Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị
Bài làm
Khi đọc tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, người đọc rất cảm thông với số phận của cô Mỵ và hoàn toàn có thể hiểu được lý do khiến Mỵ buông xuôi, cam chịu, chấp nhận số phận bất hạnh của mình. Thế nên việc sức sống vẫn tồn tại và bùng cháy trong Mỵ đã khiến người đọc không khỏi nể phục và ngưỡng mộ.
Mỵ là người con gái có khát vọng sống, khát vọng tự do, có lòng tự trọng. Chính vì khát vọng sống tự do và lòng tự trọng đó mà Mỵ mới có hành động xin cha không gả mình đi rồi hành động hái lá ngón định tự vẫn. Tiếc thay cô Mỵ tự trọng và cương quyết bao nhiêu thì cũng hiếu thảo và giàu tình yêu thương bấy nhiêu. Vì thương cha nên Mỵ mới từ bỏ việc chết, vì thương cha nên Mỵ mới chấp nhận cuộc sống nô lệ nhà Pá Tra. Cũng đã có một lần khát vọng sống bùng cháy mãnh liệt trong Mỵ, ấy là trong đêm mùa xuân khi Mỵ lắng nghe tiếng sáo mời gọi bạn đi chơi, khi Mỵ uống rất nhiều rượu, khi Mỵ hồi tưởng lại thanh xuân tươi đẹp và tự do của mình. Đó là lần đầu tiên khát vọng sống trỗi dậy mạnh mẽ trong Mỵ sau chuỗi ngày Mỵ sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Thế nhưng cuối cùng, khát vọng ấy vẫn bị A Sử về và dập tắt, đồng thời, A Sử cũng tra tấn Mỵ và nếu không có người chị dâu vào cởi dây trói thì có lẽ Mỵ sẽ cứ thế mà chết.
Khát vọng sống của Mỵ bị dập tắt, những tưởng Mỵ sẽ hoàn toàn trở lên câm lặng, sẽ mãi mãi lầm lũi và cứ thế mà chết đi, mà trở thành một con ma trong nhà thống lí. Cho đến những đêm mùa đông rét mướt ấy. Mỗi ngày khi Mỵ dậy sớm ra ngồi sưởi lửa, Mỵ đều hé mắt trông sang và thấy A Phủ bị trói đứng ở đó. Tâm của Mỵ đã chết, đến sinh mạng của mình còn chẳng quan tâm nữa thì sao Mỵ lại để ý được đến chuyện của người khác chứ. Linh hồn của Mỵ sớm đã lụi tàn, chết lặng trong gia đình nhà thống lí rồi. Thế nhưng khi nhìn thấy giọt nước mắt lấp lánh trên khóe mắt của A Phủ, Mỵ lại thầm nghĩ rằng người kia vì sao mà phải chết, rồi Mỵ nghĩ mình đã là con dâu được người ta cúng trình ma thì mình phải chết ở đây nhưng A Phủ thì vô tội. Mỵ nhớ lại những lúc chính bản thân mình bị trói đứng đó, nước mắt chảy xuống không biết mà lau đi được. Bản thân họ: Mỵ cũng như A Phủ đều là những người vô tội, họ không làm gì sai trái, cả thanh xuân của họ đã lao động miệt mài, làm việc cật lực cho nhà thống lí. Vậy nhưng Mỵ vẫn không được sống là mình, vẫn bị bạo hành cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng Mỵ thấy oan khuất cho A Phủ. Hơn ai hết, Mỵ là người thấu hiểu hoàn cảnh của A Phủ, hiểu được nỗi oan khiên và khổ đau của anh. Mỵ thấy mình trong anh, và mong muốn giải thoát anh nảy sinh và trỗi dậy. Với Mỵ, có lẽ hành động giải cứu này cũng giống như việc Mỵ gửi gắm cả sự tự do và khát vọng sống của mình vào A Phủ, để con người ấy mang đi cả khát vọng sống, khát vọng tự do của Mỵ.
Hành động của Mỵ lúc này là hành động bộc phát nhưng cũng chính là hành động xuất phát từ sâu trong tâm tưởng của Mỵ, tưởng như Mỵ đã quyết định nó từ rất lâu. Với Mỵ, việc cắt dây trói cứu A Phủ của cô được quyết định trong chốc lát nhưng đó cũng chính là hành động cùng suy nghĩ trong sâu thẳm tâm hồn Mỵ vẫn hướng tới. Mỵ nhìn thấy số phận của Mỵ qua A Phủ, Mỵ giải thoát cho A Phủ cũng là gửi gắm ước mơ và hy vọng của mình trong cuộc chạy trốn của anh. Thế rồi sau khi thấy A Phủ quật cường vùng dậy chạy, Mỵ lại tiếp tục đuổi theo, lúc này bỗng dưng Mỵ hiểu ra rằng, nếu ở lại đây thì sẽ chết, nếu chạy mà bị bắt thì cũng chết nhưng ít ra điều đó còn cho Mỵ một cơ hội để sống, vì vậy Mỵ chạy theo A Phủ. Câu nói của Mỵ: “A Phủ, cho tôi đi, ở đây thì chết” đã cho thấy tình yêu với cuộc sống, khao khát sống mãnh liệt của Mỵ. Suy cho cùng, khát vọng sống và khát vọng tự do trong Mỵ vẫn cháy mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết, điều đó khiến cho Mỵ không chỉ cứu được một mà còn tới hai sinh mạng con người, cho bản thân cô cùng A Phủ một cơ hội để đến với cuộc sống mới.
Trong lần hành động này, Mỵ cuối cùng cũng đã thành công. Sự thành công ấy là nhờ trong tâm hồn Mỵ, sức sống vẫn còn cháy, nó chỉ cần một tác nhân, một chất xúc tác để bùng phát. Mỵ hành động vừa có lí và có tình, tưởng chừng là bộc phát, nông nổi nhưng lại là những hành động sâu sắc và đầy đúc kết. Cũng nhờ có điều này mà giá trị nhân đạo của tác phẩm càng được đẩy lên một tầm cao mới nhân văn hơn.