Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

Nguyễn Bỉnh Khiêm(1491-1858): là người có học vấn uyên thâm, là nhà thơ lớn của dân tộc.

Tác phẩm: Bài thơ "Nhàn" là bài thơ tiêu biểu in trong tập thơ "Bạch Vân Quốc Ngữ Thi" được viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật.

II. Thân bài

Hai câu đề: tình yêu thương với cuộc sống bình dị hàng ngày, nếp sinh hoạt và làm việc giản đơn :

"Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

+ Điệp  số từ "một" lặp lại ba lần khiến câu thơ chắc chắn, cứng cỏi, kiên định.

+ Nhịp thơ 2/2/3 đều đặn và chậm rãi, góp phần thể hiện sự ung dung, thanh thản trong cuộc sống và công việc

+ Bên cạnh đó, tác giả liệt kê hàng loạt dụng cụ lao động: "Mai", "Cuốc", "Cần câu" là những vật dụng cụ quen thuộc của nhà nông, gợi cuộc sống thuần hậu, giản dị giữa thôn như một “lão nông tri điền”

+ Từ láy "Thơ thẩn" góp phần thể hiện thần thái ung dung, điềm nhiên, thanh thản, thoải mái, không vướng bận, không để điều gì làm ưu tư phiền muộn.

+ Cụm từ: "Dầu ai vui thú nào" cho thấy thái độ của tác giả không quan tâm đến người đời, chỉ lo việc đồng áng giữa thôn quê để tâm hồn ung dung tự tại mặc những thú vui khác của người đời.

=> Hai câu thơ đầu đã thể hiện quan niệm sống nhàn của tác giả: là cuộc sống nhàn tản gần gũi với dân, giản dị mộc mạc.

Hai câu thực : sự chia sẻ chân thành quan niệm giữa “khôn” và “dại”, từ đó ta cũng thấy được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách.

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao"

+ nghệ thuật đối lập: "Ta-Người", những hình ảnh “nơi vắng vẻ”, “chốn lao xao” mang ý nghĩa biểu tượng.

+ sử dụng biện pháp ẩn dụ  có ý nghĩa biểu tượng.

=> cách nói ngược vừa thâm trầm, hóm hỉnh, vừa pha chút mỉa mai.Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhận dại về mình, nhường khôn cho người, xa lánh danh lợi bon chen, tìm về nơi vắng vẻ, sống chan hòa với thiên nhiên.

Hai câu luận : tình yêu tha thiết cuộc sống

“Thu ăn măng trúc đông ăn  giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

+ Hai câu luận dùng biện pháp liệt kê những đồ ăn quanh năm có sẵn trong tự nhiên.

+ Câu thơ “Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” gợi cho ta cuộc sống sinh hoạt nơi dân dã, một thú vui thanh bần, không kiểu cách, một lối sinh hoạt hết sức giản dị.

=> “Nhàn” là sống thuận theo lẽ tự nhiên, thưởng thức những món ăn có sẵn theo mùa, dân dã mà không phải mưu cầu tranh đoạt.

Hai câu kết : Vẻ đẹp cội nguồn triết lí

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

+  Hai câu thơ thể hiện cái nhìn của một nhà trí tuệ lớn, có tính triết lý sâu sắc.

+ Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của người bạc ác, thủ đoạn, dẫm đạp lên nhau mà sống.

=> Như vậy quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có cơ sở từ quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao.

III. Kết bài

Sử dụng các phép đối, liệt kê, cách ngắt nhịp linh hoạt. Sáng tạo trong cách nói ngợi đầy thâm trầm hóm hỉnh và pha chút mỉa mai.

Bài thơ “Nhàn” là lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhà hòa hợp với thiên nhiên, vượt lên trên danh lợi.

phan tich bai tho nhan nguyen binh khiem - Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích bài thơ Nhàn

Bài làm tham khảo

Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mở ra một thế giới mới lạ, độc đáo. Góp phần thể hiện cái muôn màu muôn vẻ của đời sống và của tâm hồn con người. Từ đó có thể thấy được quan niệm sống của người nghệ sĩ. Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những quan niệm sống tích cực, mới mẻ, thể hiện được nhân cách của bậc hiền triết. Ông là người có học vấn uyên thâm, là nhà thơ lớn của dân tộc.  Thơ ông đậm chất triết lí giáo huấn, gợi ca chí khí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn và đồng thời phê phán thói đời trong xã hội. Bài thơ "Nhàn" là bài thơ tiêu biểu in trong tập thơ "Bạch Vân Quốc Ngữ Thi" được viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật. Bài thơ ca ngợi niềm vui trong cảnh sống thanh nhàn, quan niệm sống nhàn, qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn,trí tuệ, nhân cách lớn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Xem thêm:  Phân tích nội dung yêu nước qua các tác phẩm viết về lịch sử đã học (những trích đoạn từ Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên)

Lối sống “nhàn” là  lựa chọn sống một cuộc sống giản dị, mộc mạc nhưng cũng đầy chất thơ ở thôn quê.

"Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Ở câu thơ đầu, tác giả khắc họa hình ảnh một “lão nông tri điền” sống thảnh thơi. Điệp số từ "một" lặp lại ba lần khiến câu thơ chắc chắn, cứng cỏi, kiên định, gợi tư thế sẵn sàng, chủ động với cuộc sống mới ở thôn quê.  Nhịp thơ 2/2/3 đều đặn và chậm rãi, góp phần thể hiện sự ung dung, thanh thản trong cuộc sống và công việc. Bên cạnh đó, tác giả liệt kê hàng loạt dụng cụ lao động: "mai, cuốc ,cần câu" là những vật dụng cụ quen thuộc của nhà nông, gợi cuộc sống thuần hậu, giản dị giữa thôn  quê như một “lão nông tri điền”. Từ láy "Thơ thẩn" góp phần thể hiện thần thái  ung dung, điềm nhiên, thanh thản, thoải mái, không vướng bận, không để điều gì làm ưu tư phiền muộn. Đó là sự nhàn tản thư thái thảnh thơi, không vướng bận cơ mưu, tư dụng. Cụm từ:"Dầu ai vui thú nào" cho thấy thái độ của tác giả không quan tâm đến người đời, chỉ lo việc đồng áng giữa thôn quê để tâm hồn ung dung  tự tại mặc những thú vui khác của người đời. Hai câu thơ đầu đã thể hiện quan niệm sống nhàn của tác giả: là cuộc sống nhàn tản gần gũi với dân, giản dị mộc mạc, những phong thái lúc nào cũng ung dung thảnh thơi, vô sự trong lòng vui với thú điền viên. Cho thấy tình cảm của tác giả không phô trương, tha thiết mà bình thường là tình yêu mến cuộc sống tươi đẹp, một cuộc sống vô lo vô nghĩ, sống như một người nông dân bình thường.

Một con người có học vấn uyên thâm, giàu triết lí cũng đã toát lên vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ. Ý thức tự tôn thể hiện rõ giữa phép đối lập giữa ta và người.

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao"

Trong hai câu thơ sử dụng nghệ thuật đối lập: "Ta-Người", những hình ảnh “nơi vắng vẻ”, “chốn lao xao” mang ý nghĩa biểu tượng, tác giả tạo nên hệ thống từ ngữ đối lập nhau, nhằm bộc lộ rõ thái độ sống, nhấn mạnh sự khác biệt giữa ông và người khác, đó là cách lựa chọn cho mình cuộc sống "lánh đục tìm trong". Tác giả còn sử dụng biện pháp ẩn dụ  có ý nghĩa biểu tượng: "Nơi vắng vẻ" là nơi ít người, không có ai cầu cạnh ta, và ta cũng không cầu cạnh ai, là nơi tĩnh lặng, hòa hợp với tự nhiên, tâm hồn thoải mái, thanh thản; "Nơi vắng vẻ" là ẩn dụ, biểu tượng chỉ lối sống thanh bạch, không màng danh lợi, hòa hợp với tự nhiên yên ả, êm đềm. "Chốn lao xao": là nơi ồn ào, cuộc sống sang trọng quyền thế, chốn quan trường, con người sống bon chen đua danh đoạt lợi, nhiều thủ đoạn hiểm độc, hãm hại lẫn nhau. Như vậy "Dại" thể hiện một lối sống cao đẹp, một tư tưởng, một nhân cách thanh cao, không màng danh lợi, không nuôi cơ mưu, không  mua danh bán tước, tham những điều phù phiếm.Đây là cách nói ngược vừa thâm trầm, hóm hỉnh, vừa pha chút mỉa mai. "Khôn thực chất là dại,dại lại  là khôn". Đúng như ông đã nói:

Xem thêm:  Bình giảng truyện cổ tích Tấm Cám

"Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn"

(Bài thơ nôm-1940)

Hai câu thơ thơ toát lên vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một con người vừa thông tuệ vừa tỉnh táo trong thái độ, ứng xử và trong cách chọn lẽ sống: về với thiên nhiên, sống thoát khỏi vòng danh lợi để tâm hồn an nhiên, khoáng đạt, con người sống bình dị thanh cao và hòa vào tự nhiên. Điều đó một lần nữa thể hiện sâu sắc hơn vẻ đẹp tâm hồn. Như vậy quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhận dại về mình, nhường khôn cho người, xa lánh chốn danh lợi bon chen,tìm về nơi vắng vẻ, sống chan hòa với thiên nhiên.

Mặc dù sống ở thôn quê vẫn còn khó khăn và vất vả nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn khám phá ra vẻ đẹp cuộc sống nơi đây với những thú vui riêng.

“Thu ăn măng trúc đông ăn  giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

Hai câu luận dùng biện pháp liệt kê những đồ ăn quanh năm có sẵn trong tự nhiên. Mùa nào thức ăn nấy: Thu ăn măng tre, măng trúc quanh nhà, đông ăn giá, đó là cuộc sống giữa chốn thiên nhiên, là thú vui nhàn tản của một “lão nông tri điền”. Ở đây không phải niềm vui thú thanh tao lịch lãm của thi nhân thưởng ngoạn, mà là niềm vui chan hòa với thiên nhiên của “lão nông chi điền”, niềm vui sống giữa thiên nhiên thôn dã. Câu thơ “Thu ăn măng trúc đông ăn giá’ không chỉ gợi nếp sinh hoạt, món ăn dân dã, thanh tao bình dị, mùa nào thức đấy, mà còn gợi cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, tự nhiên. “Giá” không chỉ là món ăn, mà có thể hiểu là cái giá lạnh của mùa đông, ăn giá lạnh mùa đông, là cách nói tinh tế, khẳng định sự hòa quyện của thiên nhiên. Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từng nói ''Ăn giá tuyêt,uống băng đông''. Cho dù cách hiểu như thế nào thì vẫn tạo nên những nét tinh tế trong câu thơ. Giống như Nguyễn Trãi đã viết:

“Hái cúc ương lan hương bén áo

Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn”

(Bài số 15)

Câu thơ “Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” gợi cho ta cuộc sống sinh hoạt nơi dân dã, một thú vui thanh bần, không kiểu cách, một lối sinh hoạt hết sức giản dị. Con người thuận theo tự nhiên, hoà hợp với tự nhiên. Câu thơ khiến ta vừa ngỡ là cuộc sống sinh hoạt của người nông dân, không còn thấy một Trạng Trình, không thấy tư thế cao ngạo, chễm trệ của một ông quan mà chỉ thể hiện như một “lão nông tri điền”. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh sống bấy giờ, thì lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện vẻ đẹp tâm hồn thanh cao, lối sống tích cực.Như vậy với Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Nhàn” là sống thuận theo lẽ tự nhiên, thưởng thức những món ăn có sẵn theo mùa, dân dã mà không phải mưu cầu tranh đoạt. Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn cho mình cuộc sống hợp tự nhiên, hòa với đời thường. Bình dị mà không tầm thường, đơn giản, mà không kém phần thanh cao. Phải yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống , yêu nhân dân đến thế nào, tác giả mới có thể hài lòng một cách rất thỏa mãn với cuộc sống giản dị, đơn sơ, có chút thiếu thốn đến như vậy.

Lối sống “nhàn” thể hiện cái nhìn của một nhà trí tuệ lớn,có tính triết lí sâu sắc,coi thường phú quý danh lợi:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Hai câu thơ thể hiện cái nhìn của một nhà trí tuệ lớn, có tính triết lý sâu sắc. Mượn điển tích xưa, vận dụng sáng tạo để nói lên ý nghĩa coi thường phú quý, lợi danh (Điển tích Thuần Vu Phần). Cách vận dụng linh hoạt điển tích xưa làm tính chất bi quan của điển tích mờ đi, nhưng vẫn làm nổi bật được ý của nhà thơ coi phú quý chỉ là giấc chiêm bao. Lại một lần nữa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm ra lối sống của riêng mình. Nguyễn Công Trứ sau này cũng có cách sống như những người thầy sông tuyết:

Xem thêm:  Top 200 stt hay khi đăng ảnh vui hot nhất được chia sẻ khủng

“Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong”

Trong thơ của Nguyễn Bình Khiêm tác giả dùng “nhìn xem”, biểu hiện môt thế đứng cao hơn, dường như Trạng Trình đang đứng trên phú quý, vượt ra ngoài “lực hấp dẫn” của phú quý, để nhìn xem và cười cợt nói. Hai câu thơ nói lên thái độ sống dứt khoát, đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gắn bó với Đạo lão trang, có phần tiêu cực, nhưng đặt trong thời đại nhà thơ sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực, bởi con người trong thời đại ấy: thói đời đạo đức đang có những biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp, mà ông đã từng lên án trong nhiều bài thơ của mình.

“Ở thế mới hay người bạc ác

Gìau thì tìm đến khó thì lui”

Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của người bạc ác, thủ đoạn, dẫm đạp lên nhau mà sống, quan lại giống bầy chuột lớn gây hại cho nhân dân mà ông vô cùng căm hận và lên án trong bài “Ghét chuột”. Bởi thế có thể hiểu thái độ “Nhìn xem phú quý tụa chiêm bao”là cách nhà thơ chọn sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân, cuộc sống đạm bạc thanh cao của người bình dân đáng quý đáng trọng vì đem lại sự thanh thản, giữa nhân cách không bị hoen ố, vẩn đục. Cội nguồn triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm của nhân dân. Như vậy quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có cơ sở từ quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao. Để từ đó bày tỏ sâu sắc hơn tình yêu đối với cuộc sống bình thường, quá đỗi giản dị, cũng là bày tỏ thái độ cay nghiệt, căm ghét thứ công danh tầm thường.

Mỗi tác phẩm văn học muốn có được sức sống lâu bền với thời gian cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Cái “tài” của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ “Nhàn” thể hiện qua việc sử dụng các phép đối, liệt kê, cách ngắt nhịp linh hoạt. Sáng tạo trong cách nói ngợi đầy thâm trầm hóm hỉnh và pha chút mỉa mai. Bài thơ “Nhàn” là lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhà hòa hợp với thiên nhiên, vượt lên trên danh lợi. Đó là cách để giữ được tâm hồn trong sạch thanh cao trong thời đại  mà thói đời, đạo đức đang dần có biểu hiện của sự suy thoái. Nếu chỉ có trái tim dạt dào tình cảm mà câu chữ vụng về thì tình cảm có chân thành tha thiết đến đâu cũng không thể lay động tâm hồn người đọc. Người đọc khi đến với thơ ca nói riêng, tác phẩm văn chương nói chung phải đi từ câu chữ hình thức bề ngoài để thấu hiểu đồng cảm, trân trọng những cảm xúc, tâm sự sâu kín bên trong của người nghệ sĩ.

Đỗ Anh Ngọc

Lớp 10A4 – Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn, Lai Châu

Check Also

chan dung nu sinh truon 49cc1a 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *