Cảm nghĩ của em sau khi học xong Bài học đường đời đầu tiên
Hướng dẫn
Đoạn trích “Bài học đường đường đầu tiên” nói về hành trình trải nghiệm của Dế Mèn, qua những sự cố đầu đời Dế Mèn đã rút ra nhiều bài học đáng quý. Trình bày cảm nghĩ của em sau khi học xong Bài học đường đời đầu tiên.
-
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tô Hoài và tác phẩm “Bài học đường đời đầu tiên”: Tác phẩm nổi tiếng “Dế Mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài đã thu hút người đọc ngay từ khi mới ra đời và được trẻ thơ Việt Nam mến mộ. Trong đó chương I của tác phẩm “Bài học đường đời đầu tiên” được yêu thích nhất
2. Thân bài
-Cảm nghĩ về hình ảnh chú Dế Mèn:
+ Chú rất thoải mái vì được sống tự do, thỏa mãn tính hiếu động của mình
+ Chú sục sạo khắp nơi, xem xét chỗ ở nơi hang của mình, rồi cao hứng gáy lên mấy tiếng rõ to như thể hiện cho cuộc sống độc lập tự do của mình, đồng thời gửi lời chào đến những cư dân của vùng đầm nước ấy
-Cảm nghĩ về hành động và tính cách của Dế Mèn:
+ Tuy chú còn non nhưng lại chăm làm, cần cù và lao động thực thụ, bản tính lo xa như các cụ già trong họ, quả là đáng khâm phục.
+ Bên cạnh việc chăm làm Mèn còn không ngừng luyện tập để trở thành một chàng dế cường tráng, oai vệ.
-Cảm nghĩ về Dế Mèn khi mắc sai lầm:
+ Với tính cách ấy đã biến chú trở thành một kẻ đáng ghét, đỉnh điểm là chuyện Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết thê thảm của Dế Choắt.
+ Nhà văn đã rất tinh tế và tỉ mỉ miêu tả diễn biến thái độ và tâm lý của nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt, để lại những ấn tượng mạnh về nhân vật của mình
-Cảm nghĩ về bài học rút ra từ tác phẩm:
+ Cái chết của Dế Choắt làm cho Dế Mèn tỉnh ngộ, nhận ra sự xấu xa tai hại của mình, sự ngông cuồng và ngu dại.
+ Chính lời trăng trối của Dế Choắt là bài học sâu sắc và cũng là bài học đầu tiên trong cuộc đời Dế Mèn
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của tác phẩm: Thông qua hình ảnh chú Dế Mèn, những tính cách và tâm tư tình cảm của Dế Mèn, nhà văn Tô Hoài đã khéo léo nói lên bài học về cách sống, không nên ngông cuồng mà làm những việc ngu dại, phải biết tự trọng và nghiêm khắc trước thiếu sót của mình. Đó là một bài học đạo lý nhẹ nhàng, sâu sắc và thấm thía.
II. Bài tham khảo
Tác phẩm nổi tiếng “Dế Mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài đã thu hút người đọc ngay từ khi mới ra đời và được trẻ thơ Việt Nam mến mộ. Trong đó chương I của tác phẩm “Bài học đường đời đầu tiên” được yêu thích nhất, đoạn trích kể về một chú Dế Mèn có ý thức tự lập, bản lĩnh và mạnh mẽ tuy nhiên cũng không tránh khỏi sự ngông cuồng của tuổi trẻ, và chính từ sự ngông cuồng ấy là sự ân hận suốt đời của Dế Mèn.
Chỉ sau ba ngày chào đời, Dễ Mèn đã rời xa mẹ, không sợ không buồn mà trái lại chú còn cảm ơn mẹ vì đã tạo điều kiện cho mình sống độc lập. Chú rất thoải mái vì được sống tự do, thỏa mãn tính hiếu động của mình, chú sục sạo khắp nơi, xem xét chỗ ở nơi hang của mình, rồi cao hứng gáy lên mấy tiếng rõ to như thể hiện cho cuộc sống độc lập tự do của mình, đồng thời gửi lời chào đến những cư dân của vùng đầm nước ấy. Bước vào cuộc sống đọc lập của riêng mình, Dế Mèn rất ham làm việc và ý thức làm việc rất chu đáo, làm suốt ngày cho tới tận tối mới nghỉ tay.
Tuy chú còn non nhưng lại chăm làm, cần cù và lao động thực thụ, bản tính lo xa như các cụ già trong họ, quả là đáng khâm phục. Bên cạnh việc chăm làm Mèn còn không ngừng luyện tập để trở thành một chàng dế cường tráng, oai vệ. Tác giả Tô Hoài đã miêu tả hình dáng, từng cử chỉ hành động của dế mèn thật sinh động và gần gũi với trẻ em. Cuộc sống ở xóm quanh bờ ruộng tuy rất vui vẻ và nhộn nhịp, lúc thì đàn hát, lúc thì nhảy múa nhưng đó chỉ là niềm vui đối với những tâm hồn ưa bình dị. Còn đối với Dế Mèn, vốn hiếu động và thích phóng khoáng, mạnh mẽ, cuộc sống ấy khiến chú nhàm chán dần, nỗi nhàm chán đơn điệu ấy đã thôi thúc Mèn tiến hành chuyến phiêu lưu. Sống nơi đầm nước Mèn ta chưa gặp ai tài giỏi hơn mình nên nảy sinh những tính cách khác thường, càng ngày chú càng cho mình là giỏi giang và là tay ghê gớm, sắp đứng đầu thiên hạ, ngày càng hung hăng và hống hách hơn.
Với tính cách ấy đã biến chú trở thành một kẻ đáng ghét, đỉnh điểm là chuyện Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết thê thảm của Dế Choắt. Nhà văn đã rất tinh tế và tỉ mỉ miêu tả diễn biến thái độ và tâm lý của nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt, để lại những ấn tượng mạnh về nhân vật của mình. Cái chết của Dế Choắt làm cho Dế Mèn tỉnh ngộ, nhận ra sự xấu xa tai hại của mình, sự ngông cuồng và ngu dại. Chính lời trăng trối của Dế Choắt là bài học sâu sắc và cũng là bài học đầu tiên trong cuộc đời Dế Mèn.
Thông qua hình ảnh chú Dế Mèn, những tính cách và tâm tư tình cảm của Dế Mèn, nhà văn Tô Hoài đã khéo léo nói lên bài học về cách sống, không nên ngông cuồng mà làm những việc ngu dại, phải biết tự trọng và nghiêm khắc trước thiếu sót của mình. Đó là một bài học đạo lý nhẹ nhàng, sâu sắc và thấm thía.
Theo Tapchivanhoc.com