Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt
Bài làm
Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực Việt Nam, ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Vợ nhặt là truyện viết về hình ảnh người nông dân trong nạn đói năm 1945. Khi nhắc đến tác phẩm này người đọc không thể không nhắc đến anh cu Tràng, nhân vật vật chính của truyện được tác giả xây dựng rất thành công.
“Vợ nhặt”, cái tên của tác phẩm đã gợi cho người đọc sự tò mò, sự hứng thú. Cưới vợ mà lại gọi là nhặt vợ. Một con người được “nhặt” về rồi trở thành vợ gợi cho người ta liên tưởng đến việc nhặt một món đồ, như thể một thứ gì đó được lượm một cách vô tình và ngẫu nhiên từ ngoài đường. Chỉ riêng nhan đề tác phẩm mà tác giả cũng đã để lại sự ám ảnh đối với người đọc.
Nhân vật anh cu Tràng xuất hiện với hình “hắn bước đi ngật ngưỡng, vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai bên quai hàm bạnh ra…” Chỉ với vài chi tiết đó, người đọc cũng đã hình dung được diện mạo xấu xí của một anh nông dân nghèo rách mùng tơi.
Là một gã trai nghèo, xấu xí, lại là dân ngụ cư. Anh âm thầm sống cùng mẹ già trong nếp nhà xiêu vẹo bên mảnh vườn rúm ró những đám cỏ dại. Anh thật thân thiện dễ mến nên được lũ trẻ con coi như người bạn. Đó cũng là chàng trai lao động khỏe khoắn yêu đời giữa cuộc sống đói nghèo lam lũ. Giữa ngày đói câu hò của anh như xua tan mệt mỏi, mang cảm giác vui vui. Anh cũng thật hào phóng khi mời cô gái món quà quê. Anh cu Tràng chỉ với vài câu “tầm phơ tầm phào” mà có người phụ nữ theo về làm vợ.
Thị là người phụ nữ không quê quán, không họ hàng, xuất hiện giữa chợ tỉnh.Với vài câu nói đùa bâng quơ của anh Tràng:
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”
Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng
Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì Thị ở đâu sầm sập chạy đến. Anh Tràng mời Thị ăn, thế là Thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong Thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở: “Hà, ngon!”. Và chỉ với câu nói bâng quơ của Tràng “ này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa ai ngờ Thị về thật.
Khi nhìn thấy anh Tràng có vợ theo về mọi người trong xóm Ngụ cư lạ lắm, họ lo cho anh “ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”. Bà cụ Tứ mẹ anh là người hiểu anh nhất cũng tỏ ra rất bất ngờ khi thấy anh có vợ. Cái ngạc nhiên, nghi vấn của bà cụ cũng dễ hiểu bởi lẽ, nghèo như con trai bà thì ai thèm lấy. Vả lại trong cơn đói khát thế này, nuôi thân còn chả nổi, lấy gì nuôi vợ nuôi con. Tình huống khiến người đọc nhớ mãi, hình ảnh khiến người đọc khi nhắc đến tác phẩm này đều không quên là hình ảnh “nồi cháo cám” trong buổi bữa cơm đón dâu đầu tiên. Hình ảnh “nồi cháo cám” là hiện thân của cái đói nghèo đến cùng cực trong một gia đình “không còn gì giá trị nữa”.
Khi có vợ, lúc đầu Tràng thấy lo sợ, nhưng sau đó thì thấy phởn phơ, vui mừng, Tràng trở thành một con người hào phóng, quên đi hết những cay cực tăm tối trên đời, chấp nhận cuộc sống khốn khó cùng vợ vượt qua tất cả. Khi vợ chồng Tràng ăn bữa ăn đầu tiên sau đêm tân hôn đã khiến người đọc cảm động. Mặc dù “nồi cháo cám” không ngon, đắng chát và khó ăn nhưng hắn vẫn ăn rất ngon lành. Vì hắn biết, hắn hiểu gia cảnh, hiểu xã hội, hiểu thời thế đang trong cảnh cùng cực, bần hàn.
Trong nạn đói năm 1945, Tràng không phải là một cá biệt mà có rất nhiều người nghèo khổ như anh. Cuộc đời Tràng là một minh chứng tiêu biểu cho số phận người dân nghèo trước cách mạng tháng tám.
Với bút pháp tả thực cùng cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, tái hiện diễn biến tâm lí nhân vật một cách cụ thể. Kim Lân đã cho người đọc thấy được hình ảnh của người nông dân nghèo nhưng luôn giàu tình yêu thương. Qua đó đề thấy được khát khao được sống, được hạnh phúc của những người nông dân khi bị đẩy đến cùng cực.