Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để thấy được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu
Bài làm
“Sóng” là bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh được in trong tập Hoa dọc chiến hào. Bài thơ đã thể hiện đầy chân thực những cảm xúc vừa phức tạp, vừa mãnh liệt trong tâm hồn người con gái đang yêu. Tình yêu trong “Sóng” đã trở nên đồng điệu với con sóng ngoài đại dương với những rạo rực xôn xao, khát khao tình yêu đến khắc khoải.
Trong bài thơ “Sóng”, nhà thơ Xuân Quỳnh đã mượn hình ảnh sóng của thiên nhiên để ẩn dụ cho những tình cảm, tâm trạng đầy phức tạp của người con gái trong tình yêu. Nói cách khác, sóng cũng chính là hình tượng ẩn dụ của cái tôi trữ tình đằm thắm đầy nữ tĩnh của nhà thơ.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Thông qua những trạng thái tồn tại của sóng ngoài đại dương, Xuân Quỳnh đã gợi ra những cảm xúc đối lập trong cảm xúc của người cọn gái khi yêu, có khi sôi nổi nồng nhiệt nhưng cũng có những lúc trầm lắng, lặng lẽ. Bằng hình tượng sóng, tác giả đã có cách nói hình tượng đầy sinh động về tình cảm của người con gái khi đang chìm đắm trong tình yêu đẹp đẽ.
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Nếu con sóng ngoài tự nhiên vỗ đến bờ, thao thức với thời gian và đại dương theo quy luật của tự nhiên thì trong tâm hồn người con gái đang yêu sẽ luôn thường trực nỗi nhớ nhung khắc khoải như quy luật tất yếu của tình cảm, đối với người mình yêu “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ nhung của người con gái không chỉ thường trực khi thức mà ngay cả khi chìm vào thế giới của vô thức thì trái tim của người con gái vẫn da diết nỗi nhớ khắc khoải.
Cũng như những con sóng luôn hướng về phía bờ thì “em” khát khao được đến bên anh để viết lên những cung bậc tuyệt đẹp của tìn yêu. Con sóng vượt trăm vời cách trở để đến được bờ, em cũng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đến bên anh như một quy luật bất biến của cảm xúc:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dẫu muôn vời cách trở”
“Sóng” là nỗi lòng tha thiết, nồng nhiệt của người con gái khi yêu. Bài thơ còn thể hiện được khát vọng sống hết mình cho tình yêu, dẫu xuôi về phương Bắc hay ngược về phương Nam thì tấm lòng tha thiết cũng chỉ hướng về anh:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
Tình yêu là thứ tình cảm diệu kì, lớn lao đến mức sức mạnh của nó có thể vượt qua mọi giới hạn về không gian, thời gian và những chướng ngại thông thường để cùng hướng đến bến bờ của hạnh phúc. Trải qua bao cung bậc phức tạp của cảm xúc, cuối cùng nhà thơ đã mượn hình ảnh sóng để bày tỏ khát vọng thành thực nhất của bản thân về tình yêu:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Để được sống trọn vẹn cho tình yêu, Xuân Quỳnh đã bày tỏ khát vọng được tan ra thành trăm con sóng nhỏ, để được dâng hiến hết mình, sống hết mình cho tình yêu. Sự chân thành trong tình yêu của người con gái đã làm cho tình yêu trở nên bất tử, luôn đẹp đẽ theo thời gian.
“Sóng” đã nói lên những nỗi niềm thầm kín của người con gái khi yêu, nhà thơ đã xây dựng thành công hình tượng sóng, biểu tượng tình yêu đầy đẹp đẽ của tình yêu.