Cảm nghĩ về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ
Bài thơ “ Đêm nay Bác không ngủ” có thể coi là hiện tượng thi sỹ bất hủ chỉ với một tác phẩm văn chương. Minh Huệ sáng tác không nhiều, nhưng chỉ với một “Đêm nay Bác không ngủ”, người đọc đã nhớ mãi tên ông! Bài thơ là một thành công xuất sắc khi đã tái hiện được hình tượng Bác Hồ – một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi, thân thương, dành trọn tình yêu thương mênh mông của mình cho những chiến sỹ bộ đội, dân công, cho nhân dân Việt Nam!
Bài thơ “ Đêm nay Bác không ngủ” có thể coi là hiện tượng thi sỹ bất hủ chỉ với một tác phẩm văn chương. Minh Huệ sáng tác không nhiều, nhưng chỉ với một “Đêm nay Bác không ngủ”, người đọc đã nhớ mãi tên ông! Bài thơ là một thành công xuất sắc khi đã tái hiện được hình tượng Bác Hồ – một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi, thân thương, dành trọn tình yêu thương mênh mông của mình cho những chiến sỹ bộ đội, dân công, cho nhân dân Việt Nam!
Đi tìm hiểu bài thơ người đọc càng ngạc nhiên hơn khi được biết Minh Huệ viết bài thơ này khi chưa một lần gặp Bác, mà chỉ nghe qua lời kể về Bác của một người bạn chiến đấu. Nhà thơ đã từng tâm sự về lý do viết bài thơ: “ Có bao giờ tôi quên được cái đêm mùa đông đầy xúc động bất ngờ ấy. Trong một căn nhà gianh ven sông Lam, quên cả gió buốt luồn qua phên nứa phả vào người, tôi ngồi say mê nghe câu chuyện của một người bạn cũ nay là một quân nhân vừa ở chiến dịch Biên Giới trở về. Chuyện anh kể là một câu chuyện đặc biệt mà cả hậu phương đang mong đợi: chuyện Bác Hồ đi chiến dịch. Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mặc dầu tuổi đã sáu mươi, vẫn mặc đồ lính, đội mũ nan, ăn cơm muối, lội suối, dầm sương, băng băng những dặm rừng Cao- Bắc – Lạng, trực tiếp chỉ huy chiến dịch lịch sử đầu tiên của cuộc kháng chiến. Trong cái không khí chiến thắng tưng bừng anh bạn mang về cho tôi, hình ảnh Bác Hồ hiện lên đẹp lạ lùng, ấm lạ lùng. Tôi uống từng lời của anh bạn…Thật ra, do cuộc gặp gỡ quá vội vàng, anh bạn chỉ kể lướt từ mẩu chuyện này sang mẩu chuyện khác, nhưng những chi tiết đơn sơ cũng đã đủ tạo nên cho tôi một ấn tượng sâu sắc về tấm lòng “người Cha thân yêu “ của quân đội, của dân công trong chiến dịch. Nào là đồng chí phục vụ đưa thịt gà rán mời Bác, Bác bảo đưa ngay cho các cháu thương binh, còn Bác chỉ ăn cơm muối rang mang theo trong ống tre; nào là mời Bác đi ngựa, Bác lại nhường cho cháu nào đau yếu, trong lúc chính bàn chân Bác đã sưng lên vì những dốc rừng giá buốt; nào là Bác hay kể chuyện vui, ngâm thơ, ra câu đó với các cán bộ cùng đi dọc đường hành quân; nào là… Thú thật, tôi xúc động đến giàn giụa nước mắt, không còn nhớ được thật rõ những chi tiết của cuối câu chuyện nữa.
…Sau khi chia tay lần cuối với anh bạn, tôi trở lại nhà, trong cái cảm giác rất mê và cũng rất tỉnh. Người cứ lâng lâng, chân bước như không còn tự chủ, nhưng trí óc nảy ra một nhận thức mới mẻ, nóng bỏng. Không phải Bác Hồ chỉ thức một đêm vì bộ đội và dân công trong một chiến dịch; Bác thức suốt một đời vì hạnh phúc của một dân tộc.Cái đêm Bác thức trong lán nhỏ đó có nghĩa là một đêm tượng trưng, một đêm của mội đêm “không ngủ” của Bác:
Bác không ngủ đêm nay…
Đêm nay Bác không ngủ…
Bác thức vì dân tộc…
Đột nhiên những tiếng thơ, có vẻ tình cờ đó dội lên rồi bám chặt vào hồn tôi như một mầm non nhú rễ trong đất. Vui sướng, thích thú đến lịm người, tôi sống cái giờ phút hồi hộp của người con gái khi cảm thấy những dấu hiệu làm mẹ đã bắt đầu xuất hiện trong con người mình. Tôi đi cho đến khi đầu va vào cái cổng tre thì mới biết đã về đến nhà trọ. Trên bàn, ngọn đèn đầu lạc vẫn đang đợi chủ. Mà lạ quá, ngọn đèn sao lại bùng lên như một ngọn lửa: ngọn lửa Bác Hồ. Quên thời gian và quên cả không gian nữa, tôi lấy sổ tay ghi lia lịa mải mê, ngòi bút lao đi trong một cảm giác thật bồi hồi và khoái trá. Ghi như thế nào? Ghi để làm gì? Chẳng kịp nghĩ tới nữa. Chỉ biết không ghi thì sẽ mất đi với thời gian những hạt ngọc của sự sống vĩ đại mà mình vừa lượm được. Những mẩu chuyện về Bác Hồ ra trận, không những cần cho hôm nay mà còn bổ ích cho mai sau. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy việc ghi đó là một trách nhiệm.
Cho đến khi ngòi bút đã chững lại, những cảm xúc cũng đã vơi đi ít nhiều, những chi tiết cạn dần, tôi mới đứng dậy, rồi cúi người xuống mặt bàn đọc. Và cũng đọc mải mê không kém gì lúc ghi. Càng đọc càng ngạc nhiên khi nhận ra mình đang làm thơ về Bác. Ngạc nhiên vì ý định làm thơ chưa hề nảy ra kể từ lúc nghe chuyện đến lúc cầm bút ghi. Nhưng rõ ràng là một bài thơ đã hiện ra rồi; một bài thơ năm chữ. Bài thơ kể chuyện khá dài nối tiếp mẩu này sang mẩu khác, thâu tóm không thiếu một chi tiết nào mà anh bạn truyền cho tôi. Trong đó lẫn cả cảm xúc, những lời ca ngợi, những lời bình luận, những cảm nghĩ về đạo đức cách mạng. Tất cả đều xoay quanh một ý chính: Bác Hồ có lòng thương yêu vô hạn đối với nhân dân và đấy là một lòng yêu thương vô vàn hết ức giản dị, ấm áp, cao đẹp, đã thành một sức mạnh chiến đấu cho nhân dân…”
Những lời kể chân thực của tác giả giúp ta hiểu hơn về cái gọi là nguồn cảm hứng của các nhà thơ, hiểu hơn quá trình sáng tác, lao động nghệ thuật của người nghệ sỹ. Đồng thời ta cũng càng thêm yêu quý, cảm phục Bác kính yêu!