Hướng dẫn soạn văn Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
Hướng dẫn
Bài thơ về tiểu đội xe không kính là bức tranh đầy hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, trong đó hình ảnh những người lính lái xe nổi bật lên với tinh thần bất khuất, niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của cuộc đấu tranh. Để hiểu hơn về bài thơ, các bạn hãy tham khảo hướng dẫn soạn văn Bài thơ về tiểu đội xe không kínhdưới đây nhé!
Câu 1.Nhan đề bài thơ có gì khác lạ? Một hình ảnh nổi bật trong bài thơ là những chiếc xe không kính. Vì sao có thể nói hình ảnh ấy là độc đáo?
Trả lời:
Nhan đề của bài thơ rất độc đáo: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Nhan đề bài thơ đã làm nổi bật rõ hình ảnh trung tâm của toàn bài: những chiếc xe không kính. Hình ảnh này là thể hiện phát hiện tinh tế của tác giả, đồng thời cho thấy sự gắn bó với đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn và đề cập đến một phương tiện hết sức đời thường, gần gũi với cuộc sống của người lính trên đường ra trận.
Trong bài thơ, những chiếc xe không kính vẫn băng ra chiến trường là hình ảnh độc đáo. Phạm Tiến Duật đã có những phát hiện tinh tế để đưa vào thơ ca hình ảnh chiếc xe không kính gắn với bút pháp tả thực, thậm chí là thực đến trần trụi.:
+ “Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”: qua hình ảnh chiếc xe không kính, hiện thực chiến tranh tàn khốc đã được khắc họa chân thực
+ “Không có kính, rồi xe không có đèn – Không có mui xe, thùng xe có xước”: Bom đạn chiến tranh còn khiến cho những chiếc xe đó trở nên trần trụi hơn.
Bài liên quan bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
>>Giới thiệu về bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
>>Giới thiệu về Phạm Tiến Duật – Tác giả của bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính
>>Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
>>Trình bày cảm nhận về bốn khổ thơ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Câu 2. Những chiếc xe không kính đã làm nổi bật người lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Em hãy phân tích hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ
Trả lời
Những chiếc xe không kính trần trụi đã làm nổi rõ hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Trên những chiếc xe trần trụi không kính là những người lính lái xe với những phẩm chất cao đẹp như lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn cùng sức mạnh tinh thần lớn lao của họ:
Người lái xe hiện ra với những nét tính cách thật cao đẹp:
+ Đó là những người lính ung dung, luôn giữ vững tinh thần lạc quan dù mưa bom bão đạn:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
+ Đó là những người lính với tinh thần “thép” cùng sự bất chấp khó khăn, gian khổ, nguy hiểm. Dù trong mưa bom bão đạn, nhưng tinh thần người lính vẫn vượt lên, trong gian lao kháng chiến vẫn yêu đời
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
+ Giữa những hi sinh mất mát, thiếu thốn gian khổ, nổi bật là tình cảm đồng đội thắm thiết:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
+ Nổi bật hơn cả là quyết tâm giải phóng dân tộc:
Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Hình ảnh trái tim là một hình ảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn. Trái tim ấy là trái tim người lính, là lí tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là sứ mệnh vinh quang của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh tiếp nối các thế hệ cha anh đang trên đường ra trận: chiến đấu để giải phóng quê hương, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Như vậy, bức chân dung của người lính lái xe hiện lên với những phẩm chất cao đẹp như lạc quan, ung dung, kiên định trong chiến đấu. Đặc biệt là tinh thần thép luôn giữ vững quyết tâm giải phóng dân tộc.
Câu 3. Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của bài thơ này. Những yếu tố đó đã góp phần như thế nào trong việc khắc họa hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn
Trả lời
Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng lớp ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, thể hiện qua những khẩu ngữ thông dụng như “ừ thì”, “chưa cần rửa”, “chưa cần thay”, “phì phèo châm điếu thuốc”, “nghĩa là gia đình đấy”. Tất cả đã tạo nên những câu thơ bình dị, phản ánh sự trẻ trung, hồn nhiên của chiến sĩ.
Để miêu tả thành công hình ảnh những chàng trai trong chiếc xe không có kính, tác giả đã sử dụng giọng điệu thơ thơ ngang tàng và nghịch ngợm:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi“
Giọng điệu đó đã khắc họa thành công tinh thần lạc quan pha chút tinh nghịch của chiến sĩ lái xe. Chính tinh thần lạc quan đó đã làm cho họ có thể ung dung, bình tĩnh vượt qua mưa bom bão đạn để giữ vững tinh thần thép.
Câu 4. Cảm nghĩ của em về thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ qua hình ảnh người lính trong bài thơ? So sánh hình ảnh người lính ở bài thơ này và ở bài Đồng chí
Trả lời
Thông qua bài thơ này, chúng ta thấy được hình ảnh những người lính với tinh thần lạc quan yêu đời, bất chấp mọi hi sinh và khó khăn gian khổ. Với tinh thần thép, họ đã giữ vững quyết tâm giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước. Họ vượt qua bom đạn chiến tranh với lòng dũng cảm, trái tim yêu nước trong phong thái ngang tàng.
Trong hai bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” và “Đồng chí”, chúng ta đều thấy được hình ảnh người lính với những vẻ đẹp về lí tưởng chiến đấu cao cả, ý chí vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, tinh thần lạc quan, tình đồng đội sâu sắc.
Nếu so với người lính trong bài “Đồng chí” ta thấy thế hệ người lính chống Mĩ hiện lên với tác phong ngang tàng, nghịch ngợm hơn.
II. Luyện tập
Theo Tapchivanhoc.com