơ nhuốc đến ngàn đời
- Lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc: Hoàng đế nước Nam không “phạm đạo trời” nên việc đấu tranh của dân tộc Đại Việt là chính nghĩa, lẽ phải
3. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa của câu nói: Lời tuyên ngôn có âm hưởng vang mãi ngàn đời, dội vào tâm hồn nhiều thế hệ, tạo nên khí thể của cả một dân tộc, sẽ đè bẹp bất cứ kẻ thù nào.
Bài viết liên quan đến bài thơ Nam quốc sơn hà:
>>Phân tích bài thơ Nam quốc sơn hà để thấy được tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân ta
>>Cảm nhận của em về bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt
>>Phân tích ý nghĩa của bài thơ Nam quốc sơn hà của tác giả Lí Thường Kiệt
II. Bài tham khảo
Có thể coi bài thơ “Nam quốc sơn hà” có giá trị như bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam bởi chính bài thơ là sự kết tinh từ tất cả tư tưởng và tinh thần, khát vọng và ý chí độc lập của dân tộc Đại Việt trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Vào thế kỉ X, nước Đại Việt độc lập đã được xây dựng, các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý kế tiếp nhau trị vì đất nước hàng trăm năm. Bọn phong kiến phương Bắc với tư tưởng muốn thống trị thiên hạ, bá quyền nước lớn nên vẫn nhăm nhe và ngông cuồng xâm lược Đại Việt ta. Những mong có thể biến nước ta thành quận huyện của chúng. Chính vì vậy đây là thời điểm mà dân tộc ta phải lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình, từ đây bản tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt đã được ra đời:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thỉ bại hư.”
Trong câu thơ đầu tiên “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đã bộc lộ mạnh mẽ ý thức tự tôn dân tộc, khẳng định nước Nam là của người Nam, sự ý thức sâu xa về chủ quyền dân tộc thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Câu thơ cũng thể hiện tư thế của mộ dân tộc kiêu hãnh, giáng một quả đấm thép vào thái độ ngông cuồng của bọn phong kiến phương Bắc.
Sông núi nước Nam là của người Nam, điều đó là sự thật hiển nhiên, bởi chính bàn tay của dân tộc ta đã gây dựng và tồn tại mấy ngàn năm nay, đó là sự tất yếu của quyền độc lập và tự chủ, khát vọng chính đáng của một dân tộc, ngay cả “Trời” cùng đã thừa nhận và ghi trong sách trời: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Hai câu thơ cuối đã khẳng định khát vọng và ý chí độc lập tự chủ, dân tộc ta quyết đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, dù cho kẻ thù có là ai thì cũng sẽ phải nhận thất bại thảm hại.
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm”, nước Nam có Hoàng đế nước Nam, Hoàng đế nước Nam không “phạm đạo trời” nên việc đấu tranh của dân tộc Đại Việt là chính nghĩa, lẽ phải. Lời tuyên bố đanh thép, nếu kẻ thù dám coi thường phán xét của “Trời”, coi thường một dân tộc, xâm phạm vào một tấc đất của nước Nam sẽ chuốc lấy kết cục bi thảm, nhơ nhuốc đến ngàn đời “Nhữ đẳng hành khan thủ bại thư”. Đó như là một lời cảnh cáo với những kẻ không thừa nhận và tôn trọng sự tồn tại độc lập thiêng liêng ấy.
Với ngôn từ đĩnh đạc, trang nghiêm, mang tính chất của một bài chính luận, có thể nói, bài “Nam quốc sơn hà” xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Đại Việt. Từng câu chữ trong bài thơ được kết tinh từ lòng yêu nước và căm thù giặc đã chất chứa hàng ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Bản tuyên ngôn không chỉ tuyên bố chủ quyền đất nước mà còn tuyên bố lòng quyết tâm giữ vững chủ quyền đó của dân tộc Đại Việt. Lời tuyên ngôn có âm hưởng vang mãi ngàn đời, dội vào tâm hồn nhiều thế hệ, tạo nên khí thể của cả một dân tộc, sẽ đè bẹp bất cứ kẻ thù nào.
Theo Tapchivanhoc.com