Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của Huấn Cao
Nguyễn Tuân – một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp đã để lại cho hậu thế những áng văn giá trị đầy ý nghĩa sâu xa về cái đẹp. Tác phẩm “Chữ người tử tù” chính là một điểm sáng chói về cái đẹp mà Nguyễn Tuân muốn truyền tải đến mọi người. Ở đó, ngoài nhân vật chính là Huấn Cao với tài chí hơn người còn có viên quan coi ngục đang ôm ấp tấm lòng trong sạch của mình ngay trong chốn lao tù nhơ bẩn. Và rồi, sau tất cả, đến cuối tác phẩm cái đẹp đã được bùng cháy, sáng rực rỡ giữa những gì tối tăm nhất, nhơ nhớp nhất của nhà tù, của cuộc đời sáng tối lẫn lộn. Có thể nói cảnh ấy là cao trào, là đỉnh điểm của cái đẹp được tuôn trào từ đầu ngòi bút của Nguyễn Tuân, từ tấm lòng chân thiện mỹ của một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp.
Đúng như cái tên “Chữ người tử tù”, tác phẩm đã lần lượt dẫn dắt người đọc đi qua những bước chân của hai con người tuy vị thế khác xa nhau hoàn toàn nhưng tấm lòng cùng hướng về một điểm sáng là cái đẹp, cái thiện, cái mỹ. Dù rằng ban đầu, người tử tù mang tên Huấn Cao và viên quan cai ngục đã có nhiều hiểu lầm, song sau khi cảm thấu được lòng nhau, ông Huấn đã xúc động và nhận ra tri âm ngay trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Và ông đồng ý cho chữ cai ngục – một sở nguyện vô cùng cao quý và trong sáng của ngục quan. Đến nỗi nếu không xin được chữ của Huấn Cao, cai ngục sẽ hối hận suốt đời. Nhưng thật may mắn và có lẽ cũng là quy luật về sự chiến thắng của cái đẹp, Huấn Cao đã dành đêm cuối cùng của mình để trao chữ cho cai ngục ngay trong nơi ngục tù tăm tối.
“Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa”. Giọng văn trầm lại, chậm rãi như muốn kéo dài thêm cuộc đời cho Huấn Cao – cho con người đang sản sinh ra cái đẹp. Chỉ tiếc rằng, cảnh cho chữ lúc này đang diễn ra trong đầy nghịch lý. Bởi chơi chữ vốn là một thú chơi rất cao quý, tao nhã, sang trọng, thể hiện nhân cách của một con người. Người tài giỏi, có đạo đức mới có được cái thú chơi chữ này. Vì vậy việc cho chữ phải diễn ra trong thư phòng sáng sủa, trang trọng và sạch sẽ. Nhưng ở đây, thư phòng ấy được thay bằng góc tù tối tăm, bẩn thỉu đầy mùi hôi thối. Dù vậy, cả ba con người vẫn “đang chăm chú tển một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Như vậy, dù ngoại cảnh có như thế nào đi chăng nữa, tấm lụa bạch kia vẫn nguyên vẹn, vẫn sạch trong. Giống như tấm lòng trong sáng của cai ngục, của Huấn Cao, dù có rơi vào nghịch cảnh éo le, dù có phải sát đầu bên lưỡi đao tử hình, cái đẹp, cái thiện vẫn vẹn nguyên, vẫn sáng chói như ngọn đuốc đang soi tỏ mặt mọi người. Dựng lên cảnh này, Nguyễn Tuân muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp cao quý rằng: Dù trong bất kỳ môi trường nào, cái đẹp vẫn luôn được sản sinh và phát triển.
Hơn thế nữa, dù xiềng xích có trói buộc được thể xác của người tử tù kia, cái chết có thể an bài số phận của ông, nhưng cái đẹp và cái thiện mà ông để lại cho đời sẽ không bao giờ chết, sẽ mãi được thế hệ sau trân trọng và gìn giữ. Cái đẹp luôn là bất diệt dù cho mọi thứ có bị đảo lộn trong hoàn cảnh éo le: “Một người tù, cổ dẹp gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ tên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa ống. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.” Mọi thứ đều được Nguyễn Tuân đảo lộn như để đề cao cái đẹp thêm một lần nữa. Bởi lúc này, người cho chữ là một tử tù chứ không phải một người thầy, còn người nắm quyền lại là cai ngục – kẻ cầm quyền trong lúc này. Nhưng mọi quyền lực, mọi ngăn trởi đều bị xóa bỏ. Giờ đây chỉ còn người cho chữ và người lãnh nhận chữ. Ngoại cảnh tối tăm, bẩn thỉu đến mấy cũng không thể làm lấn bẩn lên tấm lụa trắng tinh khôi đang được Huấn Cao viết lên từng nét chữ. Và mùi hôi thối ẩm mốc cũng không thể nào át được mùi mực thơm tho từ thoi mực.
Một lần nữa, trong cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân đã gửi gắm đến người đọc lời nhắn nhủ về cái đẹp, về sự bất diệt của cái đẹp. Cái đẹp không bao giờ chết, mà chỉ là đang âm thầm ẩn náu sau những gì ta nhìn thấy từ bên ngoài. Quyền lực hay bất cứ thứ gì cũng không thể nào ngăn cản cái đẹp sản sinh và phát triển. Cái đẹp là bất diệt, là vĩnh cửu. Cũng từ đó, nhà văn đã mượn lời của Huấn Cao truyền cho cai ngục để truyền tải tới người đọc một thông điệp sâu sắc về nguyên lý sống đẹp: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Như vậy, bài học sâu sắc mà Huấn Cao dạy bảo cai ngục cũng chính là lời dạy bảo quý giá của nhà văn muốn dành cho chúng ta. Rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cái đẹp vẫn luôn được gìn giữ, nguyên vẹn. Chỉ là lòng ta có muốn gìn giữ nó hay không thôi. Nhân chi sơ tính bổn thiện, con người sinh ra vốn dĩ đã có tính thiện, có trái tim trắc ẩn, dù có âm thầm nhưng vẫn luôn bền vững. Chúng ta hãy gìn giữ, hãy nuôi nấng để trái tim ấy được sạch trong và lan tỏa đến mỗi người xung quanh. Nhà văn Nguyễn Tuân – suốt một đời đi tìm cái đẹp đã truyền tải cái đẹp cao quý ấy trong những tác phẩm mình đã viết. “Chữ người tử tù” là một trong những câu truyện ẩn chứa nhiều ý nghĩa mà ông muốn gửi gắm đến thế hệ sau bằng bút pháp lãng mạn, lý tưởng hóa nhân vật khiến từng câu từng chữ đi vào lòng người một cách tự nhiên.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu