Giới thiệu bài thơ Đêm nay Bác không ngủ
Hướng dẫn
Giới thiệu bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” sẽ cung cấp cho người học những thông tin hữu ích về hoàn cảnh sáng tác cũng như những đặc sắc nội dung của bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, các bạn hãy cùng tham khảo nhé!
1. Hoàn cảnh sáng tác
“Đêm nay Bác không ngủ” được đánh giá là bài thơ nổi tiếng nhất của Minh Huệ.
Bài thơ được viết vào năm 1951, dựa trên sự kiện có thực trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950. Khi đó, Bác Hồ đã trực tiếp ra trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta. Bài thơ tự sự được viết bằng thể thơ ngũ ngôn với phương thức biểu đạt chính là tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm. Đặc biệt bài thơ còn giống như một câu chuyện với ngôi kể thứ ba, còn nhân vật chính là Bác Hồ. Bài thơ gồm 3 phần. Phần một từ đầu đến “Lấy sức đâu mà đi”, nói về tình cảm của anh đội viên lần thức dậy thứ nhất. Phần hai nối tiếp phần một đến “cùng Bác”. Đoạn này nói về tâm trạng của anh đội viên lần thứ ba. Phần ba còn lại là hình tượng Bác Hồ.
2. Đặc sắc nội dung, nghệ thuật
Trong bài thơ, hình ảnh Bác Hồ được miêu tả qua con mắt và cảm nghĩ của anh đội viên. Cách miêu tả như vậy làm cho hình tượng của một vị lãnh tụ trở nên gần gũi, chân thật và cao đẹp vì đó là hình tượng Bác trong lòng nhân dân ta. Nó còn thể hiện được tấm lòng anh bộ đội với Bác và tình yêu thương mênh mông của Bác với con cháu mình trong kháng chiến.
Về nghệ thuật, bài thơ được làm theo thể thơ năm chữ. Số tiếng trong một dòng thơ là 5 tiếng còn số dòng trong một khổ thơ là 4 dòng. Bài thơ được gieo vần liền trong một khổ thơ và giữa hai khổ thơ. Thể thơ này phù hợp với cách kể chuyện của bài thơ. Ngoài ra, bài thơ còn sử dụng một số từ láy như: mơ màng, thầm thì, nằng nặc làm tăng giá trị biểu cảm, diễn tả cụ thể các trạng thái tình cảm, cảm xúc của anh đội viên.
Có thể thấy bài thơ đã thể hiện được tấm lòng yêu thương của Bác đối với nhân dân. Đồng thời cũng khẳng định sự kính trọng, tình yêu mà nhân dân, cụ thể ở đây là người chiến sĩ dành cho Bác. Chính những điều đó đã góp phần tác động vào tư tưởng, tình cảm của độc giả, khiến cho tác phẩm có sức hút mãi cho đến ngày nay.
Theo Tapchivanhoc.com