Đề bài: Cảm nhận của em sau khi đọc bài “Thái sư Trần Thủ Độ” trích Đại Việt sử kí toàn thư tác giả Ngô Sĩ Liên.
Một nhà chính trị Đại Việt thời cuối nhà Lý đầu nhà Trần, ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần. Ông là Trần Thủ Độ, có thể coi Trần Thủ Độ ông là người khai quốc công thần, là trụ cột của nhà Trần. Có rất nhiều bài viết, viết về con người ông, viết về gia đình và viết về công lao của ông trong triều đại nhà Trần cũng như công lao của ông đối với đất nước. Trong đó tiêu biểu là tác phẩm Đại Việt sử kí toàn sư của Ngô Sĩ Liên. Qua đoạn trích “ Thái sư Trần Thủ Độ”, Ngô Sĩ Liên đã thể hiện trọn vẹn con người của Trần Thủ Độ ở từ chốn quan trường cho tới các quan hệ xã hội, gia đình.
Ngô Sĩ Liên mở đầu bài sử, ông dùng sự trang nghiêm, tôn kính để thông báo về cái chết của Thái sư Trần Thủ Độ, cái chết của ông là sự mất mát to lớn đối với dân tộc ta:
“Giáp Tí, năm thứ bảy
Mùa xuân, tháng giêng.
Thái sư Trần Thủ Độ chết, truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương.”
Qua các tình huống mà Ngô Sĩ Liên đã chọn để làm rõ con người thật của Thái sư cho dù là người không quen biết hay chưa từng gặp mặt ông cũng sẽ hiểu rõ Thái sư Trần Thủ Độ là con người như thế nào.
Ở vào tình huống thứ nhất, với cách xử lí tài tình của Thái sư đã giúp cho mâu thuẫn của ông và vua Thái Tông được hòa giải nếu như ông không biết cách xử lí còn có thể dẫn đến những hậu quả hết sức khôn lường. Vì lúc này vua còn trẻ nên mọi việc triều chính hầu hết là do ông tiếp quản và xử lí nên người hặc đã sợ ông sẽ cướp nước hoặc cũng có thể một tay che trời để làm nhiều việc xấu bán nước hại dân. Vua lập tức dẫn người tới nhà Thái sư để hỏi rõ ngọn ngành xem xét sự việc ra sao. Thì trái với những gì nhà vua và người hặc đó nghĩ, rằng Thái sư sẽ chối tội, sẽ nổi giận trị tội người hặc kia. Nhưng Thái sư đã làm ngược lại điều đó làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên. Khi nghe nhà vua hỏi xong Thái sư đầu tiên ông nhận lỗi “ đúng như lời người ấy nói”. Rồi ông tiếp tục đưa mọi người từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông lấy tiền thưởng cho người kia. Vào ở tình huống thứ nhất, mẫu thuẫn của ông với vua được giải quyết nhanh chóng và nhanh chóng dứt khoát. Sự khác thường của ông không phải là sự dị biệt, mà đó chính là “cây ngay không sợ chết đứng” cho thấy ông là người thẳng thắn, thật thà, chính trực thừa nhận lỗi lầm của mình, không ghen ghét, thù hận người khác đã vạch tội bản thân mà còn khích lệ tặng thưởng động viên cho người vạch tội. Người có quyền cao, chức trọng, có quyền cao hơn cả vua mà làm sai thì cũng không nên vì thế mà nịnh nọt vào hùa với nhau kết bè kéo phái. Nhưng với ông thì ông chỉ làm vậy với người có ý tốt, không lợi dụng, khiêu khích việc này làm tổn hại đến đất nước.
Ngô Sĩ Liên đã chọn một khía cạnh gần gũi hơn- đó là gia đình ở tình huống thứ hai để xem Thái sư là người thế nào với mối quan hệ với gia đình. Vợ ông chính là Linh Từ Quốc Mẫu bà vốn là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, nhưng sau khi nhà Lý sụp đổ nhà Trần thành lập thì bà được tôn phong làm Thiên Cực công chúa, rồi tán hôn với Trần Thủ Độ. Tình huống là trong một lần bà ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu- một chức quan võ nhỏ, lại đứng ra ngăn cản, nhất quyết không cho bà đi qua. Về tới nhà bà nói với Thái sư bà vừa khóc lóc vừa kể tội viên quan nhỏ kia là không tôn trọng khinh thường bà. Thái sư nghe xong thì tức giận, sai người lập tức đi bắt giải viên quan đó tới. Người quân hiệu đó sợ hãi, lần này mình chết chắc rồi.Vẻ mặt lúc bị bắt đi thì hoang mang sợ hãi nhưng đến lúc về thì vẻ mặt anh ta rạng ngời, hớn hở làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên. Đó là khi hỏi rõ ngọn ngành Thái sư Trần Thủ độ đã khen là “ người ở chức thấp mà biết giữ phép tắc như thế, ta còn trách gì nữa” còn thưởng thêm vàng lụa. Ông không vì người đó là vợ mình mà thiên vị xử phạt người đó cho thấy ông là người liêm minh chính trực, công tư phân minh tôn trọng kỉ cương phép nước, không vì mình chức cao hơn mà hách dịch với cấp dưới hơn mà ông còn tôn trọng, động viên những người luôn làm đúng phép nước dù cho người đó làm chức cao hay thấp hay kể cả những người lính nhỏ bé.
Ở tình huống thứ ba- là tình huống phu nhân của ông muốn xin cho một người họ hàng làm chức quan nhỏ- chức câu đương, một chức dịch trong xã và lo việc bắt giữ và áp giải phạm nhân. Thái sư không cần suy nghĩ mà gật đầu ngay lập tức, lấy giấy bút ra để biên lấy họ tên quên quán của người đó. Hắn thật sự bất ngờ ngạc nhiên, trong đầu suy nghĩ chẳng lẽ Thái sư Trần Thủ Độ chỉ được vẻ bề ngoài công minh chính trực ngay thẳng chứ thực ra cũng giống như các vị quan quyền cao chức trọng thối nát như trước kia. Đúng là “ một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhưng khi Thái sư nói “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Đó là cái kết khiến mọi người thán phục khen ngợi Thái sư với cách xử lí để răn đe, làm gương cho những người có ý là nhờ vả người thân làm quan để được thơm lây. Với cách xử lí đó Thái sư vừa không làm mất lòng vợ mình mà lại vừa giữ được trọng trách của mình đối với đất nước. Mặt khác ở tình huống này còn cho chúng ta thấy được ông luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên đầu, công bằng, minh bạch, tài trí hơn người, không chấp nhận thói xu nịnh hót, biếu xén để được làm quan kể cả đó là người thân, họ hàng.
Ngô Sĩ Liên ông đã cho chúng ta thấy con người thật của Thái sư còn thông qua tình huống thứ tư, tình huống cao trào và đặc sắc khi mà vua Thái Tông đề nghị phong tướng cho anh trai của Thái sư là An Quốc. Ông đã không chút suy nghĩ mà nói rằng: “An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, còn như cho thần là người hiền hơn An Quốc thì không nên cứ An Quốc. Nếu anh em cùng làm tướng trong triều thì sẽ ra sao?”. Với tài trí, suy tính trước sau hơn người, ông đã suy xét rằng nếu để hai anh em cùng làm tướng trong triều sẽ không ít những hoài nghi, dị nghị và trong triều ắt hẳn nội bộ sẽ lục đục. Cho chúng ta thấy được sự tài trí thao lược, công tư phân minh, thẳng thắn, chính trực của Thái sư Trần Thủ Độ.
Chúng ta thấy được qua bốn tình huống cái hay là những xung đột kịch tính có lúc lên đến đỉnh điểm với những cách giải quyết tình huống mang tính triệt để, nhanh gọn đầy bất ngờ làm cho người đọc đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác làm nổi bật tính cách của Thái sư. Đó là một người thanh liêm chính trực, chí công vô tư, công tư phân minh, thằng thắn, tài trí hơn người vì dân vì nước. Với nghệ thuật kể chuyện và khắc họa nhân vật của Ngô Sĩ Liên tài tình, giàu ngôn ngữ, với những chi tiết hết sức đắt giá. Thái sư Trần Thủ Độ không để cho gia đình mình vì trong nhà có người làm quan mà được hách dịch hay là nhờ vả để được làm quan. Ông ý thức được trách nhiệm của mình nên ông luôn dẫn đầu làm gương để mọi người noi theo, luôn hành xử theo khuôn phép và đúng đắn.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên là một nhà sử học tinh tế, ông đã chọn những chi tiết đắt giá để người đọc chỉ cần đọc đoạn trích “Thái sư Trần Thủ Độ” là đã hiểu tính cách và con người của Thái sư thẳng thắn, công tư phân minh, xử lí các mâu thuẫn bằng sự thông minh nhanh nhẹn của mình. Ông có công rất lớn trong việc thành lập nhà Trần và gìn giữ nhà Trần để đến ngày hôm nay các thế hệ sau muôn đời ghi nhớ công ơn.