Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
* Giới thiệu đoạn trích: Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đoạn trích từ câu 16 đến câu 38.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài (Viết theo kiểu gián tiếp):
– Cảm hứng nhân văn ở Nguyễn Du là miêu tả vẻ đẹp của con người và dự cảm về số phận tài hoa bạc mệnh của họ.
– Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là một trong những đoạn thể hiện cảm hứng nhân văn ấy.
* Khái quát nội dung: Đoạn trích tập trung miêu tả vẻ đẹp hoàn mĩ của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
2. Thân bài:
* Vẻ đẹp chung của hai chị em: đẹp, hoàn mĩ, thanh cao tựa mai, trong trắng tựa tuyết. Vẻ đẹp của mỗi người lại có những nét đặc sắc riêng.
2.1. Bức chân dung của Thúy Vân
– Hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ:
+ Khuôn trăng: khuôn mặt tròn, sáng như ánh trăng
+ Nét ngài: đôi lông mày đậm, đẹp; đôi mắt đẹp
+ Hoa cười: nụ cười tươi như hoa
+ Ngọc thốt: lời nói trong như ngọc
+ “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”: mái tóc mượt mà hơn làn mây, làn da trắng hơn tuyết
* Nghệ thuật so sánh kết hợp ước lệ tượng trưng: Thúy Vân mang nét đẹp phúc hậu, đầy đặn và tính cách hiền lành, nhân ái.
2.2. Bức chân dung của Thúy Kiều
a/ Vẻ đẹp ngoại hình của Kiều
– “Làn thu thủy nét xuân sơn”: Đôi mắt và lông mày của Thúy Kiều rất đẹp, được so sánh với hai cảnh đẹp đặc sắc trong thiên nhiên
– Ở Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ tập trung miêu tả vẻ đẹp ở đôi mắt
b/ Vẻ đẹp trí tuệ và tài năng:
– Trí tuệ: “Thông minh vốn sẵn tính trời”, tính thông minh do trời phú
– Giỏi nhiều nghề thuật: “cầm”; “họa”, “thi”
– Kiều thạo nhất là âm luật, khúc Bạc mệnh do nàng đánh ra có thể khiến người nghe cảm được nỗi buồn, chau mày rơi lệ
* Chốt ý: Thúy Kiều là con gái tài sắc vẹn toàn
2.3. So sánh hai bức chân dung của hai chị em
* Bức chân dung của Thúy Kiều nổi bật hơn bức chân dung của Thúy Vân:
– Về số câu thơ: Thúy Vân: 4 câu; Thúy Kiều: 12 câu
– Đối với Thúy Vân, tác giả chỉ miêu tả ngoại hình. Đối với Thúy Kiều, xuất hiện thêm trí tuệ và năng khiếu
* Nghệ thuật “đòn bẩy” trong văn học (thể hiện qua việc miêu tả Thúy Vân trước, miêu tả Thúy Kiều sau): nhấn mạnh, làm nổi bật vẻ đẹp có một không hai của Thúy Kiều
2.4. Cuộc sống hiện tại của hai chị em:
– Sống một cuộc sống “Êm đềm trướng rủ màn che”, ứng với gia cảnh “thường thường bậc trung” của Vương viên ngoại
– Hai chị em đang ở độ tuổi “xuân xanh” và “cập kê”: lứa tuổi đẹp, tràn đầy sức sống và khao khát yêu đương
– Tuy nhiên, họ sống rất phép tắc, giữ gìn lễ tiết:
+ Thể hiện qua từ ngữ “hồng quần”
+ Chuyện “ong bướm” đối với họ chỉ là chuyện “mặc ai”
3. Kết bài
– Tổng kết lại nội dung, nghệ thuật của đoạn trích (dựa vào những điều đã phân tích ở THÂN BÀI để tóm tắt đại ý)
– Cảm nghĩ của người viết về đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” (phát biểu cảm nghĩ của bản thân mình)
Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Bài làm tham khảo
Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc. Cuộc đời từng trải và gặp nhiều biến cố lớn đã cho ông nhiều cảm hứng nhân văn thiết thực và sâu sắc ở đời. Một trong những cảm hứng sâu sắc đó là việc lột tả vẻ đẹp của con người và dự cảm về số phận tài hoa bạc mệnh của họ. Chúng ta có thể bắt gặp cảm hứng nhân văn ấy qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, trích gần hết phần đầu của tác phẩm Truyện Kiều.
Trong đoạn trích, Nguyễn Du tập trung miêu tả vẻ đẹp hoàn mĩ của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Thi hào đã đi từ chung đến riêng, ông miêu tả vẻ đẹp chung của hai chị em trước nhất:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã dùng từ “tố nga” với ý chỉ người con gái đẹp. Như vậy, hình ảnh đầu tiên nổi bật lên trong mắt người đọc là hai cô gái nhan sắc mĩ miều. Sau đó, tác giả giới thiệu “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”. Sử dụng bút pháp ước lệ và phép so sánh, nguyễn Du tiếp tục khắc họa vẻ đẹp chung của hai chị em. Hoa mai là loài hoa đẹp đẽ, thanh cao được dùng để tả tính cách của hai chị em (“Mai cốt cách”). Làn tuyết vốn trắng tinh, phơn phớt cũng đi đôi với “tinh thần” của họ (“tuyết tinh thần”). Kết hợp với nhịp thơ 3/3 rành mạch, tác giả đã khắc họa chị em Thúy Kiều với sự trong sáng và thanh cao trong tâm hồn: thanh cao tựa “mai”, trong trắng tựa “tuyết”. Câu thơ cuối sẽ tổng kết và chuyển tiếp cho đoạn thơ sau. Hai chị em quả là “mười phân vẹn mười” song ở mỗi người lại có vẻ đẹp riêng (“mỗi người một vẻ”).
Người đầu tieen được Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp là nàng Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Có thể thấy rằng nghệ thuật miêu tả ngoại hình đã lên đến đỉnh cao trong thơ ca cổ qua đoạn thơ. Bút pháp ước lệ và phép so sánh, kết hợp từ ngữ và hình ảnh thiên nhiên đã góp phần làm nên đỉnh cao đó. Từ láy “trang trọng” và từ ghép “đoan trang” gợi lên phần nào tính cách của Thúy Vân: đứng đắn, trong trắng và khuê các. Vẻ đẹp ngoại hình của nàng còn đẹp hơn thế nữa. Khuôn mặt như một vầng trăng sáng sủa, “đầy đặn”. Trên vầng trăng ấy, có nét lông mày “nở nang”, có làn da trắng như “tuyết”. Nụ cười lại đẹp như “hoa” nở, lời nói trong như “ngọc”; quả là hiếm người sánh kịp. Đến thiên nhiên cũng phải kính nể trước vẻ đẹp của nàng: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Qua đó, Thúy Vân hiện ra là một người con gái với vẻ đẹp tuyệt trần, đến thiên nhiên cũng phải biết “nhún nhường” trước nàng. Bên cạnh đó, nàng cũng rất phúc hậu và thanh nhã trong tâm hồn.
Tuy vậy, nếu Thúy Vân đẹp “một” thì Thúy Kiều lại đẹp “hai”. Nguyễn Du đã trân trọng nàng Kiều khi miêu tả nàng bằng mười hai câu thơ:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.”
Qua các từ láy “sắc sảo”, “mặn mà” và phép so sánh hơn với Thúy Vân, vẻ đẹp của Thúy Kiều đã vô cùng đặc sắc và ấn tượng. Tuy nhiên, ở Thúy Kiều, tác giả chỉ tập trung vẻ đẹp của đôi mắt nàng. Phải chăng “Đôi mắt là cửa số của tâm hồn”? Song với việc lấy hình tượng thiên nhiên để miêu tả con người thì ở Nguyễn Du, đôi mắt đẹp trước hết là biêu trưng của một người con gái đẹp người. Ánh mắt như làn nước mùa thu (“làn thu thủy”) quả là một phép so sánh tuyệt vời: Làn nước vốn đã trong xanh, nay vào mùa thu lại càng thêm trong vắt. Làn lông mày như nét núi mùa xuân (“nét xuân sơn”) cũng là một phép so sánh đẹp: Núi vốn đã xanh tươi, nay vào dịp xuân về lại căn tràn sức sống và đẹp hơn rất nhiều. Phải chăng vì sắc đẹp ấy mà Thúy Kiều có thể khiến “mây ghen”, “liễu hờn”; có thể khiến người ta “nghiêng nước nghiêng thành”? Thúy Kiều đẹp một vẻ đẹp tuyệt trần, đến thiên nhiên vô tri vô giác cũng phải “ghen tị” với nàng. Song với nàng thì sắc chỉ “đòi một” mà tài lại “họa hai”. Nàng có sự thông minh trời phú, điều mà hiếm người có được. Bản thân nàng lại còn có nhiều năng khiếu. Ba nghệ thuật đẹp (“thi”, “họa”, “cầm”) ta đều bắt gặp một cách đặc sắc ở Kiều qua câu thơ nhịp 4/4:
“Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”
Trong số đó, có lẽ nàng thạo nhất ngón âm luật, thứ mà không phải ai cũng có thể giỏi. Âm giai trong nhạc cổ đối với nàng như đã là tri kỉ (“làu bậc ngũ âm”). Đã vậy, hồ cầm có từ xưa, âm điệu du dương, cũng không thể vượt qua ngón đàn “riêng” của Kiều. Đặc biệt, khúc “Bạc mệnh” do nàng đánh ra có thể làm người nghe cảm được nỗi buồn, chau mày rơi lệ. Nghệ thuật chơi đàn đỉnh cao phải chăng là như thế? Qua đó, Kiều hiện lên là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Quả như Nguyễn Du đã nói từ đầu: “nghiêng nước nghiêng thành”.
Qua hai bức chân dung tuyệt đẹp của hai chị em Kiều trên đây, ta dễ dàng thấy rằng vẻ đẹp của Thúy Kiều vượt trội hơn Thúy Vân. Miêu tả Thúy Vân, tác giả chỉ dùng bốn câu thơ với các hình ảnh so sánh đẹp nhưng chỉ tập trung vào ngoại hình, dàn trải. Miêu tả Thúy Kiều, tác giả sử dụng đến mười hai câu thơ. Hơn nữa, ở Thúy Kiều còn có vẻ đẹp trí tuệ và năng khiếu, điều mà hầu như ta không gặp bắt gặp ở Thúy Vân. Ngòi bút của Nguyễn Du đã có xu hướng “thiên vị” cho Kiều rất nhiều. Như đã nói, Kiều là người tài sắc vẹn toàn, trong khi Vân chỉ đẹp tuyệt trần mà thôi. Sự “thiên vị” ấy còn nằm ở chỗ tác giả tả Vân trước, tả Kiều sau. Đây là nghệ thuật “đòn bẩy” vô cùng sắc sảo trong văn học. Nguyễn DU đã tạo ra một “đòn bẩy” mà hai chị em là hai đối tượng tác dụng “lực”. Với điểm tựa là “vẻ đẹp”, tác giả đã để Thúy Vân “bẩy” vẻ đẹp của Thúy Kiều lên cao một cách tự nhiên. Khi người đọc bắt gặp Thúy Vân, ắt hẳn cứ nghĩ rằng nàng là người đẹp nhất trần đời. Nhưng ngay sau đó, bức chân dung của Kiều xuất hiện làm người đọc “ngả ngửa”: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn”. Sự “ngả ngửa” sẽ nhanh chóng trở thành sự thán phục và tôn sùng vẻ đẹp của nàng khi đọc đến những câu thơ sau mà thôi. Đẹp hơn cả người đẹp, Thúy Kiều đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Có lẽ đó là một trong những điều mà thi hào Nguyễn Du tâm đắc khi sử dụng “đòn bẩy” để “bẩy” Kiều lên.
Sau hai bức chân dung của hai chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du còn viết về cuộc sống của hai người:
“Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”
Qua bốn câu thơ cuối, cuộc sống của hai chị em hiện lên rất tốt đẹp. Họ sống trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”, một cuộc sống êm thấm đi đôi với gia cảnh “thường thường bậc trung” của Vương viên ngoại. Tuy vậy, họ cũng rất chuẩn mực và danh giá. Họ đang ở độ tuổi “xuân xanh”, “cập kê” , độ tuổi khao kháo yêu đương vô cùng nhưng vẫn một mực tiết hạnh, khuôn phép. Hình ảnh “ong bướm” tượng trưng cho những đôi trai gái lẳng lơ, đài điểm đối với họ chỉ là “mặc ai”. Qua đó, đức hạnh và phẩm giá của hai người con gái lại một lần nữa được khẳng định.
Đọc hết đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, ta như được gặp mặt hai giai nhân tuyệt sắc – Thúy Vân và Thúy Kiều. Bút pháp ước lệ tượng trưng ảo diệu và các nghệ thuật so sánh, đòn bẩy, ẩn dụ đã được vận dụng một cách độc đáo để làm nên thành công đó. Trong những vẻ đẹp ấy, ta cũng bắt gặp cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du: dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều. Vì sắc đẹp của Kiều đã khiến “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” trong khi với Thúy Vân thì “mây thua”, “tuyết nhường”. Nguyễn Du đã khéo léo lồng ghép hai công việc lại với nhau: miêu tả vẻ đẹp và dự cảm về số phận của con người. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” phải chăng vì vậy mà “đẹp” về cả nghệ thuật lẫn nội dung? Có phải vì vậy mà ngay từ những câu thơ đầu tiên này, Truyện Kiều đã là chữ của muôn nhà, muôn ngả?
Nguyễn Đức Minh
Lớp 9/1 – Trường THCS Thủy Phương, Tx Hương Thủy, Thừa Thiên Huế