Đề bài: Phân tích nhân vật cậu bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng
Bài làm
Nhân vật chú bé Hồng trong trích đoạn “Trong lòng mẹ” chính là cuộc đời và cảm xúc thật của nhà văn Nguyên Hồng thủa thiếu thời. Cuộc đời tác giả chịu nhiều thiệt thòi cay đắng, khi phải sống thiếu tình thương của cha mẹ. Tất cả những điều đó được tác giả viết lại trong tập hồi ký Thời thơ ấu vô cùng chân thực, xúc động.
Trích đoạn “Trong lòng mẹ” chỉ là một trích đoạn ngắn trong cả một cuốn hồi ký dài nhưng lại nói lên tính cách cũng như nội tâm của nhân vật bé Hồng một cách vô cùng sâu sắc.
Bé Hồng là một em bé ngoan có lòng hiếu thảo. Chú bé Hồng thương yêu mẹ mình vô bờ bến dù gần một năm trời em phải sống giữa sự ghẻ lạnh của nhà nội sau khi cha mất, mẹ em không chịu được sự dày vò chỉ trích từ nhà chồng nên bỏ về quê ngoại ở Thanh Hóa. Bỏ lại mình chú bé Hồng cho bà cô nuôi dưỡng.
Ngày ngày bà cô của bé Hồng thường xuyên dùng những lời lẽ vô cùng ác nghiệt, hà khắc để miệt thị mẹ của bé Hồng nhằm bôi nhọ danh dự và chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng trong lòng bé Hồng luôn thương mẹ của mình, không vì những lời nói của bà cô mà hận mẹ.
Ngược lại bé Hồng luôn là đứa trẻ rất hiểu chuyện em thông cảm cho hành động của mẹ khi để mình cho nhà nội nuôi dưỡng. Khi bà cô xúc phạm mẹ của bé, cổ họng bé Hồng nghẹn ứ. Bé muốn vồ lấy cái gì đó mà nhai mà cắn, nghiền nát nó cho bớt tức giận.
Chính tình yêu thương yêu mến kính trọng mẹ của mình đã giúp bé Hồng trước sau nhận rõ được những điều ác ý từ bà cô cay độc ấy. Em thấy mẹ mình cần được che chở, yêu thương phải được sống hiên ngang, đàng hoàng trong cuộc đời này.
Trong lòng chú bé Hồng lúc nào cũng vẹn nguyên hình ảnh một người mẹ đáng yêu, đáng kính trọng với gương mặt vẫn tươi sáng đôi mắt, và nước da sáng hồng như lúc gia đình em còn quây quần đoàn tụ bên nhau, còn sung túc.
Chính vì thương yêu mẹ mình rất nhiều nên trong lòng bé Hồng chưa bao giờ muốn xa mẹ, em thấy chỉ có mẹ là người gần gũi thương yêu em nhất. Chỉ có mẹ là thương em thật lòng, chính vì vậy bé hồng luôn cảm thấy buồn tủi cô đơn khi phải sống nhờ nhà bà cô của mình.
Trước thái độ miệt thị của bà cô mình, bé Hồng luôn im lặng mặt cúi xuống đất trong lòng thì đau đớn thắt lại, khóe mắt cay cay, có lúc thì nước mắt em chảy dài, có khi nức nở òa khóc, thể hiện sự phẫn uất trước những lời cay nghiệt mà bà cô em nó về mẹ. Nó là thái độ thể hiện tình cảm yêu thương mẹ của em.Tình cờ được gặp mẹ, bé Hồng vô cùng vui mừng, hớn hở, chứa đựng cả sự tủi hổ, khiến chú bé òa khóc, nức nở.
Trong giây phút gục đầu vào lòng mẹ ngửi thấy mùi cơ thể mẹ, bé Hồng cảm nhận được mùi hương từ cơ thể mẹ, cảm nhận thấy sự ấm áp trong cơ thể, trái tim của mẹ. Mọi thứ trở nên lâng lâng bay bổng, thể hiện tình cảm mẫu tử vô cùng thiêng liêng.
Trong suốt một thời gian dài, chú bé Hồng đã nén đau thương sống những ngày tủi hờn, nén khát khao ước muốn gặp mẹ để sống lầm lũi, dấu đi những cảm xúc thật của mình. Nên khi nhìn thấy mẹ, chạy theo chiếc xe kéo có người phụ nữ giống mẹ mình hai chân em ríu lại.
Nỗi khát khao mãnh liệt ấy khiến chú bé Hồng hình dung tới sự tuyệt vọng của một người đang đi giữa sa mạc khát cháy cổ họng và nhìn thấy ảo ảnh là nước.
Nhưng khi biết đó chính là mẹ mình, được gục đầu vào trong lòng mẹ mà khóc cho thỏa thích cảm giác ấm áp sung sướng đó thật tuyệt vời nó mơn man khắp da thịt của chú bé. Nó thể hiện khát khao ước mơ chính đáng xúc động của một đứa trẻ khi được ở trong lòng mẹ.
Mỗi chúng ta ai sinh ra cũng có một người mẹ của mình, được sống trong sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ chính là điều hạnh phúc vô bờ bến. Chính vì vậy, mà khi đọc trích đoạn “Trong lòng mẹ” cảm nhận được sự thiệt thòi mà tác giả Nguyên Hồng đã phải chịu khiến cho nhiều bạn đọc phải rưng rưng xúc động.
Qua tâm trạng của nhân vật bé Hồng, chúng ta hiểu hơn về những bạn nhỏ vì một lý do nào đó mà mất đi những người thương yêu ruột thịt nhất của mình. Họ thật là những người đáng thương biết bao.
Dù họ có thể được những người thân trong gia đình, họ hàng cưu mang nuôi dưỡng nhưng tất cả sẽ không thể nào sánh được tình cảm ruột thịt, máu mủ thân thiết giữa cha mẹ với con cái. Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng gắn bó không gì có thể thay thế được.
Hình ảnh và những suy nghĩ sâu kín trong nội tâm của nhân vật bé Hồng khiến cho người đọc vô cùng xúc động, khiến cho những người có mẹ cảm thấy trân trọng những tình cảm mà cha mẹ đang dành cho mình thật là quý báu, lớn lao.
Thảo Nguyên