Hình tượng người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp là đề tài thu hút nhiều bút lực. Đó là những con người dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho Tổ quốc. Vì thế nhiều nhà thơ đã viết về người lính ấy. Trong đó phải kể đến bài thơ Tây Tiến(1948) của Quang Dũng.
Tây Tiến là đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào…Quang Dũng chính là đại đội trưởng trong đơn vị đó. Chiến sĩ Tây Tiến phần lớn là thanh niên Hà Nội, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, những người chiến sĩ trẻ vẫn sống rất lạc quan, yêu đời và chiến đấu dũng cảm.
Viết về những người lính, Quang Dũng đã tạc nên bức tượng đài về người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp với hai vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn, hào hoa.
Bút pháp lãng mạn của nhà thơ có khuynh hướng tô đậm những khác thường và sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập nhằm tác động mạnh vào cảm quan của người đọc. Cái khác thường, cái đặc biệt cũng để khêu gợi trí tưởng tượng vốn là đặc trưng của cảm hứng lãng mạn.
Trong đoạn thơ đầu, hình tượng người lính Tây Tiến ẩn hiện trong bức tranh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ dữ dội. Nhắc tới hàng loạt các địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Lương, Mường HỊch… không theo trật tự nhất định nào cả, nó hiện về trong nỗi nhớ vơi đầy và ấn tượng về những chặng đường Tây Tiến đã phải hành quân nếm trải bao gian khổ, hy sinh.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường lát hoa về trong đêm hơi”
Người lính không chỉ mệt mỏi vì bị vùi lấp trong những đám mây mù dày đặc, mà còn phải trải qua bao núi dốc, rừng vô cùng hiểm ác:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Hình ảnh người lính khi đạt được độ cao như bay giữa mây ngàn, tâm hồn nhẹ lâng trút hết mọi mệt nhọc để phóng tầm mắt vào bốn phương ngắm nhìn “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ đã được phủ lên màn sương lãng mạn của những nốt nhạc, những vần thơ đầy tâm hồn người lính vượt lên cái khốc liệt của chiến tranh.
Trong chiến tranh, người lính phải chịu đựng gian khổ, hy sinh nhiều nhất nhưng qua cái nhìn của Quang Dũng nói về điều đó thật nhẹ nhàng
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Bởi dẫu thế nào thì người lính cũng hiểu rằng khi dấn thân là chấp nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Đó là vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến nói riêng và người lính trong các cuộc chiến tranh vệ quốc nói chung.
Và trong tâm hồn người lính chan chứa bao cảm xúc khi được sưởi ấm trong cuộc sống vui đầy, đầm ấm tình gia đình của nhân dân:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Tâm hồn như bốc men say ngây ngất, đâu đây dư âm của chiến tranh khốc liệt tạm lắng xuống và chỉ còn phút giây được sống trong hòa bình. Những vũ điệu,giai điệu xứ lạ đã đưa hồn thơ người chiến sĩ đến với những mộng mơ “ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
Hơn nửa thế kỷ qua đi nhưng bài thơ Tây Tiến vẫn mãi mãi khắc sâu trong tâm trí người đọc bức tượng đài thi ca về người lính bất tử. Hình ảnh người lính trong cả cõi sống và chết đều bi tráng, lãng mạn và hào hùng. Không chỉ ở người lính Tây Tiến mà còn là tinh thần, vẻ đẹp chung của hình tượng người lính trong suốt các cuộc trường chinh bảo vệ non sông đất nước.
Nguồn: Kênh văn học