Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Thúy Kiều gặp Từ Hải – Văn mẫu lớp 9 chọn lọc
Hướng dẫn
Đề bài: Từ Hải là người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất với chí lớn ở khắp bốn phương. Em hãy phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Thúy Kiều gặp Từ Hải.
I. Dàn ý bài viết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, đoạn trích và nhân vật Từ Hải: Đoạn trích “Thúy Kiều gặp Từ Hải” được trích ra từ Truyện Kiều của Nguyễn Du đã ghi lại cuộc gặp gỡ và nên tình duyên của Kiều và Từ Hải
2. Thân bài
- Từ Hải là một người anh hùng phi thường: là một người anh hùng lý tưởng, mang khát vọng tự do
- Từ Hải là một tài tử đa tình: Chàng đã khẳng định Kiều là tri kỉ
- Từ Hải là một đại hào hiệp: Từ Hải đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh rất đàng hoàng
3. Kết bài
Nêu ý nghĩa đoạn trích Thúy Kiều gặp Từ Hải: Ông trân trọng mối tình của Từ Hải và Thúy Kiều.
Bài liên quan tác phẩm Truyện Kiều:
>>Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
>>Phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân của tác giả Nguyễn Du – Văn mẫu lớp 9 chọn lọc
>>Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du
>>Giới thiệu về đoạn trích Cảnh ngày xuân của tác giả Nguyễn Du
II. Bài tham khảo
Đoạn trích “Thúy Kiều gặp Từ Hải” được trích ra từ Truyện Kiều của Nguyễn Du đã ghi lại cuộc gặp gỡ và nên tình duyên của Kiều và Từ Hải, cuộc gặp gỡ ấy đầy màu sắc lãng mạn, ca ngợi Từ Hải là một người anh hùng phi thường, một tài tử đa tình và một đại hào hiệp.
Từ Hải xuất hiện một cách đầy bất ngờ, từ một tung tích bí mật “khách biên đình” từ nơi biên ải xa xôi. Từ Hải gặp Kiều giữa mùa trăng đẹp “gió mát trăng thanh”, Kiều nhận ra đây không phải là một khách làng chơi tầm thường. Tướng mạo của Từ Hải rất phi thường, với năm nét vẽ ẩn dụ cùng các số đo vô cùng hoành tráng, ấn tượng:
“Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”
Bên cạnh đó chàng còn có võ nghệ xuất chúng, có tài thao lược, khẳng định đó là một người anh hùng đích thực:
“Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”
Sau khi đã giới thiệu qua về Từ Hải, từ câu thơ thứ 7 trở đi tác giả mới nói đến họ tên, lai lịch của Từ Hải:
“Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông…
Có thể thấy Từ Hải là một người anh hùng lý tưởng, mang khát vọng tự do, bên cạnh đó chàng còn là một tài tử đa tình. Chỉ mới nghe đến nàng Kiều mà đã “Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng” ở phút đầu gặp gỡ, Kiều gặp Từ Hải “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”, những vần thơ vừa thú vị vừa diễn tả được men say tình ái và chất đa tình của Kiều với Từ Hải. Từ Hải đến nơi lầu xanh gặp Kiều không phải vì “trăng gió” mà là để tìm kiếm người tri kỉ. Vì vậy mà khi nghe Kiều nói lên hi vọng “Tấm Dương thấy được mây rồng có phen”, được Kiều gửi gắm sự trông cậy và chở che “Rộng thương cỏ nội, hoa chèn – Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”, Từ Hải thấy vậy đã “gật đầu” sung sướng. Chàng đã khẳng định Kiều là tri kỉ, sẽ gắn bó với nhau dù giàu sang hay phú quý cũng không quên nhau. Khi ấy Từ Hải đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh rất đàng hoàng “Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”, và rồi cưới Kiều làm vợ. Kiều từ đây như được cởi lốt thanh lâu, trở thành một gái thuyền quyên, cuộc tình giữa nàng và Từ Hải là một cuộc tình lãng mạn, đẹp đôi:
“Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”
Chi tiết Từ Hải lấy Kiều làm vợ bên cạnh tính cách anh hùng còn có thêm tính chất đa tình. Đối với Kiều, cuộc tình duyên này đã trở thành một bước ngoặt cuộc đời, là sự đổi đời của nàng. Hạnh phúc được gắn liền với tự do, nàng đã vĩnh viễn được thoát khỏi thân phận gái lầu xanh đầy tủi nhục, trở thanh một mệnh phụ phu nhân, nhờ vào Từ Hải mà Kiều có dịp được báo ân báo oán.
Có thể thấy, qua đoạn trích này, từ giọng điệu đến ngôn từ Nguyễn Du đều rất cẩn thận, trang trọng và cổ kính. Ông trân trọng mối tình của Từ Hải và Thúy Kiều “trai anh hùng – gái thuyền quyên”, dành những lời tốt đẹp nhất nói về Từ Hải. Đoạn thơ đã thấm nhuần tinh thần nhân đạo, cả về tình người trong xã hội.
Theo Tapchivanhoc.com