Giải thích Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng – Bài viết số 6 lớp 7 đề 2

Ca dao tục ngữ từ xưa đến nay vẫn luôn là những bài học vô cùng quý báu mà ông cha ta đúc kết để lại cho con cháu. Chúng không cũ đi, mà vẫn luôn có giá trị trong cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Có những câu ca dao khuyên bảo chúng ta cần phải biết yêu thương gia đình, có những câu cao dao khuyên chúng ta phải biết yêu đất nước, cả dân tộc phải biết đoàn kết. Câu cao dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” là một bài ca dao về chủ đề tình yêu quê hương đất nước. Bài ca dao khuyên chúng ta phải biết yêu thương đùm bọc đồng bào của mình, dù không có quan hệ huyết thống, nhưng để là con rồng cháu tiên, cùng chung một nguồn gốc, cùng sống trong một bờ cõi. Dưới đây là bài hướng dẫn làm bài viết số 6 lớp 7 đề 2: Giải thích câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Hi vọng các bạn sẽ có thêm những ý hay cho bài viết của mình.

BÀI VĂN MẪU GIẢI THÍCH “NHIỄU ĐIỀU PHỦ LẤY GIÁ GƯƠNG/ NGƯỜI TRONG MỘT NƯỚC PHẢI THƯƠNG NHAU CÙNG”

Truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau là một trong những đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta từ xưa đến nay. Truyền thống ấy ngày càng được phát huy, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước. Hiểu được giá trị của tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, ông cha ta đã khuyên con cháu câu ca dao giàu ý nghĩa:

  • “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
  • Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu ca dao ngắn gọn, súc tích mà giàu tính giáo dục. Vậy “Nhiễu điều” là gì. Nhiễu điều là một loại vải màu đỏ có màu sắc rực rỡ và được dùng trong những ngày lễ trang trọng. Giá gương là một vật dụng làm bằng gỗ, được chạm khắc cầu lì, sơn son thếp vàng, dùng để đỡ cho bức ảnh của người đi trước, đặt trên bàn thờ trong mỗi gia đình. Tấm vải lụa màu đỏ phủ lên giá gương, thể hiện sự che chở bảo vệ, giữ gìn với một tấm lòng thành kính, thiêng liêng. Có mảnh vải lụa phủ lên giá gương sẽ trang trọng hơn và gia gương cũng tôn lên vẻ đẹp của tấm nhiễu điều. Mượn hai hình ảnh “nhiễu điều” và “giá gương”, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu phải biết yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống. Chúng ta phải sống bằng lòng vị tha, nhân ái những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Vì sao lại vậy? Bởi tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đã thấm nhuần trong trái tim và khối óc của mỗi người dân đất Việt. Năm mươi tư dân tộc anh em cùng sinh sống trên một dải đất hình chữ S, đều có chung cội nguồn Con Rồng cháu Tiên, cùng được sinh ra trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Vì vậy phải biết yêu thương lẫn nhau bằng một trái tim nhân hậu, vị tha.

Xem thêm:  Kể lại chuyện mình (hoặc một bạn) từng mắc lỗi

Thực tế cho ta thấy điều này là hoàn toàn đúng đắn. Từ xưa đến nay, nhân dân ta đã có tinh thần đoàn kết vô cùng to lớn. Trong rất nhiều các cuộc kháng chiến, nhân dân ta phải đối mặt với những kẻ thù mạnh hơn, tàn ác hơn gấp nhiều lần. Nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sự mưu trí, dũng cảm, mà sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, rồi đến những kẻ thù từ phương Tây với những vũ khí tối tân, hiện đại, chúng ta vẫn là một nước tự do, độc lập. Chỉ với những gậy gốc. Rồi những năm kháng chiến gian khổ, mọi hoạt động đều tập trung tại Việt Bắc. Nếu không có sự giúp đỡ của đồng bào và người dân nơi mảnh đất ấy, làm sao kháng chiến có thể thành công, làm sao chúng ta có thể giành được độc lập.

Ngày nay, trong thời đại hòa bình, tinh thần đoàn kết ấy vẫn luôn luôn sáng mãi trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy đau khi nhìn thấy những đồng bào miền Trung gặp bão lũ. Chúng ta vẫn hết lòng quan tâm, chăm lo cho những người già neo đơn, những em  nhỏ cơ nhỡ, những người khó khăn xung quanh ta. Chia sẻ khó khăn với người khác khiến cho chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, mọi người cũng thêm xích lại gần nhau hơn. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi. Ai rồi cũng cần người khác giúp đỡ, dù là về vật  chất hay tinh thần. Vì vậy, hãy cứ cho đi khi có thể. Rồi một ngày bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì bạn cho đi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài hát trong đó có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”

Đoàn kết, yêu thương tạo ra sức mạnh tập thể vô cùng to lớn. Chẳng thế mà chỉ với giáo mác gậy gộc, chúng ta chiến thắng được những đế quốc vô cùng hùng mạnh, tàn ác. Chính lòng yêu thương, sự sẻ chia của những người xung quanh khiến những người có hoàn cảnh khó khăn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, ấm áp hơn bao giờ hết. Nhờ những tấm lòng, em bé vùng cao có áo ấm, được học cái chữ, được học điều hay. Nhờ những tấm lòng, những cụ già neo đơn không còn phải cô đơn một mình nữa. Nhờ những tấm lòng, kết nối những yêu thương. Những chương trình vô cùng có ý nghĩa như “ Áo ấm vùng cao”, “Trung thu cho em”, “ Tết trọn vẹn” đã giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn có được một cuộc sống tốt hơn, và quan trọng hơn, là giúp họ nhận được những sẻ chia, ấm áp của tình người.

Lời khuyên của ông cha ta trong câu ca dao đã trở thành truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó ngày càng được phát huy, nhân rộng không chỉ trong phạm vi một nước mà còn lan toả ra toàn xã hội. Tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” là nguồn gốc để xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp, đúng như lời mong ước của Bác. Thấm nhuần lời dạy, mỗi chúng ta phải có ý thức rèn luyện và tích cực tham gia các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Sự giúp đỡ đó phải xuất phát từ lòng chân thành chứ không phải là thái độ làm ơn bố thí. Người được giúp đỡ cũng không được ỷ lại, phải chủ động vượt qua khó khăn, vượt lên làm chủ cuộc sống.

Xem thêm:  Viết thư gửi một người bạn ở xa.

Tuy nhiên, vẫn còn có những người thờ ơ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Đó là khi chúng ta nhìn thấy người đi đường bị đổ xe nhưng không ai chịu dừng lại vài phút để giúp. Hay những cánh tay xua đuổi những em bé ăn xin tội nghiệp. Người ta ngày càng ích kỉ, chỉ biết bo bo giữ mình, sợ bị lừa, sợ bị thiệt. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là số ít người trong xã hội mà thôi. Hãy thử nghĩ mà xem, chúng ta sống một cuộc sống mà chỉ biết mình, thì sẽ buồn chán, tẻ nhạt đến thế nào? Không chỉ thế, xã hội không có sự giúp đỡ, sẽ thụt lùi, chậm phát triển. Thật là một hậu quả đáng sợ, đáng suy ngẫm.

Bác Hồ của chúng ta đã từng nói: “Non sông Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi.”. Hãy luôn nhớ rằng dân tộc ta luôn là một thể thống nhất, dù có khác nhau về ngôn ngữ, nhưng 54 dân tộc vẫn là anh em, vẫn luôn phải đoàn kết để cùng nhau giữ gìn và phát triển đất nước.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 7 ĐỀ 2: GIẢI THÍCH “NHIỄU ĐIỀU PHỦ LẤY GIÁ GƯƠNG/ NGƯỜI TRONG MỘT NƯỚC PHẢI THƯƠNG NHAU CÙNG”

Kho tàng văn học Việt Nam như được tiếp thêm một dòng nước mát từ những câu ca dao mang nặng nghĩa tình. Đó không chỉ là tấm lòng mà còn là lời nhắc nhở của người đi trước về đạo lí làm người cho con cháu mai sau. Truyền thống yêu thương đùm bọc lẫn nhau được ca dao truyền tải một cách thật sâu sắc mà cũng thật gần gũi biết bao:

  • “Nhiễu điều phủ lấy giá gương

  • Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu ca dao giản dị, mộc mạc mà đã mang trong đó sức nặng của nghĩa tình và đạo lí. “Nhiễu” là tấm vải tơ đẹp, “điều” là màu đỏ. “Nhiễu điều” ám chỉ tấm vải đẹp và quý màu đỏ thường được phủ lên những đồ vật quý, lên bàn thờ tổ tiên một cách đầy trang trọng. “Giá gương” là tấm giá gỗ đỡ tấm gương để gương trở nên đẹp hơn, trân quý hơn.  “Nhiễu điều” thường được phủ lên “giá gương”, chúng luôn đi liền với nhau tạo mối quan hệ khăng khít, gắn bó. Mượn những hình ảnh đẹp và đầy trang trọng, câu ca dao đã gợi lên mối quan hệ nghĩa tình, đùm bọc sẻ chia của con người với con người, đồng thời nhắc nhở chúng ta về những người trong một nước, những người đang bên cạnh nhau cần phải biết yêu thương và săn sóc nhau như cách tấm vải nhiễu được phủ lên giá gương.

Xem thêm:  So sánh nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Để thấy rõ được sự hồi sinh thức tỉnh vượt qua những ngày tháng dài sống trong tăm tối

Tại sao người trong một nước phải thương nhau? Bởi vì chúng ta có chung một gốc gác, cùng là con Lạc cháu Hồng, cùng được mẹ Âu Cơ sinh ra từ bọc trăm trứng, đã cùng nhau trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Để rồi hôm nay, chúng ta – những người con của đất Việt, lại cùng nhau chung tay xây dựng tổ quốc. Vì thế, hơn tất cả, mỗi người cần ý thức được bổn phận và trách nhiệm của bản thân là phải giúp đỡ, nâng bước những người xung quanh vì chúng ta cùng là anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Không những thế, đùm bọc lẫn nhau trong lúc gian truân vất vả chính là một đạo lí tốt đẹp của dân tộc. Ta cùng nhau chia sẻ từng miếng ăn trong cái đói cận kề, cùng “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” những năm kháng Pháp, cùng cầm tay nhau nắm chặt bàn tay để vượt qua cơn sốt rét rừng hành hạ… Có thể nói rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, gia đoạn nào, đao lí tốt đẹp ấy cũng trở thành lẽ sống của tất cả những người con của đất Việt kính yêu.

Thấm nhuần tư tưởng đạo lí đó, mỗi chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân, phải biết yêu thương đồng loại, biết mở rộng vòng tay che chở cho những kiếp người khốn khó, hãy đưa tay đón lấy những mảnh đời bất hạnh vì đó là lúc họ cần ta nhất. Cứ cho đi rồi ta cũng sẽ được nhận lại nhiều hơn thế. Tất nhiên sự giúp đỡ đó phải xuất phát từ một trái tim chân thành và tự nguyện. Có như thế, cuộc sống này mới thật đáng sống, và con người mới thấy cuộc đời này ý nghĩa biết bao.

Tuy nhiên, được người khác giúp đỡ không có nghĩa là sinh ra thói ỷ lại, lười nhác, chỉ cầu vào sự thương hại của những người xung quanh. Hành động đó không những biến ta thành con người đáng thương mà thật sự còn khiến ta dễ gục ngã trước những biến cố của cuộc đời dù là nhỏ nhặt nhất.

Là một học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, là mầm non tương lai của đất nước, mỗi người chúng ta cần phải trau dồi những phẩm chất đạo lí đó để trở thành con người có ích cho xã hội sau này.

Nguồn Internet

Check Also

thaohuyen3 5223722 1024x682 1 310x165 - Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Vốn sống của nhân dân ta một phần dựa vào kinh nghiệm được đúc kết …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *