Đề bài: Em hãy vghị luận xã hội về tình trạng nói tục chửi bậy ở học sinh
Bài làm
Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang tồn tại rất nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục…Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là hiện tượng học sinh “nói tục chửi thề”. Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.
Nói tục chửi bậy là hiện tượng học sinh dùng những từ ngữ thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực để giao tiếp với nhau, lăng mạ nhau, xúc phạm nhân phẩm của người khác. Hoặc đôi khi do quen miệng rồi thành thói quen, điều đó rất gây phẩn cảm.
Hiện tượng nói tục chửi bậy gây nhiều ảnh hưởng đến lối sống về đạo đức và văn hóa của mỗi người, đặc biệt đối học sinh, lứa tuổi với nhận thức và suy nghĩ chưa chín chắn, nói tục theo thói quen và trở thành thói quen khó bỏ sẽ khiến nhân cách của học sinh dễ bị suy đồi, biến học sinh thành kẻ thiếu kĩ năng văn hóa, từ đó những cuộc giao tiếp với những người văn minh sẽ trở thành thảm họa, học sinh sẽ bị đánh giá về chuẩn mực đạo đức.
Nếu việc nói tục chửi bậy trở thành hội chứng đám đông thì sẽ ra sao? Không chỉ vậy, nói tục rất gây ảnh hưởng đến người khác. Nói tục chửi thề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của người bị lăng mạ. Nếu việc này gặp người không kiểm soát được bản thân, tâm lý bức bối, ức chế thì rất dễ gây ra hậu quả khôn lường
Nếu đứa trẻ sống trong gia đình có một hoặc nhiều thành viên thường xuyên sử dụng các từ lóng, nói bậy, chửi tục thì chắc chắc trẻ sẽ bắt đầu nói bậy dần dần và trở thành thói quen.
Thực tế, môi trường sống và học tập hàng ngày của trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình định hình nhân cách cũng như những thói quen của các bé. Học sinh ở lớp nếu nói bậy thì được thầy cô nhắc nhở, nhưng bước ra khỏi cổng trường, trẻ đua nhau, học nhau nói bậy, chửi tục để chứng minh mình không thua kém bạn bè hoặc thể hiện cái tôi, cái ‘chất’ của mình mà không hiểu rằng mình đang có hành vi kém văn hóa, những lời nói tục tĩu được phát ra một cách tự nhiên mà không hề ngượng ngùng. Người trẻ nói năng thiếu văn hóa một cách vô tư, ở bất cứ nơi đâu và đáng lo ngại hơn, đó còn là cách mà không ít bạn trẻ sử dụng để “chứng tỏ” bản thân. Dường như nó đã trở thành trào lưu đang rất thịnh hành trong giới trẻ hiện nay mà người lớn chúng ta không để ý. Không chỉ trong lúc nói chuyện lâu lâu mới xuất hiện vài câu chửi, mà chỉ một câu nói thậm chí lại chứa đến hai ba từ chửi thề làm câu đệm. Nếu chúng ta quan sát kỹ hơn sẽ thấy quả thực ngôn ngữ một bộ phận giới trẻ đang bị thô tục hóa, các bạn không hề ngượng ngùng khi nói chuyện, dường như đó là những câu thường trực trong đời sống giao tiếp hằng ngày.
Trẻ nhỏ hiện nay sớm được tiếp cận với công nghệ hiện đại, báo chí, truyền thông. Những lời nói tốt, xấu lẫn lộn khiến trẻ học theo, bắt chước mà thiếu sự kiểm soát của phụ huynh. Nói tục, chửi bậy không phải là một hiện tượng mới nhưng dường như chưa bao giờ giới trẻ lại nói tục, chửi bậy nhiều như hiện nay. Nó dường như trở thành một thứ trào lưu và nghiễm nhiên được “lưu hành” lây lan như một thứ dịch bệnh
Để ngăn chặn, giảm thiểu gia đình cần phối hợp cùng thầy cô giáo. Khi đến trường, trẻ cần được nhà trường nhắc nhở nghiêm khắc bằng cách đánh giá hạnh kiểm, tham gia các giờ học đạo đức hoặc tự trẻ phải nhận ra sai phạm của mình để sửa chữa. Khi về với gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần tự mình uốn nắn các em, cũng chính từ các phụ huynh hãy luôn gương mẫu, chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói của bản thân để các em học tập, noi theo.
Một phần được tiếp thu từ truyền thông thì cũng cần phải tác động trực tiếp đến giới trẻ qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để họ thẳng thắn nhìn nhận cách ứng xử của bản thân, từ đó thể hiện văn hóa giao tiếp ứng xử phù hợp.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói tốt đẹp hay xấu xa, lời hay ý đẹp hay thô thiển, tục tĩu đều sẽ ảnh hưởng đến đến các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn. Bởi vậy hãy rèn rũa cho mình biết nói những lời nói văn minh, lịch sự để nâng tầm văn hóa giao tiếp của bản thân.
Các cụ xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học nói cũng rất quan trọng, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, lịch sự, chuẩn mực, dễ nghe sẽ khiến cho học sinh được nâng tầm trong văn hóa giao tiếp, đó là hành trang cần thiết của mỗi học sinh khi bước vào cuộc sống, bước vào xã hội với nhiều mối quan hệ hơn, việc ứng xử giao tiếp có lễ độ, đúng mực sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.
Nguyễn Lưu