Đề bài: Bàn về kết thúc mở trong truyện ngắn, có ý kiến cho rằng:
“Kết thúc mở mang một ý nghĩa tượng trưng nghệ thuật lớn lao. Nhà văn muốn chỉ ra rằng các sự kiện miêu tả trong truyện ngắn không thể bao quát, nói hết được vấn đề đặt ra trong cuộc sống, rằng dòng đời mô tả trong truyện vẫn còn đang tiếp tục và trong nó hạnh phúc cùng khổ đau, khát vọng và bất lực, niềm vui và buồn đau đan cài, không thể phân tách”.
(Đào Tuấn Ảnh, “Kết cấu thời gian trong truyện ngắn Chekhov và Nam Cao”, Thông tin khoa học sư phạm, ĐHSP Hà Nội số đặc biệt kỉ niệm 100 năm ngày mất của A.P Chekhov)
Bằng trải nghiệm đọc tác phẩm truyện ngắn Việt Nam hiện đại, em hãy bình luận ý kiến trên.
ĐÁP ÁN
Yêu cầu về kĩ năng
Đây là dạng bài nghị luận văn học có vận dụng kiến thức lí luận văn học. Học sinh cần nắm vững kĩ năng đọc – hiểu văn bản, biết chia bố cục, xây dựng hệ thống luận điểm phù hợp, rõ ràng. Học sinh cần biết vận dụng các kiến thức lí luận văn học, soi chiếu để làm rõ vấn đề dư âm trong tác phẩm văn học. Học sinh cần nắm vững kĩ năng chọn lọc dẫn chứng, biết cách phân tích để làm bật lên luận điểm.
Yêu cầu về kiến thức
Học sinh cần đảm bảo một số nội dung như sau:
Giải thích:
- Truyện ngắn: Thể loại tự sự cỡ nhỏ, phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua những lát cắt, truyện ngắn chú trọng vào chi tiết giàu sức gợi, những cách diễn đạt đầy ẩn ý.
- Kết thúc mở: Một dạng kết thúc của tác phẩm tự sự, trong đó các sự kiện không được giải quyết trọn vẹn, số phận nhân vật vẫn chưa được sắp đặt hoàn tất, ở đó vẫn có những khoảng trống, khoảng lặng để người đọc tự tưởng tượng, suy nghĩ.
- Quan niệm của Đào Tuấn Ảnh đề cập đến vai trò của kết thúc mở trong việc tạo ra sức gợi, sức hấp dẫn về nội dung trong truyện ngắn.
Bàn luận:
Nhận định của Đào Tuấn Ảnh là đúng đắn.
Kết thúc mở của truyện ngắn cho thấy hiện thực vẫn diễn tiến, từ đó kích thích trí tưởng tượng, tò mò của người đọc
- Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhưng cách thức phản ánh hiện thực của truyện ngắn khá đặc biệt: thông qua những lát cắt. Truyện ngắn chỉ chọn lấy một khoảnh khắc, một vài chi tiết để từ đó khái quát lên hiện thực cuộc sống rộng lớn, bộn bè, nhằm nắm bắt được bản chất, quy luật của hiện thực. Do đó, nhiều khi ở kết thúc truyện, hiện thực phản ánh trong truyện ngắn không bao giờ trọn vẹn, đầy đủ mà luôn còn ẩn chứa biết bao điều chưa nói, là những “khoảng trống” để người đọc tưởng tượng, suy ngẫm. Đó có thể là những sự kiện diễn tiến tiếp theo, đó có thể là số phận của nhân vật…
- Từ những khoảng trống chưa nói ở kết thúc mở, truyện ngắn mở ra trong người đọc những phức tạp của đời sống, “hạnh phúc cùng khổ đau, khát vọng và bất lực, niềm vui và buồn đau đan cài, không thể phân tách”, thông qua những tưởng tượng, hình dung riêng của mình, người đọc hiểu hơn về bản chất cuộc sống và hiểu hơn về chính mình.
- Chính kết thúc mở tạo nên sức hấp dẫn của truyện ngắn, kích thích người đọc không ngừng khám phá, đồng sáng tạo, tạo nên tác phẩm “không bao giờ chạm đáy”.
Kết thúc mở của truyện ngắn gợi đến những chiều sâu tư tưởng, tình cảm “không bao giờ chạm đáy”
Từ đó, kết thúc mở gợi ra trong người đọc những dư âm: những tư tưởng, tình cảm, những ấn tượng khó phai…, để khi trang sách khép lại tác phẩm vẫn sống và neo đậu trong trái tim người đọc. Riêng với truyện ngắn, kết thúc mở là một thủ pháp quan trọng để thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, để người đọc tri âm, đồng cảm, thấu hiểu những suy tư, trăn trở mà nhà văn gửi gắm.
- Chứng minh:
Học sinh chọn phân tích kết thúc mở một hoặc một vài truyện ngắn Việt Nam hiện đại, qua đó cần chỉ rõ hai ý: Trong kết thúc mở ấy, hiện thực cuộc sống vẫn tiếp diễn để người đọc tưởng tượng, lý giải theo cách riêng. Từ đó, người đọc rút ra được những tư tưởng, tình cảm, ấn tượng cho riêng mình.
Dẫn chứng minh họa: Kết thúc truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê)
- Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” kết thúc bằng hình ảnh một cơn mưa đá. Cơn mưa đá là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, đã tráng lên hiện thực chiến trường khốc liệt một màn sương lãng mạn, cơn mưa đá chính là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là cánh cửa mở ra hai thế giới, thực tại chiến trường gian khổ và thực tại yên bình của kí ức tuổi thơ. Cơn mưa đá gọi thức hồi ức và hoài niệm trong tâm hồn Phương Định, thể hiện tính cách mộng mơ, giàu tình cảm ẩn sâu trong cô thanh niên xung phong dũng cảm, gan dạ.
- Chi tiết cơn mưa đá tạo ra một kết thúc mở trong tác phẩm. “Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi…”. Tác phẩm kết lại trong cái thinh lặng ngẩn ngơ của Phương Định, nhưng từ cái thinh lặng ấy gợi ra vô vàn dư ba của cảm xúc, của ấn tượng. Cơn mưa đá “xoáy mạnh như sóng trong tâm trí” Phương Định điều gì? Phải chăng là tình yêu nước, là nỗi nhớ quê hương, là nghị lực vượt qua nghịch cảnh, là khát vọng hòa bình vào tương lai?
- Tác phẩm kết thúc nhưng sự kiện trong tác phẩm và số phận nhân vật vẫn chưa được sắp đặt hoàn tất. Người đọc vẫn sẽ trăn trở thao thức cho số phận của ba cô thanh niên xung phong nơi hoàn cảnh chiến trường gian khổ, khốc liệt, lo cho Nho đang bị thương, cũng có thể người đọc sẽ đầy hy vọng, đầy tin tưởng vào những điều tốt lành sẽ đến, vào chiến thắng phía trước…
- Từ đó, tác phẩm gợi ra trong tâm trí người đọc vô vàn những bài học sâu sắc: Bài học về tình yêu nước, về đức hy sinh, về mối quan hệ giữa công dân và Tổ quốc, về vai trò của kí ức trong tâm hồn mỗi người…
Tổng kết:
- Sức sống đích thực của văn học nằm ở những chiều sâu chưa nói hết, nằm ở sức gợi của tác phẩm trong tâm trí người đọc. Chính điều đó làm nên tác phẩm không bao giờ chạm đáy, để người đọc mọi thời luôn tìm thấy mình trong tác phẩm, để tác phẩm sống mãi. Truyện ngắn, và đặc biệt hơn là truyện ngắn với những kết thúc mở, chính là tiêu biểu cho sức sống lâu bền ấy của văn học.
- Để những chiều sâu tư tưởng đến được với người đọc, truyện ngắn cần có những hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc sắc: nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ trần thuật…
Thang điểm
- Điểm Giỏi: Bài viết đáp ứng tốt được các yêu cầu nêu trên. Kiến thức lí luận văn học vững. Kĩ năng phân tích dẫn chứng tốt. Bài viết thể hiện cảm nhận riêng, sâu sắc, sáng tạo. Văn phong trau chuốt, giàu cảm xúc. Bài viết cho thấy những trải nghiệm văn học riêng của người viết, cho thấy niềm đam mê với văn chương.
- Điểm Khá: Bài viết đáp ứng khá các yêu cầu nêu trên. Kiến thức lí luận văn học vững. Kĩ năng phân tích dẫn chứng tốt.Văn viết rành mạch, rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt.
- Điểm Trung bình: Bài viết đáp ứng cơ bản các yêu cầu nêu trên. Kiến thức lí luận văn học sơ sài. Phân tích dẫn chứng lan man chưa làm bật được yêu cầu đề bài.
- Điểm yếu Bài viết chưa đáp ứng được các yêu cầu nên trên. Không vận dụng kiến thức lí luận văn học. Phân tích dẫn chứng lan man, chưa làm bật yêu cầu đề bài. Diễn đạt hạn chế.
- Điểm kém (0 điểm): Bài viết làm lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.