Đề bài: Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.
Bài làm:
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…” Việt Nam duyên dáng, bất khuất không những hóa thân trong tiếng đàn, lắng sâu tiếng nhạc mà còn thoảng trong “hồn” những dòng sông, những ngã đường, những lời nói âm vang từ ngàn xưa, những tiếng thì thầm hạnh phúc và đau thương…: tỏa sáng trong những sớm mùa thu. Đất nước ấy bỗng như một thôi thúc xúc cảm, òa vỡ dào dạt, quy tụ vào hồn thơ Nguyễn Đình Thi làm bật lên những thanh âm trong trẻo và thiết tha – bài thơ “Đất nước” (Sáng tác từ 1948 – 1955).
Có người nói: “Mùa thu là mùa thu của thi nhân”. Cũng vậy, Nguyễn Đình Thi đã chọn hai mùa thu để làm nên cho toàn bộ bài thơ của mình: mùa thu lãng mạn trước cách mạng và mùa thu kháng chiến. Đây là những vần thơ dạo nhịp khúc nhạc mở đầu:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoánh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Những câu thơ thật giàu sức gợi. Sáng thu Hà Nội dịu dàng sao! Có mùi thơm cốm mới. Có cái chớm lạnh của heo may… Tất cả đều nhẹ nhàng, khe khẽ, rón rén như mùa thu mới về còn e ấp. Sự kết hợp từ đặc biết trong câu “Gió thổi mùa thu hương cốm mới” khiến ta như cảm nhận được cái mền mại. Phơ phất của gió thu… Ta có cảm giác như tất cả các từ trong câu thơ cũng làm câu thơ cuộn lại, như để ủ kín hương cốm mới, ủ kín cái lạnh thu. Cái “chớm lạnh” tinh tế kia như bỗng lọt thỏm vào “giữa lòng Hà Nội”.
Tự nhiên đến câu “Những phố dài xao xác hơi may” câu thơ lại như tãi ra. Cái tãi ra hút vào những phố xưa hẹp và dài hun hút. Cái tãi ra như lùa vào trong gió, lùa lá thu bay tan tác, xao xác vàng cả trời thu, đất thu… Thật đẹp! mà cunngx thật buồn. Dẫu sao, vẻ đẹp trong nỗi buồn vẫn cứ thật nên thơ. Khổ thơ có cách gieo vần gợi cảm giác và gợi liên tưởng lạ lùng. Hai thanh trắc trong câu 4 và 6 (Hà Nội, ngoảnh lại) cách đều đôi thanh bằng nhau trong câu 5 và 7 (hơi may, rơi đầy) đẩy nhịp thơ trầm bổng như cung đàn bầu, gói mùa thu lại, kín đáo như “Phố phường Hà Nội” bằng một dây thanh. Nhịp điệu thơ đã thế, cũng là lạ. Lạ hơn, cái “hơi may” một chút chuyển động vô hình của thu – hình như làm cho cả phố dài cũng trở nên “xao xác”, cái xao xác như làm rộng không gian thu để thu Hà Nội đủ rộng lòng ôm lấy những đứa con sắp đi xa… Cho nên, “người ra đi đầu không ngoảnh lại” chỉ là cái dáng vẻ bề ngoài. Thực ra, người đi đã gởi hồn lại nơi đất quê. Người ra đi ấy đâu phải bây giờ mới xuất hiện! Thật sự người ấy đã ẩn rất lâu trong lòng thu Hà Nội. Người ấy bây giờ mới ra đi hay thực sự người ấy đã ra đi trong nhịp thơ ba?bốn đều đặn suốt từ đầu khổ thơ “Sang chớm lạnh/trong lòng Hà Nội...”, qua “những phố dài”? “Đầu không ngoảnh lại” nhưng nhịp chân hòa nhịp thơ ¾ bâng khuân, xao xuyến: bước đi mà lòng chẳng nỡ theo bước chân? Người ra đi mang theo một mùa thu tâm tưởng, thu “thêm nắng lá rơi đầy”. Giống như “hồn thu” trong thơ Nguyễn Khuyến, mùa thu trước cách mạng ở Hà Nội dưới con mắt thi nhân cũng khẽ động cựa tinh tế, dịu dàng, thoáng trở mình bằng “hơi may”, bằng mùi hương… Đủ gợi buồn và gợi nhớ, gợi chia tay… Nếu cá thể đảo lộn trật tự vị trí của bài thơ về ý nghĩa, có lẽ sẽ có nhiều người đặt hẳn từ “Ôi những cánh đồng quê chảy máu” đến hết bài ở trước đoạn: “Mùa thu nay khác rồi… Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Cách sắp xếp ấy cũng có lí riêng của nó. Ta thử lấy mốc thời gian hiện tại mà nhà thơ sáng tác là mùa thu ở chiến khu Việt Bắc, sẽ dễ dàng thấy được hai chiều quá khứ chạy dọc trước và sau những khổ thơ ấy. Đoạn trước là quá khứ đẹp mà buồn. Đoạn sau là những tháng năm đau thương, những tháng năm chiến đấu…
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều…
Lối nhân hóa đầy hình tượng đã lột tả được nỗi đau của cánh đồng quê, đau nỗi đau cùng với con người Việt Nam. Từ cảm thán “Ôi” bật ra xót xa không kiềm chế được, thương cho cánh đồng quê chiều Việt Nam đau thương. Để ý một chút, ta sẽ nhận ra thế đứng quan sát rất chính xác của Nguyễn Đình Thi. Nhà thơ đứng dưới nhìn lên đồn giặc, những hàng rào kẽm gai lúc ấy sắc nét hơn bao giờ hết, như cứa vào mắt, như hắt lên trời chiều tất cả vẻ kỳ quái và độc ác của kẻ thù. Những cánh đồng quê “trời chiều” luôn là biểu tượng ấm no và thanh bình. Chiến tranh đã làm đỗ nát, tàn phá hạnh phúc của dân tộc. May thay, dõi theo số câu hình dung về nỗi mất mát và đau khổ của dân tộc ta nhận thấy số lượng ấy không nhiều, không liên tục như những cơn ác mộng đủ phá nát giấc ngủ bình yên của quê hương… Những câu thơ ấy vừa dứt, lập tức những câu thơ trong sáng như khúc khải hoàn ca đã cất lên. Chỉ nhìn vào số lượng và cách sắp xếp các câu thơ, ta đã thấy ngay được cảm hứng chủ đạo trong bài là cảm hứng tự hào về thế phản công và chiến thắng của dân tộc ta trong kháng chiến. Phải chăng đó là nghệ thuật lấy màu sáng bao màu tối để thể hiện cảm xúc chủ đạo của nhà thơ?
Từ thửa Hùng Vương dựng nước, dân tộc ta hầu như chẳng mấy lúc được bình yên. Hơn một ngàn năm giặc phương Bắc kéo xuống, hung hãn tàn bạo… Hơn một ngàn năm, đến cả những em bé cũng “nằm mơ ngựa sắt”, hóa thân thành những anh hùng. Đó là những con người:
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Bài thơ kết thúc bằng bốn câu ca ngợi đất nước:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rủ bùn đứng dậy sáng lòa.
Các âm thanh, nhạc điệu nhịp nhàng suốt từ đầu bài thơ đến giờ đã biến mất. Các chữ cô lại, gọn chắc, cân đối, trang trọng, khỏe mà đĩnh đạc trong những câu sáu chữ (thế của từ cặp kiềng ba chân). Đây chính là một sự đột phá nghệ thuật; vần điệu bị tước bỏ, các chữ gói gọn, không thừa, không thiếu, hình ảnh rất mạnh (rung trời giận dữ, vỡ òa), mọi ánh sáng tập trung để làm sáng lòa hình ảnh cuộc đấu tranh hùng tráng của dân tộc Việt Nam. Như bông senn vươn dậy từ bùn đất, từ tăm tối, đói nghèo, mất mát, dân tộc Việt Nam đứng lên chiến đấu và chiến thắng.
Trở về với thực tại, trở về với chiến khiu Việt Bắc mùa thu, không gian thơ thay đổi hoàn toàn:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Mùa thu Việt Nam đã trở mình đổi thay như chính nhà thơ khẳng định: “Mùa thu khác rồi”. Mùa thu hiện tại là mùa thu “Vui”, mùa thu của tự do. Mùa thu đó là mùa thu đất trời, của lòng người – những con người hiểu rõ giá trị của tự do. Ngọn gió thu “chớm lạnh” của quá khứ chuyển mình thành cơn “gió thổi rừng tre phấp phới”. Có lẽ đây là cơn gió thu phóng khoáng và mạnh mẽ tưởng như chưa thấy có trong thơ ca Việt Nam trước đây. Lần tìm trong dĩ vãng, ta chợt gặp gió thu “Hiu hắt” trong “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu” (Nguyễn Khuyến), hay “gió thu hiu hắt” làm lá thu vàng rơi rụng (Tản Đà); hoặc cùng lắm là gió thu xào xạc trong “Tiếng thu”, tiếng lòng của nhà thơ họ Lưu; hay “những luồng run rẩy rung rinh lá” trong thu Xuân Diệu… Làn gió mới mùa thu khoáng đạt lồng lộng đem đến không chỉ là sự sảng khoái mà còn đem đến viết bao thanh âm lạ mà quen thuộc: Âm thanh của “rừng tre phấp phới”, âm thanh của “tiếng nói cười thiết tha”, của niềm vui… Cơn gió thu Hà Nội xưa là một tiếng thở dài của những con phố, cơn gió thu Việt Bắc nay là một nhịp hát mạnh khỏe, long lành. Đều là thu nhưng ở hai khoảng không gian, hai khoảng thời gian, thu khác nhau biết mấy! Mùa thu Hà Nội xưa không được tác giả dùng màu sắc miêu tả, nhưng trong những vần thơ ta vẫn thấy ảnh lên một sắc vàng dịu của lá và nắng phủ đầy thềm, đầy quyến luyến. Màu thu Việt Bắc nay tràn ra rừng tre, núi rừng, tỏa lên cả trời xanh… Nguyên nhân của sự khác biệt ấy là sự đổi đời. Khúc hát tự do với điệp khúc “của chúng ta” được láy đi láy lại, tỏa vào các hình ảnh khái quát mà thân thuộc mang những nét đặc trưng Việt Nam. Những vần bằng (ta, sa) xen kẽ với những cặp vần trắc (mát, ngát, khuất, đất…) tạo thành một khúc nhạc mới của cuộc đời mới ngân nga và vút cao. Nếu để ý, ta sẽ bắt gặp một nốt trầm, màu đỏ đậm của “Những dòng sông đó nặng phù sa” báo trước một đoạn thơ trầm lắng xuống rất sâu để sau đó là những tiếng “rì rầm” của cung đàn đất nước vọng về từ ngàn xưa. Trong cái âm thanh chắt lọc tinh tế của từ “rì rầm” hình như có cả tiếng động trầm trong mạch ngầm dân tộc vẫn không ngừng nghỉ từ cái thưở “Côn Sơn suối chảy rì rầm” trong thơ Ức Trai vốn đã rất xa xưa. Phải chăng dòng chảy ngầm bất tử ấy vẫn rì rầm từ quá khứ, chảy thành lời trong “tiếng đất” lặng thầm nhắc nhủ chúng ta về những niềm đau khổ, sướng vui của cha ông: nhắc nhở chúng ta những khát vọng tương lai?…
Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi được khái quát từ những hình ảnh thân thương, từ những cung bậc thiết tha của cung đàn tình cảm dân tộc. Hai chiều quá khứ đã được nhà thơ kéo về thành hai mảng bên hiện tại, khiến cái nhìn về quê hương đất nước hoàn thiện hơn, sâu sắc và tinh tế hơn.
Mỗi con người sinh ra và lớn lên trong cuộc đời đôi khi quên rằng mình đang được chở che trong vòng tay đất nước, cuộc sống của mình ngày nay là kết quả, là mồ hôi và máu xương của các thế hệ cha anh trong đau thương và mất mát. Hãy nhìn lại mình, nhìn lại dân tộc và Tổ quốc và hãy tự hào mình là người Việt Nam.