Người ta thường nói văn học làm nên văn hóa quả không sai. Mỗi đất nước đều có đặc trưng riêng về nền văn học. Còn nước Việt Nam ta từ thủa xa xưa đã quen thuộc với bao câu ca dao tục ngữ đúc kết về kinh nghiệm sống, về bài học làm người giản dị mà sâu sắc. Được tạo nên chỉ bởi một vài từ ngữ súc tích nhưng những câu tục ngữ của người Việt luôn bao hàm nhiều ý nghĩa thâm thúy và sâu xa. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 7, các bạn sẽ bắt gặp đề bài giải thích nhiễu điều phủ lấy giá gương. Đây là dạng bài lập luận giải thích phổ biến yêu cầu người viết phải có hiểu biết về câu tục ngữ để diễn giải ý nghĩa sao cho chính xác. Vì hầu hết những câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng lại được nói bằng hình ảnh ẩn dụ nên khi giải thích người viết cần cắt nghĩa ẩn dụ ra nghĩa thực một cách rõ ràng. Thêm vào đó, người viết cũng cần đặt ra các câu hỏi như “tại sao” và “cần phải làm gì” để bài văn thêm sâu sắc. Dưới đây là dàn ý chi tiết cho đề bài trên để các bạn tham khảo. Chúc các bạn thành công!
DÀN Ý CHI TIẾT HƯỚNG DẪN LÀM BÀI VĂN GIẢI THÍCH NHIỄU ĐIỀU PHỦ LẤY GIÁ GƯƠNG LỚP 7
I/ Mở bài
- Dẫn dắt giới thiệu về câu tục ngữ cần giải thích
Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam vô cùng giàu đẹp và phong phú. Để nói về lòng thương người, sự giúp đỡ san sẻ trong cuộc sống thì ông cha ta có câu ca dao “ Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Và câu tục ngữ “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương” cũng có hàm ý tương tự như thế.
II/ Thân bài
a. Giải thích
- Nhiễu là thứ vải tơ đẹp, điều là màu đỏ. Nhiễu điều là thứ vải quý,mềm mịn, màu đỏ mang vẻ đẹp quý phái và sang trọng. Chúng thường được dùng để may áo đẹp hay để lót những vật quý.
- Giá gương là vật dụng trong mỗi gia đình được thợ thủ công chạm khắc để đỡ chiếc gương soi.
- Tấm vải lụa đỏ và chiếc giá gương tưởng không liên quan gì đến nhau nhưng khi ta phủ tấm lụa lên giá gương thì chiếc gương sẽ không bị bám phải bụi bẩn và không bị hoen ố.
- Nghĩa bóng: “Nhiễu điều” và “giá gương” là hình ảnh ẩn dụ cho những con người trong cuộc sống. Là người thì phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Như “ nhiễu điều phủ lấy giá gương”, con người cũng phải biết san sẻ, đùm bọc, che chở và đoàn kết với nhau.
b. Tại sao phải sống đoàn kết, đùm bọc che chở?
- Bởi đó là truyền thống đạo lý của ông cha ta từ ngàn đời nay.
- “ Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, có đoàn kết thì mới tạo lên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn.
- Yêu người cũng chính là yêu mình, giúp đỡ cưu mang những người hoạn nạn cũng chính là sự cứu rỗi trái tim mình. Như vậy yêu thương, sẻ chia là nguồn gốc của hạnh phúc.
- Cho đi cũng là nhận lại. Ta mở rộng tấm lòng yêu thương, bao dung với người khác thì ta sẽ nhận lại được trái tim thanh thản và sự yêu mến kính trọng từ mọi người.
- Xưa kia vua Trần Nhân Tông trong một chuyến đi thăm quân sĩ đã cởi áo bào khoác cho một người lính giữa đêm đông lạnh giá.
- Yêu thương ngày nay được định nghĩa một cách đơn giản hơn. Một cái nắm tay động viên khi bạn bè gặp thất bại, một nắm xôi sáng nóng hổi cho đứa bé đói rét bên đường, một tờ báo cho đứa bé dầu mưa dãi nắng để mưu sinh… những hành động nhỏ nhưng mang cả trái tim ấm áp.
- Ngày nay nhiều chương trình như “ Cặp lá yêu thương”, “Trái tim cho em” hay “ Vì bạn xứng đáng” được tổ chức để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là phương tiện để lan tỏa tình yêu thương.
c. Cần phải làm gì để thực hiện bài học đó?
- Cần mở rộng trái tim đồng cảm với mọi người xung quanh.
- Phê phán lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu tình thương, không biết quan tâm chia sẻ giúp đỡ người khác. Đó là biểu hiện của con người ích kỉ, chỉ nghĩ tới bản thân mình.
III/ Kết bài
- Nêu suy nghĩ về câu tục ngữ
Để thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, để tình yêu thương được san sẻ tới với tất cả mọi người, các bạn cần hành động ngay từ hôm nay. Tôi đã sẵn sàng, còn các bạn thì sao?
Mabt79_ Tapchivanhoc.com
Nguồn Internet