Trong bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh kỉ niệm ngày mất của Nguyễn Du, ông khẳng định: “ Một nước không thể không có quốc- hoa, truyện Kiều là quốc-hoa của ta; một nước không thể không có quốc-túy, truyện Kiều là quốc-túy của ta; một nước không thể không có quốc-hồn, truyện Kiều là quốc- hồn của ta”. Tài năng, tấm lòng cao cả của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện rõ nét nhất qua áng truyện thơ này. Trong chương trình ngữ văn lớp 10, có dạng bài thuyết minh về Nguyễn Du và “ Truyện Kiều”, các bạn cần chú ý tới những dấu mốc cuộc đời của thi nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sáng tác và những giá trị nội dung, nghệ thuật thể hiện qua thi phẩm. Các bạn nên làm nổi bật sự sáng tạo của ngòi bút Nguyễn Du so với cốt truyện “ Kim Vân Kiều truyện”. Sau đây là những bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo trước những băn khoăn về đề bài này. Chúc các bạn học tập thật tốt!
BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 10 ĐỀ 4 BÀI VĂN MẪU SỐ 1 THUYẾT MINH VỀ NGUYỄN DU VÀ “ TRUYỆN KIỀU”
Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét về tác gia Nguyễn Du và “ Truyện Kiều”: “ Tuy Nguyễn Du đã sáng tạo nhân vật Thúy Kiều nhưng Kiều lại có thật với Nguyễn Du, Nguyễn Du đã sống rất lâu trong tâm tình của Kiều, đã nhập vào Kiều làm một”, giúp ta thấy tuyệt tác “ Truyện Kiều” ghi dấu tâm huyết, tài năng của thi nhân.
Đại thi hào Nguyễn Du tên hiệu là Thanh Hiên, tên chữ là Tố Như. Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, giàu truyền thống khoa bảng. Cơn lốc lịch sử đạp đổ lầu son gác tía đẩy ông vào cuộc sống lay lắt, tha hương suốt mười lăm năm trời. Cuộc sống đó bóp nghẹt lí tưởng nhất quán khiến ông sống giữa cuộc đời như những người dân thường. Con người thanh liêm, sống thầm lặng, khinh bỉ quan lại chỉ biết lo vinh hoa phú quý, không lo gì đến việc dân, việc nước, nay lại trực tiếp chứng kiến nỗi khổ của nhân dân nên ông có con mắt nhìn đời thông suốt sáu cõi. Những va đập cuộc đời khiến thi sĩ đồng cảm sâu xa với mọi kiếp người đày đọa, tạo nên chiều sâu tư tưởng tác phẩm “ Truyện Kiều” sau này. Vốn hiểu biết uyên bác làm cơ sở để tuyệt tác “ Truyện Kiều” trở thành một viên ngọc sáng trong văn học Việt Nam về giá trị nghệ thuật.
Mộng Liên Đường cho rằng: “ Những lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”. Tác phẩm ban đầu mang tên “ Đoạn trường tân thanh” nhưng nhân dân gọi là “ Truyện Kiều”. Áng truyện thơ lấy nội dung từ tiểu thuyết “ Kim Vân Kiều truyện” nhưng những sáng tạo của đại thi hào là rất lớn. Câu chuyện nói về mười lăm năm lưu lạc, tủi nhục của nàng Kiều sau khi gia biến, bán mình chuộc cha và em. Chủ nghĩa nhân đạo cao đẹp của Nguyễn Du biến một câu chuyện tình khổ thành khúc ca đớn đau, tri âm với kẻ bạc mệnh, nhứng điều mắt thấy tai nghe trong xã hội bấy giờ cũng đi vào trang viết của thi sĩ. “ Truyện Kiều” ngợi ca tình yêu tự do và ước mơ công lí. Mối tình Kim- Kiều dám vượt lên những ràng buộc của lễ giáo phong kiến khắc khe để thề nguyền cùng nhau, rung động đầu đời trong sáng, chân tình không chút vụ lợi. Hình ảnh nàng Kiều:
- “ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”
Còn khiến mỗi chúng ta ngạc nhiên bởi Nguyễn Du khuyến khích tinh thần chủ động ấy. Giữa phường gian trá, thi nhân khắc họa nhân vật Từ Hải không chỉ thể hiện ước nguyện xã hội công lí mà nhân vật phần nào phản ánh lí tưởng của thi sĩ từng bị giam hãm. Từ Hải là ngôi sao sáng bang qua cuộc đời Kiều, giúp nàng thực hiện màn báo ân, báo oán thích đáng. Đọc “ Truyện Kiều” như vọng lại tiếng khóc đau thương cho thân phận con người. Nguyễn Du từng nói:
- “ Cổ kim hận sự thiên nan vấn
- Phong vận kì oan ngã tự cư”
Người cho rằng: “ Chữ tài liền với chữ tai một vần” nên xoay quanh đời Kiều- người con gái tài hoa luôn phải gánh chịu bao giông tố. Tiếng khóc xót xa cho mối tình đằm thắm Kim- Kiều “ đứt gánh tương tư”, mối tình tri kỉ của Từ Hải và nàng Kiều. Giọt nước mắt đắng chat khi nhân phẩm bị chà đạp, thân xác con người bị đánh đập tàn nhẫn. Sâu xa hơn, tiếng kêu khóc vang lên đòi quyền sống cho con người trong nỗi đau nhân thế. Nguyễn Đình Thi nhận định: “ “ Truyện Kiều” là ngọn roi sắt quất thẳng vào những sự bất công, độc ác, dối trá…”, có thể xem thi phẩm là bản cáo trạng đanh thép vạch trần sự mục ruỗng, thối nát của xã hội bấy giờ. Mọi tầng lớp đều bỉ ôi bị thế lực đồng tiền chi phối từ thằng bán tơ, lũ buôn thịt bán người như Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh, chức quan Hồ Tôn Hiến…Nguyễn Du bóc trần nhìn thẳng vào thực trạng, gọi tên những kẻ chà đạp lên quyền sống con người.
“ Truyện Kiều” có sức sống trường tồn còn bởi những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Với học vấn uyên thâm, Nguyễn Du thành công xây dựng nhân vật sinh động, cá tính. Nàng Kiều không phải nhân vật minh họa mà nàng có đời sống nội tâm, lí tưởng cao đẹp của Từ Hải cũng được khắc tạc. Với thể thơ lục bát giàu truyền thống, đại thi hào biến một tiểu thuyết thành thơ vừa mộc mạc vừa trang nhã, cổ điển. Điểm nhìn trần thuật của tác giả cũng thay đổi linh hoạt, đặt vào từng nhân vật, khiến tác phẩm không khô khan. Ngôn ngữ trong “ Truyện Kiều” có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn từ bác học và dân gian tạo nên sức biểu cảm, sự trong sáng.
Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du, ta không thể không nhớ tới áng thiên cổ kì bút “ Truyện Kiều”. Ở đó hội tụ tất cả cái tài, tấm lòng và tầm vóc của thi nhân. Những giá trị đích thực của tác phẩm còn bất tử với nền văn học Việt Nam.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ NGUYỄN DU VÀ TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765). Quê cha của ông ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đây là một vùng đất địa linh nhân kiệt, là mảnh đất của những điệu dân ca ví dặm. Quê mẹ của đại thi hào ở Bắc Ninh- cái nôi của truyền thống dân ca quan họ, văn hóa. Nguyễn Du lại sinh trưởng tại Thăng Long- một vùng tinh kì. Như vậy, Nguyễn Du đã tiếp thu văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau.
Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Đó cũng là một gia đình có truyền thống yêu chuộng văn học, rất sành văn thơ Nôm, thích hát xướng. Và Nguyễn Du đã được thừa hưởng tư chất thông minh, được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa, văn học.
Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong thời đại xã hội phong kiến Việt Nam từ cuối thể kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, loạn lạc bốn phương, các cuộc khởi nghĩa nhân dân nổ ra và nhà Tây Sơn đã một phen thay đổi Sơn Hà. Nguyễn Du chính là nhân chứng của lịch sử trong một xã hội phong kiến khủng hoảng trầm trọng, chứng kiến thân phận con người và hiện thực mục ruỗng nên ý thức cá nhân phát triển. Bởi vậy mà thơ văn Nguyễn Du trước hết là tâm sự về cuộc đời đầy gió bụi của mình, sau đó cất tiếng bảo vệ, bênh vực cho quyền sống của con người.
Thời thơ ấu, Nguyễn Du sống ở Thăng Long, trong một gia đình quyền quý. Thế nhưng, 10 tuổi mồ côi cha và 13 tuổi mồ côi mẹ. Sau đó, ông sống nhờ nhà người anh trai là Nguyễn Khản. Vì vậy, Nguyễn Du hiểu biết về cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến và có tấm lòng trắc ẩn với người ca nữ, kĩ nữ. Từ năm 1789 đến 1802, tai biến ập đến và gia đình phải li tán. Chính cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ, mười năm sống nhờ quê vợ Thái Bình đã đem đến cho nhà thơ vốn sống thực tế phong phú, thôi thúc nhà thơ suy ngẫm về xã hội và con người đặc biệt là những người dưới đáy xã hội. Đó là cơ sở giúp nhà thơ học tập và nắm vững nghệ thuật dân gian, từ đó hình thành phong cách ngôn ngữ chữ Nôm, đặc biệt trong “Truyện Kiều”. Từ sau năm 1802, Nguyễn Du từng làm quan bất đắc dĩ cho triều Nguyễn, được cử đi xứ Trung Quốc nhiều lần, được tiếp xúc với một nền văn học, một đất nước ông đã được quen qua sử sách, thơ văn. Do đó, tư tưởng về xã hội, thân phận con người được nâng lên tầm khái quát mới, mang tầm nhân loại.
Như vậy, tất cả các yếu tố trên đều là yếu tố khách quan, làm cơ sở, tiền đề. Điều quan trọng có tính chất tiên quyết là bản thân mỗi con người. Ông biết vượt qua những bi kịch trong cuộc đời bằng ý chí, nghị lực, tiếp thu tinh hoa của gia đình và Nguyễn Du dùng cả trái tim, khối óc để cảm nhận những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Nguyễn Du là tác giả có nhiều thành tựu kiệt xuất về văn chương, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện ở trình độ cổ điển. Về thơ chữ Hán, Nguyễn Du có ba tập thơ: “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”. Về thơ chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác là “Truyện Kiều” và “Văn tế thập loại chúng sinh”. Ngoài ra, ông còn có một số sáng tác đậm chất dân gian như “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu” và bài vè “Thác lời trai phường nón”.
Và nhắc đến sự nghiệp văn học của đại thi hào thì ta không thể không nhắc tới “Truyện Kiều”- một kiệt tác văn học đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Đây là truyện thơ mượn cốt truyện của một chuyện tình khổ ở Trung Quốc mà biến thành khúc ca đau lòng thương người bạc mệnh, nói lên “những điều trông thấy” trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, cuối Lê đầu Nguyễn. Với việc sử dụng thể thơ lục bát dân tộc, tác phẩm còn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình. Nguyễn Du đã lược bỏ những chi tiết về mưu mẹo, sự tàn nhẫn và một số chi tiết dung tục đồng thời đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật như đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” hay khi Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế; kết hợp ngôn ngữ bình dân và ngôn ngưc bác học, sử dụng những điển tích, điển cố. Như vậy, Nguyễn Du mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là hoàn toàn phù hợp với quy luật văn học nhưng điều đáng nói là bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã biến một cốt truyện bình thường thành một kiệt tác.
“Truyện Kiều” là tiếng kêu thương đứt ruột cho số phận con người. Tiếng kêu thương xót ấy chủ yếu xoay quanh thân phận Thúy Kiều- một người con gái tài sắc vẹn toàn mà phải chịu nỗi đau khổ, vùi dập “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Từ sự thấu hiểu, cảm thông, “Truyện Kiều” còn là tiếng hét phẫn nộ, bản cáo trạng đanh thép với các thế lực như những kẻ buôn thịt bán người, tầng lớp quan lại phong kiến và thế lực đồng tiền… Từ đó mà những áng thơ này đã cất lên giấc mơ về một tình yêu tự do, là bài ca về ước mơ công lí trong xã hội.
Để làm nên tầm vóc của một đại thi hào, một danh nhân văn hóa thế giới là do nhiều yếu tố nhưng điều quan trọng nhất là nhờ cái Tài và cái Tâm của người nghệ sĩ. Và kiệt tác “Truyện Kiều” sẽ cớ sức sống đến mãi mãi bởi những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.
Nguồn Internet