Đề bài: Hãy Giải Thích Câu Tục Ngữ Uống Nước Nhớ Nguồn
Bài Làm
Uống nước nhớ nguồn là một câu tục ngữ đã trở nên quen thuộc đối với rất nhiều người Việt Nam từ xưa cho đến nay. Dưới hình thức một câu tục ngữ, câu nói đã đi sâu vào trong tâm trí của người Việt Nam bởi những triết lý sâu xa được ẩn chứa trong nội dung của câu nói về cách sống, cách làm người, cũng như đã thể hiện được truyền thông đạo lí sâu sắc của người Việt Nam: luôn luôn trân trọng và biết ơn những người đi trước, những người đã hy sinh xương máu để cho chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.
Câu tục ngữ nếu được hiểu theo nghĩa đen thì “nguồn” là nơi bắt đầu của một dòng sông, là nơi đem lại cho chúng ta dòng nước mát. Vậy khi chúng ta lấy được dòng nước mát đó thì chúng ta nên “nhớ nguồn” chứ không phải coi đó là điều hiển nhiên. Đó là hiểu theo nghĩa bóng, còn đối với nghĩ đen thì mỗi con người ta khi phải biết ơn những con người, những thế hệ cha anh ta đã ngã xuống để có đem lại những thành quả cho thế hệ sau. Không phải tự nhiên mà chúng ta có được một cuộc sống hòa bình, không chiến tranh, bom đạn, không phải tự nhiên mà chúng ta được đi học, được sống trong một đất nước phát triển. Để có được tất cả những điều đó, thì đã có biết bao nhiêu người ngã xuống nơi đất khách, đã bao nhiêu gia đình phải hứng chịu nỗi mất con, mất chồng. Và chúng ta cũng phải nhớ rằng, nếu không có nguồn, có cội, có những thế hệ ông, cha ta đi trước thì sẽ chẳng bao giờ có chúng ta. Vì vậy mà câu tục ngữ đã mượn mối quan hệ khăng khít giữa “nguồn và nước” trong tự nhiên để nhắc nhở chúng ta một cách thấm thía về triết lí sống: Khi chúng ta tiếp nhận hay hưởng thụ một thành quả nào đó thì chúng ta phải nhớ đến công ơn và biết đền ơn xứng đáng những người đã đem lại thành quả cho mình được hưởng như ngày hôm nay.
Triết lí “Uống nước nhớ nguồn” là một triết lý hoàn toàn đúng đắn, để gợi nhớ và nhắc nhở con người ta không bao giờ được quên đi sự khó khăn, vất vả của những người đã cống hiến thậm chí là hy sinh để có được những thành quả như bây giờ để cho chúng ta hưởng thụ. Chính vì thế, nếu chúng ta quên đi công ơn đó, chỉ biết nhận mà không biết trả thì chúng ta quả là những con người tắc trách, vô cảm và thậm chí là chúng ta không xứng đáng để có thể hiện được những thành quả đó.
Không chỉ biết ơn những thế hệ đi trước mà chúng ta còn phải biết ơn công lao dưỡng dục của ông bà cha mẹ – những người đã sinh ra mình và cả thầy cô – những người đã dạy cho ta tri thức. Vậy nên, không một thành quả nào mà chúng ta làm đều có công lao của một ai đó tạo nên. Nếu không có ông cha ta thì chúng ta đã không có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nếu không có bố mẹ thì đã không có chúng ta và nếu không có thầy cô thì đã không có những con người thành đạt như ngày hôm nay. Vì thế, trong kho tàng tục ngữ Việt Nam luôn có những lời thấm thía nhắc nhở ta về lòng biết ơn với người nghệ sĩ và công lao của những người đi trước:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Hay:
Không thầy đố mày làm nên.
Triết lí sống “uống nước nhớ nguồn” đã hóa thân thành những lập tục đẹp đẽ của người Việt Nam. Biết ơn các vua Hùng dựng nước, dân ta có ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Biết ơn các thương binh, liệt sĩ đã đổ xương máu để giữ hòa bình, chúng ta có ngày 27-7, biết ơn các thầy cô, chúng ta cũng có ngày 20-11,…
Câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn đã dạy cho chúng ta biết bao nhiêu bài học quý báu. Phải có lòng biết ơn, phải dạy cho con người ta biết sống thủy chung, ân nghĩa. Khi đã nhận thức sâu sắc được vấn đề đó thì mỗi chúng ta sẽ biến lời nói thành hành động để cho cuộc sống này ngày càng phát triển hơn. Để cho ta phải biết gìn giữ bảo bảo vệ những thành quả mà những người đi trước đã tạo nên, lấy đó làm nền tảng của sự phát triển để giúp nó trở nên phong phú và đẹp đẽ hơn. Có như vậy thì chúng ta mới có thể đền đáp được công ơn dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô. “Uống nước phải nhớ nguồn” – Có như vậy, chúng ta chẳng những tỏ lòng biết ơn mà còn xứng đáng với nhân cách, tấm lòng của thế hệ đi trước. Một điều rất quan trọng nữa là phải biết tự tạo lập cho mình những thành quả cho thế hệ sau.
Đạo lí uống nước nhớ nguồn chính là chân lý được ông cha ta đúc kết từ ngàn đời nay. Mỗi chúng ta phải biết gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp, những thành quả mà ông cha ta đã để lại cho chúng ta. Nhưng trước hết, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường thì chúng ta phải tích cực phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi là cách thiết thực và cụ thể nhất để đền đáp công ơn dưỡng dục của ông bà, cha mẹ thầy cô và xã hội.