Phân tích bài Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão
Hướng dẫn
Đề bài: Tỏ lòng là bài thơ rất hay và ý nghĩa, Anh chị hãy phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão
Mở bài Phân tích bài Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão
Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Trần (1226-1400) là một mốc son chói lọi trong 4000 năm xây dựng và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua muôn vàn khó khăn của cuộc chiến tranh xâm lược: ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, đánh và thắng nhà Trần đã được ghi vào kho tàng sử vàng Đại Việt những chiến công oanh liệt như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng,..
Thân bài Phân tích bài Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão
Khí thế nhà Trần được gọi là “Hào khí Đông A”- là một trong những thời đại hào hùng nhất trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ có thế thơ văn nhà Trần còn được coi là thời có những tác phẩm đồ sộ nhất, mang tiếng nói của những người anh hùng- thi sĩ dạt dào cảm hứng yêu nước mãnh liệt có tác phẩm nổi tiếng như “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu, “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão,… là những tác phẩm dạt dào tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc.
Phạm Ngũ Lão là một vị tướng tài giỏi thời nhà Trần, được vua tin dùng, gả con gái cho. Ông đi chinh chiến chưa lần nào thất bại. Ông (1255-1320) quê ở tỉnh Hưng Yên, ông chỉ là một người có tầng lớp xuất thân bình thường. Ông là người có tài, không chỉ giỏi về việc triều chính mà ông còn sáng tác nhiều bài thơ hay, những tiếc là chỉ còn lại hai bài thơ lưu truyền đến ngày nay đó là: “Thuật Hoài” (Tỏ lòng) và “Văn thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại vương”. Bài thơ Tỏ lòng thể hiện niềm tự hào con người, đất nước và nó đến chí làm trai, khát vọng chiến công của người anh hùng khi Tổ Quốc bị xâm lăng. Bài thơ này cũng chính là nỗi niềm mà ông muốn nhắc nhở chính mình.
Phiên âm: “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
Dịch thơ: “Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Đầu tiên tác giả miêu tả tư thế chiến đấu vô cùng hiên ngang của con người thật dũng mãnh: “hoành sóc” (cầm ngang ngọn giáo). Câu thơ “hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu” là một câu thơ miêu tả hình tượng hùng vĩ, tráng lệ mang tầm vóc không gian và vừa mang kích thước thời gian chiều dài lịch sử: “kháp kỉ thu”. Không gian mở ra theo chiều rộng của núi sông, mở lên theo chiều cao đến tận sao Ngưu thăm thẳm, thời gian không phải ngắn mà cũng vừa chẵn mấy thu rồi người tráng sĩ vẫn đứng hiên ngang, không lay chuyển, ý chí vẫn cứ hiên ngang đứng vững để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Đội quân Sát Thát ra trận với khí thế áp đảo quân thù, đánh trăm trận trăm thắng, ra trận với sức mạnh phi thường, nhanh như báo, mạnh như hổ. Không một thế lực nào, kẻ thù nào ngăn cản được bước như tiến của đội quân thời Trần. “Khí thôn Ngưu” có thể hiểu theo hai nghĩa đó là khí thế, tráng chí nuốt sao Ngưu làm sao Ngưu át, làm lu mờ sao Ngưu trên tận bầu trời hoặc có thể hiểu theo nghĩa ba quân hùng mạnh nuốt trôi trâu. Hình ảnh này con làm ta liên tưởng tới tác phẩm Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu cũng có câu:
“Thuyền bè muôn đội
Tinh kỳ phấp phới
Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói…”
Người chiến sĩ “bình Nguyên” mang theo một ước mớ lớn lao đó là khát khao lập chiến công ơn vua, báo nợ nước. Thời đại anh hùng mới có khát vọng anh hùng! Trần Quốc Toản có câu “Phá cường địch, báo hoàng ân” hay Thái sư Trần Thủ Độ cũng nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”… Như chúng ta đã thấy đó là trung quân ái quốc, đó là những con người với những trách nhiệm đè nặng trên vai, họ là những người vánh gách sứ mệnh lịch sử trọng đại. Họ tự hào về con người và đất nước của họ, họ tự hào về những chiến công hiển hách của con người thời đại đã làm nên.
Phạm Ngũ Lão kết thúc bài thơ bằng hai câu thơ thể hiện chí làm trai và cái tâm của người anh hùng. Không chỉ có thế đây cũng là nỗi lòng của ông muốn tự nói với chính bản thân mình:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)
Chí ở đây chính là chí làm trai, là một nam nhi việc làm quan trọng nhất đó là công danh, sự nghiệp, phải là một người giúp ích được cho nước, cho dân. Quan niệm lí tưởng làm nam nhi thời phong kiến đã được rất nhiều nhà thơ thời này nói đến như trong bài “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ cũng nhắc tới:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
Công danh được coi như là một món nợ đời mà nam nhi cần phải trả. Khi trả xong nợ công danh thì mới hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với đất nước mà mới không cảm thấy hổ thẹn mới đời. Nhưng Phạm Ngũ Lão một người tài giỏi như vậy, ông đã cống hiến không biết bao nhiêu chiến tích hiển hách, khi ông điều binh ra trận thì không có trận nào thua. Ấy vậy mà ở câu cuối: “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” ý ở đây đó là ông vẫn cảm thấy thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu- Gia Cát Lượng một vị tướng thời Hán có tài mưu lược, trừ giặc, cứu nước. Câu thơ này cho chúng ta thấy, Phạm Ngũ Lão có khát vọng là lập được công danh sánh ngang với Gia Cát Lượng. Ngay ở đầu đề của bài thơ đã thấy được ý nguyện trong lòng của tác giả bài thơ có nhan đề chữ Hán là “Thuật hoài”: thì thuật là kể lại, bày tỏ, còn hoài là nỗi lòng. Dịch sang là “Tỏ lòng” nghĩa là bà tỏ nỗi lòng của mình và bày tỏ khát vọng hoài bão lớn lao của tác giả. Cái “thẹn” của tác giả vừa có giá trị nhân cách, vừa cao cả lớn lao. Ông muốn sống xứng với thời đại anh hùng của mình, thời đại được coi là một trong những thời đại hào hùng nhất của lịch sử nước ta.
Bài thơ Tỏ lòng vừa là nỗi lòng riêng của tác giả, vừa là lời mà tác giả muốn nói với những người làm quân tử. Bài thơ Đường luật chỉ vẻn vẹn hai mươi từ nhưng đạt tới độ súc tích cao bởi thủ pháp nghệ thuật gợi, thiên về ấn tượng khái quát, có tính sử thi với hình tượng lớn lao kì vĩ. Kì vĩ ở hình tượng không gian, thời gian, ở tư thế, tầm vóc con người, khí thế quân đội thời Trần. Tác giả đã thể hiện thành công bài viết cho người đọc thấy được hào khí thời đại Đông A. Đội quân “Sát Thát” với khi thế mạnh mẽ, dẹp mọi kẻ thù bảo vệ cho đất nước được thái bình. Là một bài thơ trữ tình thể hiện được niềm tự hào dân tộc và tâm thế hoài bão lớn lao của kẻ sĩ thời Trần.
Kết luận Phân tích bài Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão
Bài thơ còn giúp chúng ta nhận ra một bài học nhân sinh sâu sắc, thế hệ trẻ hiện nay cần đặt ra câu hỏi đã làm gì cho đất nước? Thế hệ trẻ hiện nay cần phải cố gắng thật nhiều, học tập tốt để tiếp thu khoa học công nghệ giúp cho đất nước đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần có lối sống tích cực để xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực để đất nước ngày càng giàu mạnh văn minh hơn.
Theo Tapchivanhoc.com