Đất nước chúng ta, từ thời khai sinh đến nay, được nuôi dưỡng nhờ những hạt gạo hạt lúa, những thức quà của nông thôn. Một nền văn minh nông nghiệp đã đi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của con người Việt Nam, để rồi hóa thân vào cả những câu ca dao tục ngữ. Có những con người bình dị dành cả cuộc đời bên mảnh ao, cánh đồng, bờ ruộng, họ “trông trời, trông đất, trông mây” để làm lụng cho cuộc sống, “trông cho chân cứng đá mềm” để đối diện với cuộc đời. Những câu tục ngữ trở thành đúc kết cho những kinh nghiệm để người nông dân mưu sinh. Giải thích câu tục ngữ “Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”, các bạn cần chú ý cắt nghĩa từng từ một, để tìm ra ý nghĩa sâu xa của cả câu. Để bài viết sâu sắc, bạn cần giải thích vì sao “nhất canh trì”, “nhị canh viên”, “tam canh điền”. Câu tục ngữ ấy giúp cho đời sống của người nông dân tốt đẹp hơn thế nào? Có ý nghĩa thế nào với cả dòng chảy của văn học dân gian? Các bạn hãy cố gắng vận dụng kiến thức của bản thân để lí giải nhé. Chúc các bạn thành công!
BÀI VĂN MẪU GIẢI THÍCH CÂU TỤC NGỮ NHẤT CANH TRÌ NHỊ CANH VIÊN TAM CANH ĐIỀN LỚP 7
Dân tộc Việt Nam ta lớn lên cùng với những câu ca dao tục ngữ, nó trở thành mạch nguồn trong trẻo nuôi dưỡng tâm hồn con người. Nếu những câu ca dao bồi đắp cho cảm xúc bên trong, thì những câu tục ngữ lại đúc rút ra cho chúng ta những kinh nghiệm ngàn đời. “Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền” là một câu tục ngữ như thế.
Khi đã được đúc rút thành tục ngữ, đó sẽ phải là những kinh nghiệm quý báu nhất, chính xác nhất mà ông cha ta dành bao đời để làm nên. Dù ở bất cứ nơi đâu, hoạt động sản xuất vẫn được chú ý coi trọng nhất. Câu tục ngữ “nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền” là kinh nghiệm về những nghề phổ biến ở nước ta, nghề nào mang lại lợi nhuận cao nhất. Với người nông dân, đây thực sự là một bài học quý giá.
“Nhất canh trì” tức là, thứ nhất vẫn là nghề nuôi cá. Không phải là làm ruộng hay trồng trọt, nghề nuôi cá đem lại cho người nông dân lợi nhuận cao nhất mà không tốn nhiều sức lực. Chỉ cần có một cái ao để thả cá, đi chọn những giống cá mới đem lại nhiều năng suất là người nông dân đã có thể thu hoạch. Không cần phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người nông dân bớt đi được phần nào vất vả. Những nghề trồng rau gặt lúa, đôi khi còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhưng nuôi cá thì việc bị tổn hao là rất ít. Bởi vậy mà không phải ngẫu nhiên ông cha ta đúc rút: nhất canh trì.
Kinh nghiệm thứ hai là “nhị canh viên”, tức là nghề trồng trọt. Trồng những loại cây như cây ăn quả, cây công nghiệp cũng luôn đem lại cho người nông dân lợi nhuận lớn. Bởi chúng ta có được sự hậu thuẫn từ thiên nhiên với khí hậu nhiệt đới bốn mùa luân chuyển, mỗi mùa lại một thức quả. Có điều muốn giữ cho cây trái được đến ngày thu hoạch, lại cần người nông dân phải chịu khó chăm bón, phải tự đúc rút ra những kinh nghiệm cho riêng mình. Có như vậy, hoa trái mới không bị phá hoại. Việt Nam chúng ta giờ đây mạnh khi xuất khẩu hoa quả sang nước ngoài, đời sống người dân cũng đủ đầy hơn. Nhưng đau lòng khi bắt gặp những loại quả bị tiêm hoá chất đến biến đổi hoàn toàn, khiến cho chính chúng ta còn phải né tránh. Bởi vậy mà “canh viên” cũng vẫn xếp sau “canh trì”
Cuối cùng, chúng ta vẫn không thể không nhắc đến “canh điền”. Việt Nam chúng ta vốn có nền văn minh lúa nước lâu đời, dù xã hội có phát triển đến đâu, ta vẫn giữ lại một góc nhỏ cho nghề làm nông ấy. Bởi chỉ có cây lúa hạt gạo mới nuôi sống được con người, và đức tính của người Việt lại là cần cù chăm chỉ. Nhưng trồng lúa, người nông dân phải chịu nhiều vất vả, lợi nhuận có khi không được như mong muốn. Bão lũ hay hạn hán đi qua, lại quét sạch công sức của người lao động. Bởi vậy mà trồng lúa cũng chỉ được xếp thứ ba.
Câu tục ngữ thực sự đã đúc kết lại kinh nghiệm quý báu của ông cha ta từ ngàn đời này. Đó là bài học về lao động, muốn lao động cũng phải chọn nghề để làm. Đến bây giờ, câu tục ngữ vẫn chưa hết giá trị. Người nông dân vẫn đi theo những chỉ dẫn ấy, vẫn để nghề nuôi cá lên hàng đầu, và luôn mang lại những lợi nhuận cao. Tôi tin rằng, dù xã hội có phát triển đến thế nào, sẽ chẳng có gì thay thế được những kinh nghiệm ấy. Tiến bộ khoa học kĩ thuật sẽ bồi đắp thêm cho những kinh nghiệm của cha ông trở nên có giá trị hơn.
Hãy yêu lấy những câu ca dao tục ngữ, đó là huyết quản, là mạch nguồn chảy trong tâm trí mỗi người. Đừng tưởng nó là lạc hậu, bởi lẽ không có những kinh nghiệm ấy, chưa chắc đã có một xã hội hiện đại ngày hôm nay. Không gì có thể tồn tại trong môi trường chân không, ngày hôm nay chắc chắn phải là sự phôi thai từ ngày hôm qua.
Nguồn Internet