Bình luận về bài thơ Không có việc gì khó – Bài văn của cô giáo Minh Anh chuyên văn

Bình luận về bài thơ Không có việc gì khó – Bài văn của cô giáo Minh Anh chuyên văn

Hướng dẫn

Đề bài: Bàn về sức mạnh của con người có thể chinh phục được mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, bài thơ “không có việc gì khó” đã thể hiện đầy chân thực về sức mạnh ý chí, nghị lực của con người, Dựa vào những hiểu biết của mình, em hãy bình luận về bài thơ:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển;

Quyết chí ắt làm nên”.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ và bình luận nội dung khái quát: Những câu thơ của Bác đã thể hiện rõ bài học đúng đắn về việc giữ vững lòng kiên trì, kiên định đối mặt với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.

2. Thân bài

– Ở hai câu thơ đầu tiên, Bác đã nhấn mạnh vai trò của lòng kiên trì và sự bền bỉ, giúp cho con người vượt qua mọi khó khăn thử thách.

+ Trong cuộc sống này điều đáng lo ngại nhất chính là thiếu đi sự kiên trì, bền bỉ và lòng quyết tâm.

+ Đề giành lại nền độc lập tự do và bảo vệ biên cương bờ cõi, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi cuộc kháng chiến trường kì.

+ Để tìm ra con đường giải phóng dân tộc, Bác đã trải qua hành trình hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước.

– Ở hai câu thơ tiếp theo, Bác Hồ tiếp tục nhấn mạnh sức mạnh của lòng quyết tâm, đặc biệt là chí khí “Quyết chí ắt làm nên”.

+ Để khẳng định ý nghĩa tồn tại của bản thân trong cuộc đời, mỗi một con người cần đối diện với những khó khăn và thử thách bẳng lòng kiên trì và sự quyết tâm.

+ Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị bại liệt đôi tay, nhưng với lòng kiên trì nhẫn nại, anh đã luyện viết bằng chân và cuối cùng đã làm nên kì tích về sự quyết tâm.

Xem thêm:  Soạn bài Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt lớp 10

– Đối lập với việc giữ vững lòng quyết tâm, việc dễ bỏ cuộc và nản chí, không kiên định sẽ dẫn đến thất bại.

3. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa của bài thơ và rút ra bài học kinh nghiệm: những câu thơ của Bác đã để lại bài học sâu sắc, giáo dục thế hệ thanh thiếu niên học sinh cần giữ vững lòng quyết tâm và sự kiên trì nhẫn nại để vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần tích cực rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp này.

II. Bài tham khảo

“Hai hạt giống nọ nằm cạnh nhau trong một mảnh vườn. Hạt thứ nhất tự tin vươn mầm, đón nhận ánh nắng ấm áp và đã trở thành cái cây mạnh. Hạt thứ hai rụt rè ngóc đầu dậy, sau đó lại sợ sệt rúc sâu vào đất bởi vì nó lo rằng nắng gió dữ dội sẽ quật ngã cơ thể yếu ớt của mình. Rồi một ngày, có con gà vào vườn tìm mồi, vô tình mổ trúng hạt cây kia. Vậy là chỉ vì sự mềm yếu, hạt cây đã thất bại thảm hại” (Trích “Lời cỏ cây- Bàn về thân phận con người trong cuộc đời”). Câu chuyện trên đã để lại một bài học ý nghĩa và sâu sắc về lòng dũng cảm, kiên cường sẵn sàng đối mặt với những thử thách. Bàn về vấn đề này, Bác Hồ đã từng dành tặng thế hệ thanh niên bài thơ “Khuyên thanh niên”. Những câu thơ của Bác đã thể hiện rõ bài học đúng đắn về việc giữ vững lòng kiên trì, kiên định đối mặt với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển;

Quyết chí ắt làm nên”.

Ở hai câu thơ đầu tiên, Bác đã nhấn mạnh vai trò của lòng kiên trì và sự bền bỉ. Lòng kiên trì, bền gan sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn và có thể giúp cho con người vượt qua mọi khó khăn thử thách. Câu thơ “Chỉ sợ lòng không bền” mang một ý nghĩa giáo dục sâu xa, trong cuộc sống này điều đáng lo ngại nhất chính là thiếu đi sự kiên trì, bền bỉ và lòng quyết tâm. Đề giành lại nền độc lập tự do và bảo vệ biên cương bờ cõi, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi cuộc kháng chiến trường kì. Dẫu chặng đường đó có vô vàn khó khăn, thử thách và gian nan, nhưng nhân dân ta vẫn một lòng kiên định đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bác Hồ- vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên định và nhẫn nại. Để tìm ra con đường giải phóng dân tộc, Người đã trải qua hành trình hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Lúc ra đi chỉ với hai bàn tay trắng, trải qua rất nhiều nghề khác nhau, khi tìm ra con đường cứu nước và đi theo cách mạng, Người từng bị bắt giam nhiều lần nhưng với sự kiên định, Người đã mạnh mẽ vượt qua tất cả và tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, đưa đất nước ta từ chỗ là một nước thuộc địa, bị đô hộ, bị bóc lột vươn mình trỗi dậy, đập tan mọi xiềng xích và cất lên tiếng nói độc lập, tự do hào sảng.

Xem thêm:  Chứng minh câu tục ngữ Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Ở hai câu thơ tiếp theo, Bác Hồ tiếp tục nhấn mạnh sức mạnh của lòng quyết tâm, đặc biệt là chí khí “Quyết chí ắt làm nên”. Để khẳng định ý nghĩa tồn tại của bản thân trong cuộc đời, mỗi một con người cần đối diện với những khó khăn và thử thách. Với lòng kiên trì và sự quyết tâm, nhất định con người sẽ vượt qua mọi gian nan và làm nên những việc có ý nghĩa như “đào núi”, “lấp biển”. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị bại liệt đôi tay, nhưng với tinh thần ham học hỏi, đặc biệt là lòng kiên trì nhẫn nại, anh đã luyện viết bằng chân và cuối cùng đã làm nên kì tích về sự quyết tâm. Như vậy, sự kiên nhẫn kết hợp cùng lòng quyết tâm sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Nếu lòng quyết tâm và sự kiên trì là con đường dẫn con người chạm ngưỡng thành công thì ngược lại, việc dễ bỏ cuộc và nản chí, không kiên định sẽ dẫn đến thất bại. Chẳng hạn như khi gặp một khó khăn, con người không đủ nhẫn nại bước tiếp, vượt qua và bỏ cuộc thì mãi mãi không thể chạm đến vạch đích và gặt hái thành quả. Trong thế hệ thanh niên hiện nay, trong học tập, có rất nhiều bạn trẻ không kiên trì tự mình tìm ra đáp án của những bài toán khó mà vội vã sử dụng sách hướng dẫn, còn trong lao động, chỉ cần chút mệt mỏi, khó khăn thì than vãn và bỏ cuộc. Đây là những hành động lệch lạc cần bị lên án và phê phán.

Xem thêm:  Phân tích 12 câu thơ đầu trong bài Trao duyên

Như vậy, những câu thơ của Bác đã để lại bài học sâu sắc, giáo dục thế hệ thanh thiếu niên học sinh cần giữ vững lòng quyết tâm và sự kiên trì nhẫn nại để vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần tích cực rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp này, cũng giống như câu nói của Nguyễn Bá Học “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

cap nhat nhanhca415 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *