Đó là truyền thống của ông cha ta, được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, chúng ta – những mầm non tương lai của đất nước – phải gắng sức phát huy truyền thống đó.
Lòng nhân ái là một trong những truyền thống quý báu của nhân dân Việt Nam. Đó là đức tính tốt đẹp mà mỗi con người cần phải có, bởi lẽ nó đã trở thành thước đo phẩm giá con người. Chẳng thế mà đi tới đâu, người ta cũng đều xét lấy tiêu chí này để làm cơ sở đánh giá. Bài viết dưới đây đề xuất một cách nhìn, một cách cảm nhận chung về lòng nhân ái, biểu hiện và những điều nó mang lại cho chúng ta. Để làm được bài này, ta cần phải đặt ra những câu hỏi: Là gì? Vì sao? Như thế nào? Và tự mình trả lời những câu hỏi đó.
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ LÒNG NHÂN ÁI
Ông bà ta xưa nay có câu: “Thương người như thể thương thân” hay “Lá lành đùm lá rách”, đó phải chăng là lời nhắc nhở của tổ tiên dành cho con cháu rằng hãy luôn luôn yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh? Lòng nhân ái, yêu thương con người đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc và vì vậy, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhân cách con người.
“Nhân” là người, “ái” là yêu thương. “Nhân ái” có thể hiểu là lòng yêu thương con người, chính là cách chúng ta trao đi yêu thương với những người xung quanh, chi sẻ với học từng niềm đau nỗi buồn cũng như vui với niềm vui và hạnh phúc của họ. Nhân ái chẳng phải là một tình cảm quá xa xôi: Chỉ là một niềm thương cảm với nhưng phận đời nghèo khổ, một cánh tay nâng đỡ lúc người gặp khó khăn. Đôi lúc nó chỉ là một bữa ăn dành cho những đứa trẻ vô gia cư, là một quyển sách cũ dành cho trẻ em nghèo. Chỉ là một ánh lửa tình thương nhỏ nhoi ấy thôi nghĩa là ta đang dung lòng nhân ái truyền đi ngọc lửa của sức sống, của tình yêu.
Nhân ái là truyền thống quý báu của dân tộc. Ngay từ khi còn thơ bé, ta đã được đắm chìm trong thế giới của những câu chuyện cổ tích màu nhiệm và tinh thần nhân văn trong câu chuyện ấy đã cho ta những cảm nhận đầu tiên về lòng nhân ái. Đó là lòng vị tha của người em trong “Cây khế”, là tấm lòng cao cả của nàng “Tấm” trong câu chuyện “Tấm Cám” thuở nào. Có thể nói rằng từ thời xa xưa, con người ta đã coi lòng nhân ái như một thước đo giá trị con người và cho đến hôm nay, những câu chuyện cổ tích ấy vẫn là một lời nhắc nhở với con cháu rằng hãy luôn giữ vững phẩm chất cao quý ấy.
Lòng nhân ái chính là một cánh tay nâng đỡ những người có số phận bất hạnh. Chính sự giúp đỡ kịp thời có thể sẽ thay đổi số phận một con người mãi mãi. Khi một người vấp ngã hay thất bại, trong thâm tâm ai cũng cảm thấy tương lai thật tối tăm, mù mịt và họ dễ có cảm giác tuyệt vọng. Nhưng chỉ cần một hành động chia sẻ, một cánh tay giúp đỡ có thể giúp họ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này và tự tin tiến lên phía trước. Khi nước Pháp chìm trong nỗi đau khủng bố do những kẻ thuộc tổ chức Hồi giáo tự xưng IS gây ra ngày 13/11/2015, cả thế giới đã chia sẻ nỗi đau cùng họ và bởi thế, người dân Pháp vơi bớt nỗi buồn, gạt đi nước mắt để có thể đấu tranh chống lại những kẻ khủng bố như vậy.
Một người có lòng nhân ái, bản thân họ sẽ trở thành một Con Người với đầy đủ ý nghĩa của danh từ ấy. Có lòng nhân ái tức là trái tim họ vẫn chan chứa yêu thương, tâm hồn họ vẫn còn trong trẻo và chính họ cũng cảm thấy thanh thản trong cuộc sống của mình. Người không có lòng nhân ái không khác gì một kẻ đã đánh mất linh hồn. Sống không chỉ là để sống mà còn là để yêu thương. Bởi vậy, có lòng nhân ái tức là ta đang tự bồi đắp tâm hồn của chính mình, trao đi yêu thương và đồng thời cũng nhận lại lòng yêu thương nơi người khác. Cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao nếu ai trong mỗi chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của tấm lòng nhân ái.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy thương cảm với những người bất hạnh. Có những người thấy họ như vậy nhưng lại tỏ ra thờ ơ, không quan tâm, thậm chí trở nên vô cảm. Có những người tưởng rằng mình có lòng nhân ái nhưng lại bị kẻ xấu lợi dụng vào những việc làm phi nhân nghĩa, lừa đảo để rồi chính lòng nhân ái ấy lại bị sự nhẹ dạ cả tin đánh mất. Vì vậy, trao đi lòng nhân ái của mình nhưng cần phải đặt tình thương đúng chỗ là cách mà một người thông minh nên làm.
Mỗi người chúng ta, hãy tự bồi dưỡng cho mình một tấm lòng yêu thương và biết chia sẻ ngay từ những điều nhỏ nhất. Đừng làm ngơ trước những người xung quanh, hãy yêu thương họ, chia sẻ với họ bởi đâu ai biết mai kia họ còn ở bên ta mãi mãi? Hãy yêu thương khi còn có thể và đừng ngại ngần trao đi yêu thương.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ LÒNG NHÂN ÁI
Trong tiểu thuyết “Trở lại thiên đường”, nhà văn Việt Quang có viết: “Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng nước của thương yêu. Không có thương yêu, thế giới này lập tức biến thành địa ngục”. Quả đúng như vậy, cuộc sống của con người không thể thiếu đi lòng nhân ái.
Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là lòng nhân ái. Nhân là người, ái là yêu. Lòng nhân ái chính là tình yêu thương con người, là tình cảm tốt đẹp xuất phát từ trái tim. Có thể nói, lòng nhân ái chính là suối nguồn yêu thương, là cột trụ nâng đỡ thế giới này. Không có lòng nhân ái, sự sống của chúng ta sẽ trở nên ngột ngạt biết bao!
Lòng nhân ái là một tình cảm vô cùng cao quý, nhưng nó không phải là những vì sao xa xôi, những ánh sáng trừu tượng. Tình yêu thương con người thực chất vô cùng đơn giản, nó hiện diện trong từ những hành động rất đỗi giản dị thường ngày: một lời động viên an ủi, một cái nắm tay, một cái ôm ấm áp, một nụ cười dịu dàng, một lời chào nồng ấm,…
Lòng nhân ái nâng đỡ tâm hồn con người. Tình yêu thương khi được trao đi dù là nhỏ nhất cũng không bao giờ lãng phí. Yêu thương giúp cho người nhận được cảm thấy ấm áp, hạnh phúc, tiếp thêm cho con người động lực mỗi khi gặp khó khăn, thất bại. “Tôi luôn luôn bám lấy suy nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều gì đó bé nhỏ để giảm bớt một phần nỗi thống khổ của nhân loại” (Albert Schweitzer). Tình yêu thương cứu rỗi con người, nó có sức mạnh phi thường, đôi khi nó có thể làm thay đổi cái ác, cái xấu. Lòng nhân ái không chỉ giúp đỡ những người nhận được tình yêu thương, nó còn mang đến hạnh phúc cho người trao đi: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều” (Rainer Maria Rilke).
Lòng nhân ái hàn gắn thế giới này. Tình yêu thương giữa người với người khiến cho con người đến gần với nhau hơn. Không chỉ gắn kết những cá nhân trong một quốc gia, dân tộc, mà hơn thế nữa, lòng nhân ái kết nối dân tộc này với dân tộc kia. Lòng nhân ái giúp con người được sống trong tình yêu thương, sự san sẻ, đồng cảm, gắn bó chan hòa. Không ai có thể sống đơn độc cả đời, chúng ta dùng tình yêu thương, lòng nhân ái để hòa nhập với cộng đồng, để chung sống với nhau, “đan vào nhau”, “tôn cao nhau” (Hữu Thỉnh). Khi lòng nhân ái chiến thắng, thế giới sẽ không còn tiếng bom đạn, không còn những cung đột, chiến tranh, xã hội sẽ trở nên yên bình, tốt đẹp vô cùng:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”
(“Bài ca mùa xuân 1961”, Tố Hữu)
Thế giới mất đi tình yêu thương cũng giống như Trái Đất mất đi ánh mặt trời, cuộc sống sẽ trở nên lạnh lẽo, u ám biết bao nhiêu! Con người hơn loài vật ở chỗ ta có suy nghĩ, có cảm xúc. Không có tình yêu thương, con người có khác nào con robot vô tri vô giác?
Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân sẵn sàng giúp đỡ những cảnh đời kém may mắn hơn với phương châm “Lá lành đùm lá rách”. Lòng nhân ái có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi rất nhiều những chương trình truyền hình đã được thực hiện nhằm khơi dậy lòng nhân ái của con người như chuyên mục “Việc tử tế” của “Chuyển động 24h”, “Cặp lá yêu thương”, “Lục lạc vàng”, “Điều ước thứ bảy”,… Thông qua đó, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ, thay đổi cuộc đời, và tình yêu thương ngày càng được nhân rộng trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những người vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của con người, chỉ biết nhận mà không muốn cho, tham lam, ích kỉ,… Những con người ấy thật đáng lên án, phê phán.
Cuộc sống này ngắn lắm, hãy trao đi lòng nhân ái ở bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến. Đừng ngại yêu thương, bởi bạn sẽ không bao giờ biết được tình yêu của bạn có sức mạnh đến như thế nào đâu. Không cần phải là một bậc vĩ nhân giúp đỡ thế giới này, tình yêu của chúng ta có thế bắt đầu từ những nơi nhỏ bé: từ gia đình, từ làng xóm,… Bạn ơi, đừng quên rằng: “Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí” (Aesop).
Nguồn Internet