Đề bài: Nêu suy nghĩ của em về bình đẳng giới.
Bài làm
Phụ nữ là một lực lượng lao động quan trọng ở nước ta hiện nay. Họ đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất và đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở nông thôn. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình lao động sản xuất từ những định kiến về bình đẳng giới.
Bình đẳng giới là nam và nữ có vai trò ngang nhau, được tạo điều kện và cơ hội phát triển năng lực như nhau, có quyền hưởng thụ như nhau về mặt kinh tế văn hóa – xã hội. Kết quả phỏng vấn trong một nghiên cứu năm 2015 của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết: Trong 14 công việc gia đình chủ yếu, phụ nữ đảm nhiệm 12 phần việc, đặc biệt là công việc liên quan đến chăm sóc con cái; hơn 60% số phụ nữ được hỏi đã trả lời rằng họ đã làm những việc nhà từ trước 18 tuổi, trong khi con số này ở nam giới chỉ là 25%; những công việc gia đình của phụ nữ còn mở rộng đến cả việc chăm sóc hai bên gia đình nội – ngoại, còn nam giới chỉ xuất hiện trong những tình huống cần đến hình ảnh đại diện, dự các cuộc họp bàn công việc của cộng đồng, gia tộc hoặc họp phụ huynh; phần lớn phụ nữ cũng không phải là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu với nam giới về đất đai và những tài sản lớn; trong nhiều trường hợp, con gái không được chia, hoặc được chia phần tài sản ít hơn so với con trai…
Bất bình đẳng giới còn biểu hiện rất rõ trong các tiêu chí liên quan tới đạo đức, cụ thể là dư luận dường như tỏ ra khoan dungvới tự do tình dục của nam giới hơn là nữ giới, thậm chí lên án nhiều hơn với phụ nữ nếu có hành vi tương tự. Và nhiều hệ quả khác của bất bình đẳng giới còn thể hiện ở tình trạng phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo hành tình dục. Họ cũng mất phần lớn hoặc thậm chí không có quyền chủ động với những biện pháp kế hoạch hóa gia đình dù được khuyến cáo. Ngoài xã hội, phụ nữ thường chịu nhiều định kiến và ít có cơ hội. Về phân công lao động xã hội, phụ nữ cũng thường dễ chấp nhận không đi làm hoặc làm công việc thu nhập thấp để dành thời gian cho việc chăm sóc chồng con, cũng như hai bên gia đình nội – ngoại. Việc khuôn phụ nữ vào vai trò chăm sóc đã hạn chế các cơ hội của họ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia công việc xã hội. Bình đẳng giới trong gia đình là các thành viên trong gia đình có sự bình đẳng với nhau. Cụ thể là mọi công việc trong gia đình đều được các thành viên, trước hết là vợ và chồng cùng nhau chia sẻ và cùng nhau hưởng thụ thành quả từ những công việc đó mang lại. Vợ và chồng cần phải bình đẳng bàn bạc, quyết định và thực hiện mọi công việc. Trong lĩnh vực dân số – sức khỏe sinh sản, vợ chồng phải cùng chia sẻ mọi vấn đề. Vợ và chồng phải có bổn phận như nhau trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai, quyết đinh sinh con, số con và khoảng cách sinh, trong đó cần hết sức quan tâm chăm sóc phụ nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ. Trong gia đình, tuyệt đối không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Con trai và con gái đều có quyền và trách nhiệm như nhau đối với gia đình và xã hội. Con gái cũng phải bình đẳng như con trai trong việc học tập, lao động và hưởng thụ. Ngay từ nhỏ, cha mẹ phải chú trọng giáo dục cho con cái mình hiểu rõ điều này. Bình đẳng giới trong gia đình không chỉ là từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên, mà còn phải đấu tranh bảo vệ môi trường gia đình được ổn định và phát triển bền vững, tiếp thu những mặt tích cực của gia đình hiện đại và những đặc điểm tốt đẹp của gia đình truyền thống; tránh những tác động tiêu cực trong xu thế hội nhập tới gia đình như chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân.
Công cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ, thực chất là nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc cho cả hai giới. Trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là quan hệ vợ chồng thì sự bình đẳng bao giờ cũng là tiền đề để tạo nên hạnh phúc. Điều quan trọng là chính phụ nữ phải tập cho các thành viên trong gia đình ý thức tôn trọng phụ nữ và bình đẳng giới từ rất nhỏ, chủ động chia sẻ phân công công việc trong gia đình.
Trong gia đình sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của vợ, chồng, các thành viên trong gia đình đối với các hoạt động hằng ngày, cũng như tạo điều kiện cho nhau trong học tập, nâng cao trình độ, công tác, trong quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè… quan tâm tới con cái một cách công bằng, tạo nên sự đồng thuận, tránh đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mới thúc đẩy có hiệu quả việc thực hiện bình đẳng giới.
Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam trước hết cần thay đổi từ nhận thức (chủ yếu là nam giới nhưng cũng gồm cả nữ giới) như: phải loại bỏ cách nghĩ cũ về vai trò của phụ nữ, khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm gia đình, khuyến khích phụ nữ tăng tính tự chủ, mạnh dạn nắm bắt các cơ hội. Để đạt tiến bộ bình đẳng giới, trong tầm nhìn trung và dài hạn, các hoạt động xã hội thực tiễn cần có sự đa dạng như: thông qua các phương tiện truyền thông để giáo dục công chúng, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ; lập và thực thi các chương trình nhằm nâng cao quyền lợi của phụ nữ; cải thiện dịch vụ xã hội để giảm gánh nặng việc nhà cho phụ nữ; tăng thêm tính khả thi của chính sách, pháp luật liên quan việc thúc đẩy sự tiếp cận của phụ nữ với các cơ hội phát triển học vấn, sự nghiệp.
Vai trò của mỗi cá nhân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng với việc xây dựng xã hội bình đẳng giới là vô cùng quan trọng vì đó là tương lai xã hội, tương lại con người.
Nguyễn Lưu