Phân tích khát vọng tình yêu bồi hồi trong ngực trẻ thông qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Hướng dẫn
Đề bài: Sóng không chỉ là ẩn dụ cho những cung bậc cảm xúc phức tạp trong tâm hồn người con gái đang yêu mà còn là ẩn dụ cho những khát vọng mãnh liệt trong trái tim tuổi trẻ. Anh chị hãy phân tích khát vọng tình yêu bồi hồi trong ngực trẻ thông qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích khát vọng tình yêu qua Sóng
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của của người phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa hồn nhiên trong sáng mà không kém phần đằm thắm, sôi nổi. Xuân Quỳnh luôn khắc khoải với những khát vọng hạnh phúc đời thường, “Sóng” là bài thơ tình nổi tiếng thể hiện được những khát vọng chân thành đó của bà.
2. Thân bài
– Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh đã thể hiện một khát khao chân thành mà da diết cháy bỏng về một tình yêu lớn, tình yêu vĩnh hằng cùng với thời gian và không gian của vũ trụ.
– Bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, tác giả đã gợi ra được những đặc điểm, trạng thái đối lập của cảm xúc trong tâm hồn người con gái khi yêu.
– -> đó là những lúc dữ dội, ồn ào, cũng là những giây phút dịu êm, lặng lẽ.
– Tình yêu của ‘em” thật đẹp, thật đáng trân trọng với trái tim luôn hướng về anh
– Tình yêu càng lớn bao nhiêu thì nỗi băn khoăn, những âu lo trong trái tim người phụ nữ ấy càng lớn bấy nhiêu.
– Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh lớn lao đẹp đẽ nhưng cũng chứa đựng nhiều dự cảm bất an về những trắc trở của đời thường.
–> Xuân Quỳnh lựa chọn cách hiến dâng trọn vẹn cho tình yêu ấy để tình yêu nhỏ của mình có thể hòa vào tình yêu lớn của cuộc đời.
– khát vọng thành thực, cháy bỏng của trái tim người phụ nữ khi muốn dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu để tình yêu ấy sống mãi cùng thời gian.
–>Hình ảnh trăm con sóng nhỏ là kết tinh của những tình cảm chân thành, thủy chung và những tình cảm cao thượng nhân vặn nhất.
– “Biển lớn” là ẩn dụ đặc sắc về tình yêu lớn của cuộc đời, nhân loại, “ngàn năm còn vỗ” lại thể hiện sức sống bất tử, vĩnh hằng của tình yêu trong cuộc đời rộng lớn ấy.
– Tình yêu sẽ mãi da diết như thế, đằm thắm như thế ở ngàn năm sau, những tiếng sóng tình yêu vẫn vỗ cùng với ngàn đời nếu như biết từ bỏ những điều tầm thường, ích kỉ để hướng đến tình yêu lớn.
3. Kết bài
Khát vọng tình yêu cao đẹp của Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng không chỉ thể hiện khát khao thành thực của nữ sĩ trong tình yêu mà còn cho độc giả thấy cái cao đẹp của sự dâng hiến, hòa nhập giữa cái nhỏ bé, vị kỉ với cái lớn lao, vĩ đại vì “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn”.
Bài liên quan đến bài thơ Sóng:
>>Bình giảng khổ thơ cuối của bài thơ Sóng để thấy được tâm hồn nữ tính đầy trăn trở, khát khao yêu thương
>>Phân tích nét đẹp hiện đại và truyền thống được thể hiện qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
>>Phân tích hình tượng sóng trong bài Thơ Sóng của Xuân Quỳnh để thấy được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu
>>Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh
II. Bài tham khảo cho đề phân tích khát vọng tình yêu qua Sóng
Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu trong phong trào thơ trẻ chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của của người phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa hồn nhiên trong sáng mà không kém phần đằm thắm, sôi nổi. Xuân Quỳnh luôn khắc khoải với những khát vọng hạnh phúc đời thường, “Sóng” là bài thơ tình nổi tiếng thể hiện được những khát vọng chân thành đó của bà.
Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh đã thể hiện một khát khao chân thành mà da diết cháy bỏng về một tình yêu lớn, tình yêu vĩnh hằng cùng với thời gian và không gian của vũ trụ. Khát vọng thành thực này được thể hiện trực tiếp qua khổ thơ:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã gợi ra được những đặc điểm, trạng thái đối lập của cảm xúc trong tâm hồn người con gái khi yêu, đó là những lúc dữ dội, ồn ào, cũng là những giây phút dịu êm, lặng lẽ. Tình yêu của ‘em” thật đẹp, thật đáng trân trọng với trái tim luôn hướng về anh “Nơi nào em cũng nghĩ/ hướng về anh một phương”. Tuy nhiên tình yêu càng lớn bao nhiêu thì nỗi băn khoăn, những âu lo trong trái tim người phụ nữ ấy càng lớn bấy nhiêu.
Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh lớn lao đẹp đẽ nhưng cũng chứa đựng nhiều dự cảm bất an về những trắc trở của đời thường. Để vượt qua những trắc trở của cuộc đời, bảo vệ cho tình yêu Xuân Quỳnh không lựa chọn cách sống vội, sống tận hưởng, vồ vập như Xuân Diệu mà trái tim dịu dàng của người phụ nữ đã lựa chọn cách hiến dâng trọn vẹn cho tình yêu ấy để tình yêu nhỏ của mình có thể hòa vào tình yêu lớn của cuộc đời.
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ”
Câu thơ thể hiện khát vọng thành thực, cháy bỏng của trái tim người phụ nữ khi muốn dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu để tình yêu ấy sống mãi cùng thời gian. Hình ảnh trăm con sóng nhỏ là kết tinh của những tình cảm chân thành, thủy chung và những tình cảm cao thượng nhân vặn nhất. Tình yêu của con người dẫu đẹp đẽ đến đâu nhưng nếu chỉ giữ cho riêng mình thì tình yêu ấy cũng sẽ dần phai nhạt theo thời gian. Nhưng khi hòa tình yêu đó vào bể lớn tình yêu của nhân loại thì tình yêu sẽ trở nên bất tử, vĩnh hằng cùng với thời gian và không gian của vũ trụ. Đúng như nhà văn Victor Huygo từng nhận định: “Được yêu, một sự kiện quan trọng biết bao! Yêu, càng trọng đại hơn nữa! Vì yêu, trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ còn toàn những gì thuần khiết, chỉ dựa vào những gì cao thượng và lớn lao”.
“Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
“Biển lớn” là ẩn dụ đặc sắc về tình yêu lớn của cuộc đời, nhân loại, “ngàn năm còn vỗ” lại thể hiện sức sống bất tử, vĩnh hằng của tình yêu trong cuộc đời rộng lớn ấy. Tình yêu sẽ mãi da diết như thế, đằm thắm như thế ở ngàn năm sau, những tiếng sóng tình yêu vẫn vỗ cùng với ngàn đời nếu như biết từ bỏ những điều tầm thường, ích kỉ để hướng đến tình yêu lớn, tình yêu cao cả đúng như Christopher Hoare đã nói “Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn biết mạnh dạn cho đi – chứ ko phải nắm giữ thật chặt”.
Khát vọng tình yêu cao đẹp của Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng không chỉ thể hiện khát khao thành thực của nữ sĩ trong tình yêu mà còn cho độc giả thấy cái cao đẹp của sự dâng hiến, hòa nhập giữa cái nhỏ bé, vị kỉ với cái lớn lao, vĩ đại vì “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn”.
Theo Tapchivanhoc.com