Những bài ca quê hương, đất nước, con người tươi đẹp đáng yêu và tự hào- Bình giảng văn 7
Hướng dẫn
Nếu ca dao – dân ca về tình cảm gia đình thường là những bài hát ru, thì ca dao – dân ca về tình yêu quê hương, đất nước, con người thường là những bài hát đối đáp, những khúc ca ngẫu húng tự nhiên cất lên trong sinh hoạt cộng đồng, trong lễ hội, khi ngoạn cảnh, lúc đứng ngắm đồng ruộng quê hương,… Chùm ca dao Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người (Ngữ văn 7, tập một) có lẽ là những bài ca tiêu biểu. Điều thú vị là chỉ bốn bài ca ngắn gọn mà chúng ta nghe được nhiều giọng điệu khác nhau, nhìn ngắm, thưởng thức được nhiều địa danh, nhiều phong cảnh kì thú khác nhau.
Ở bài ca dao thứ nhất, chàng trai, cô gái hỏi – đáp về những địa danh mang nhũng đặc điểm nổi bật. Thành Hà Nội năm cửa, sông Lục Đầu sáu khúc chảy êm đềm, nước sông Thương bên đục bên trong, núi Tản Viên, đền Sòng, thành tiên ở Lạng Sơn… Chàng trai hỏi, cô gái đáp, hỏi đáp rất hài hoà, ăn ý. Đây là một hình thức ca hát dân gian thường xuất hiện trong những lễ hội, hội mùa xuân, hội mùa thu ở nhiều vùng quê Việt Nam: hội hát xoan Phú Thọ, hội Lim Bắc Ninh, hát phường vải Nghệ – Tĩnh, hát ví ghẹo, giao duyên ở đồng bằng Bắc Bộ, ở miền Trung và nhiều tỉnh Nam Bộ,… Qua hát đối đáp, đôi bên nam, nữ (có thể là chàng trai cô gái, cũng có thể là cụ ông, cụ bà,…) thử tài nhau về kiến thức lịch sử, địa lí, văn hoá, cũng là để chia sẻ với nhau tình yêu nam nữ, tình bạn, tình yêu quê hương, đất nước. Lắng nghe lời hỏi, đáp của hai nhân vật trữ tình trong bài ca Ở đâu năm cửa nàng ơi…, chúng ta thấy hiện lên nhiều địa danh từ thủ đô Hà Nội đến Hải Dương, Bắc Giang, vào Thanh Hoá, rồi ngược Lạng Sơn. Mỗi vùng có một nét đẹp riêng, hợp thành một bức tranh non nước Việt Nam thơ mộng, giàu truyền thống văn hoá. Không trực tiếp nói ra, nhưng cả người hỏi lẫn người đáp đều biểu hiện tình yêu, niềm tự hào về quê hương, Tổ quốc mình. Bài ca còn kéo dài hơn nữa. Chẳng hạn, chàng trai hỏi tiếp:
Ở đâu có chín từng mây
Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
Chùa nào mà lại ở hang
Ở đâu lắm gỗ thì nàng biết không?…
Cô gái đáp:
Trên trời có chín từng mây
Dưới sông lắm nước, núi nay nhiều vàng
Chùa Hương Tích thì lại ở hang
Trên rừng lắm gỗ, hỡi chàng biết không…
Như vậy, chàng trai, cô gái trong cuộc hát giao duyên này nói riêng, nhân dân lao động Việt Nam ta nói chung không chỉ say đắm, mến yêu, tự hào về giang sơn Việt Nam cẩm tú mà còn tỏ ra là những người lịch lãm, hào hoa, tế nhị và giàu hiểu biết, thật đáng noi theo.
Tiếp sau những cuộc hát đối đáp là những chuyên du lịch. Một nhóm người, hoặc cả đoàn người đông vui chung niềm khao khát được thưởng thức cảnh đẹp ở đất kinh kì, ở xứ Huế cố đô “rủ nhau”, gọi nhau,… Cảnh ở kinh kì thật phong phú, có hồ (Kiếm Hồ), có cầu (Thê Húc), có đền (Ngọc Sơn), có đài, có tháp, cảnh thiên tạo hài hoà với cảnh nhân tạo, nét đẹp tự nhiên hài hoà với nét đẹp lịch sử, văn hoá. Còn ở Huế, cảnh mới thơ mộng làm sao, đường quanh quanh uốn lượn hài hoà với “non xanh”, “nước biếc”, sơn thuỷ hữu tình. Với cảnh ở Hà Nội, tác giả dân gian không tả mà chỉ kể, theo kiểu liệt kê, các chi tiết cảnh nối nhau thật phong phú, đa dạng. Còn với Huế, cảnh được miêu tả theo kiểu chấm phá lướt qua: đường, núi, nước. Mỗi đối tượng được nhấn mạnh bằng một tính từ gợi hình. Đường thì “quanh quanh”, núi thì “xanh”, nước (sông Hương) thì “biếc”. Thêm nữa, từ láy hoàn toàn “quanh quanh” và phép so sánh “như tranh hoạ đồ” khiến cho xứ Huế càng… mộng và… thơ. Thăm Hà Nội kinh kì, rồi vô xứ Huế cố đô, chúng ta được ngắm cảnh, được thăm viếng những di tích lịch sử, văn hoá, lòng càng thêm yêu Tổ quốc tươi đẹp, trí càng thêm rộng mở và lắng sâu, ghi nhớ công ơn người xưa đã tôn tạo và giữ gìn “bức tranh hoạ đồ” quý giá.
Bài ca dao thứ tư, thú vị thay, giọng ca, lời ca phóng khoáng linh hoạt, cảnh thiên nhiên và nhân vật trữ tình hoà hợp, đậm chất đồng quê, khác hẳn hai bài trước:
Đứng bên ni đồng, ngó hên tê đồng, mênh mông bát ngát,
Đừng bên tê đồng, ngố bên ni đồng, bút ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Về bố cục, bài ca dao này gồm hai phần vừa độc lập vừa gắn bó với nhau. Hai câu đầu tả cảnh đồng lúa trong buổi bình minh. Hai câu sau miêu tả dáng hình cô thôn nữ đẹp đẽ, thơ mộng như đồng lúa, như những chẽn lúa… về giọng điệu, đây là loại bài ca tự do, ngôn ngữ được nới rộng theo đối tượng miêu tả và tâm trạng nhân vật trữ tình. Hai câu đầu, mỗi câu kéo dài mười hai tiếng. Câu thứ ba không phải sáu tiếng mà là bảy tiếng. Chỉ câu bốn mới trở lại tám tiếng bắt vần với câu ba giống thể thơ lục bát. Đây là bài ca dao lục bát biến thể, một thể thơ khá phổ biến trong kho tàng ca dao Việt Nam.
Điều cần trao đổi vể bài ca này là chủ thể trữ tình. Ai “đứng… ngó” cánh đồng? Ai nói: “thân em”? Đây là lời người khác hỏi, hay lời cô gái tự than? Có người cho rằng đây là lời chàng trai làng. Chàng trai thấy cánh đồng mênh mông, bát ngát, thấy cô gái xinh đẹp, mảnh mai…, tỏ lời ca ngợi cánh đồng, tỏ tình với cô gái. Có người lại hiểu: đây là lời cô gái. Đứng ngắm đồng quê xanh tốt, lúa đang ngậm đòng, cô thôn nữ đã cất lời ca, ca ngợi cảnh giàu đẹp của cánh đồng, từ đó nghĩ về mình, nhan sắc và thân phận mình…
Nếu hiểu theo cách thứ nhất – lời chàng trai – thì bài ca này thuộc nhóm ca dao tỏ tình, ví ghẹo. Ví dụ:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Hoặc:
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.
Mở đầu các bài ca này thường là tiếng gọi, rồi tiếp sau là một câu hỏi ỡm ờ, đưa duyên. Hoặc nếu không thì cũng là những lời ca ngợi khéo léo để làm đẹp lòng người mình đang hướng tới. Ví dụ:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh.
Nếu hiểu theo cách hai – lời cô gái – thì bài ca này thuộc nhóm ca dao mượn cảnh ngụ tình, trước thiên nhiên và cuộc sống, con người giãi bày tâm sự. Ví dụ:
Một ngày hai buổi cơm đèn
Còn gì má phấn, răng đen, hỡi chàng.
Hoặc:
-Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
-Thân em như hạt mưa sa…
Suy ngẫm trên cơ sở văn bản, cả nội dung, cảm hứng lẫn giọng điệu, ngôn từ, có lẽ hiểu bài ca dao “Đứng bên ni đồng…” theo cách hai là sát hợp hơn. Đây là lời cô thôn nữ trước đồng ruộng quê hương, vừa ca ngợi cảnh đẹp cánh đồng vừa tự ngắm rồi dự cảm về thân phận mình. Nếu là lời chàng trai, e rằng không sát, vì không ai tỏ tình lại nói với đối tượng bằng từ “thân em” nghe không duyên dáng, thiếu tế nhị.
Dù hiểu thế nào thì chúng ta cũng đều cảm nhận rằng bài ca dao này là tiếng hát chứa chan tình cảm đối với đồng ruộng, quê hương và con người quê hương. Hai câu đầu, hai dòng thơ kéo dài, kết hợp điệp từ, đảo từ và đối xứng (đứng bên tê đồng – đứng bên ni đồng ; mênh mông bát ngát – bát ngát mênh mông) đặc tả vẻ đẹp của đồng lúa. Nhìn từ đâu, nhìn ở phía nào cũng thấy đồng ruộng mênh mông, rộng lớn, đẹp đẽ, trù phú và mang sức sống trẻ trung, phơi phới. Trước một cánh đồng như thế, ai chẳng xúc động, chẳng mến yêu quê hương mình, nhất là các cô thôn nữ. Bởi vì, tất cả nét đẹp và trù phú kia không phải trời cho mà chính từ đôi bàn tay, từ công sức của con người, trong đó có mình. Từ cảnh mà sinh tình, ngắm cánh đồng, cô gái tự ngắm mình, vui thú, tự hào về vóc dáng nhỏ xinh, mềm mại của mình “Thân em như chẽn lúa đòng đòng…”. Mình xinh đẹp, tràn trề sức sống, nhưng tương lai ra sao thì… khó đoán được. Nghệ thuật so sánh (như chẽn lúa) kết hợp các từ “thân em”, “phất phơ” vừa tả vẻ đẹp vừa biểu hiện tâm trạng cô gái. Cô gái tự hào vì mình đang tuổi thanh xuân, tươi tắn hoà hợp trong vẻ đẹp và sức sống của đồng ruộng quê hương. Nhưng cô không khỏi bâng khuâng, lo lắng về số phận
ngày mai. “Nắng sớm thì đẹp, cánh đồng thì rất rộng, nhưng chẽn lúa thì nhỏ nhoi, vô định giữa một biển lúa không bờ. Chẽn lúa phất phơ trong cánh đồng quá rộng này cũng như dải lụa đào phất phơ giữa chợ, không biết số phận mình sẽ được an bài như thế nào đây”… Tâm sự của cô gái trong bài ca dao này cũng là nỗi niềm của rất nhiều cô gái xinh đẹp trong nhiều bài ca dao khác gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về thân phận con người trong xã hội ngày xưa.
Những bài ca dao trên có giọng điệu khác nhau nhưng mang vẻ đẹp nghệ thuật và nội dung, ý nghĩa thật phong phú. Điều chúng ta ghi nhớ nhất là: Những câu hát về quê hương, đất nước, con người thường gợi nhiều hơn tủ, nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh trí, lịch sử, văn hoá của từng địa danh. Đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời mời, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh luôn là tình yêu chắn chất, tinh tế và niềm tự hào đối với quê hương, đất nước, con người,…
Xem lại bài bình giảng Những bài ca tình nghĩa gia đình
Theo Baigiangvanhoc.com