Từ ba áng văn thơ nổi tiếng: “Nam quốc sơn hà” và “Hịch tướng sĩ” cùng với “Nước Đại Việt ta”, em hãy rút ra những nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn lịch sử này – Bài văn hay lớp 8
Hướng dẫn
Nội dung chủ nghĩa yêu nước
Đề bài: Từ ba áng văn thơ nổi tiếng: “Nam quốc sơn hà” và “Hịch tướng sĩ” cùng với “Nước Đại Việt ta” (trích “Bình Ngô đại cáo”), em hãy rút ra những nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn lịch sử này.
Bài làm
“Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh ”, đó là một câu trích trong bài báo Thử lửa của văn hào I-li-a Ê-ren-bua. Bài báo được viết vào năm 1942, trùng hợp thay, đó cũng là khoảng thời gian rất khó khăn đối với dân tộc Việt Nam ta khi mà Việt Minh vừa mới được thành lập và tình hình đất nước thì vô cùng nguy nan. Nếu chiến tranh đã khiến mỗi công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của quê hương thì vận mệnh Tổ quốc đã khơi dậy lòng yêu nước trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Khi đất nước đang đứng bên bờ vực của sự suy vong, cái tên “Việt Nam” đang bị đe dọa xoá khỏi bản đồ thế giới thì trong lòng mỗi con dân nước Việt vẫn rạo rực tình yêu, lòng tự hào dân tộc, ý chí khẳng định và đấu tranh vì chủ quyền vẫn hừng hực trong trái tim nồng nàn yêu nước. Phải chăng đó chính là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước? Tinh thần yêu nước ấy như một mạch ngầm chảy suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, nó được thể hiện một cách sâu sắc trong các tác phẩm văn chương. Trong đó, ta không thể không nhắc tới ba áng văn thơ Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta.
Chủ nghĩa yêu nước, hay lòng yêu nước, ngoài “là lòng yêu những vật tầm thường nhất”, như I-li-a Ê-ren-bua đã viết còn là niềm tự hào dân tộc. Tự hào vì Việt Nam ta có những trang sử vàng chống giặc ngoại xâm, tự hào vì nền văn hoá truyền thống đặc sắc mà tổ tiên bao đời xây dựng, tự hào vì chính lòng tự hào dân tộc của ông cha ta. Trong Nam quốc sơn hà, tác giả, tương truyền là vị tướng sĩ Lí Thường Kiệt, có viết “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. “Đế vương” là danh từ để chỉ vua của một nước lớn trong khi đó Đại Việt ta thời bấy giờ chỉ là một nước nhỏ, chư hầu, so với các bậc đế quốc khác như Trung Quốc thì quả là không sánh bằng. Nhưng việc tác giả dùng danh từ “đế” để chỉ vua nước Nam cho thấy Lí Thường Kiệt luôn mang trong mình lòng tự hào dân tộc. Đối với ông, tuy Đại Việt chỉ là một nước chư hầu song vua ta không vì thế mà thua kém, hèn thấp hơn vua Trung Quốc. Lí Thường Kiệt chẳng những không tự ti vì nước ta nghèo lại nhỏ mà ngược lại, ông rất tự hào vì vua ta cũng yêu nước thương dân. Không chỉ Lí Thường Kiệt mà Nguyễn Trãi, vị Danh nhân văn hoá thế giới đầu tiên của Việt Nam cũng đã bày tỏ lòng tự hào của mình trong bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai – Đại cáo bình Ngô: “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Bài cáo này ra đời vào khoảng năm 1428, đó là quãng thời gian sau thắng lợi giặc Minh, làm tan rã 15 vạn binh của chúng. Khi ấy, toàn dân ta, từ trẻ nhỏ tới cụ già, từ nhà nông tới thương gia, từ quân tới tướng, từ dân tới vua đều tràn trề lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Và Nguyễn Trãi đã đem lòng tự hào ấy vào trong bài cáo của mình. Dù là đất nước vừa vực dậy từ chốn lầm than, dù là nền văn hoá dân tộc vừa thoát khỏi hiểm hoạ bị suy tàn, ông vẫn tự hào xưng rằng “nền văn hoá lâu đời”. Ông không nghĩ vì Đại Việt nhỏ bé hơn các đế quốc khác nên văn hoá cũng nghèo nàn. Ngược lại, ông tự hào vì tuy Đại Việt là chư hầu nhỏ bé nhưng cũng có nền văn hiến như các nước phương Bắc lớn hơn. Trong phần tiếp theo, ông có viết “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. Tác giả đã đưa ra những hình ảnh tương đương, một bên là “Triệu, Đinh, Lí, Trần”, bên kia là “Hán, Đường, Tống, Nguyên”. Đặt các triều đại ở vị trí song song, Nguyễn Trãi đã khẳng định sự to lớn, hùng mạnh của dân tộc ta. Nhà thơ tự hào, kiêu hãnh vì đất nước mình sánh ngang với các cường quốc lớn mạnh. Phương Bắc có bao nhiêu triều đại thì nước ta cũng có bấy nhiêu triều đại. Trung Hoa lớn mạnh thì Đại Việt cũng hưng thịnh. Vì sao Đại Việt ta tuy nhỏ bé lại lớn mạnh sánh ngang với các cường quốc? Phải chăng là do ‘‘Hào kiệt đời nào cũng có”? Đó cũng chính là điểm chung giữa hai vị tướng đại tài này – Lí Thường Kiệt và Nguyễn Trãi, và cũng là một nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Thế nhưng nếu chỉ tự hào thôi thì chưa đủ để thể hiện lòng yêu nước. Có một nhà văn đã từng nói: “Không có dân tộc nào trên thế giới trở nên lớn mạnh nếu họ không yêu quý, tôn thờ đất nước của mình”. Và không thể phủ nhận rằng Việt Nam là nơi mà mỗi người con sống trên mảnh đất thân yêu ấy đều mang trong mình lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt. Trong Nam quốc sơn hà, tác giả đã thể hiện lòng tự tôn ấy qua sự khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, giới hạn lãnh thổ của nước ta đã được viết sẵn trong sách trời, dường như đã trở thành một quy luật, một chân lí không thể thay đổi được. Trên mảnh đất đã được “định phận tại thiên thư” ấy, nhân dân ta đang sống dưới một chế độ riêng, vua riêng, không phụ thuộc vào nước khác. Như vậy, chủ quyền Đại Việt đã được khẳng định dựa vào hai yếu tố: chế độ và lãnh thổ. Kế thừa và phát triển tư tưởng tiến bộ ấy, Nguyễn Trãi đã đúc kết trong Đại cáo bình Ngô. Nước ta có đầy đủ các yếu tố của một quốc gia độc lập, tự chủ, không chỉ có lãnh thổ, chủ quyền núi sông bờ cõi mà còn có thuần phong mĩ tục mang bản sắc riêng, có lịch sử riêng, chế độ riêng “bao đời gây nền độc lập” đã từng “xưng đế một phương”, có nhiều nhân tài, hào kiệt. Ông đã nêu bật lịch sử các triều đại bằng những câu văn biền ngẫu sóng đôi, đã hùng hồn khẳng định chủ quyền của dân tộc ta. Với hai bản Tuyên ngôn độc lập, ta cảm nhận được hơn bao giờ hết lòng tự tôn dân tộc đang trào dâng trong từng câu thơ, đang hừng hực cháy trong lòng mỗi con người Việt Nam từ thuở sơ khai cho đến tận ngày nay, khi nước ta đã phát triển, hội nhập cùng thế giới. Thế nhưng, cho dù xã hội có thay đổi, kinh tế có phát triển như thế nào thì lòng tự tôn dân tộc cũng sẽ không bao giờ mất đi.
Tự tôn và tự hào dân tộc là biểu hiện của lòng yêu nước, thế nhưng đó không phải là tất cả. Lòng yêu nước nếu như chỉ được cất giữ trong trái tim thì dù có nồng nàn, mãnh liệt đến nhường nào thì cũng chỉ là một thứ tình cảm vô hình. Việt Nam sẽ chẳng thể có một trang sử vàng chống giặc ngoại xâm cùng những chiến tích hào hùng mà quân và dân ta đã đạt được nếu lòng yêu nước luôn được gìn giữ như một thứ đồ quý giá cất giữ trong tủ kính khoá chặt. Tinh yêu quê hương cần phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, có thể là xông pha nơi chiến trường, trực tiếp tham gia diệt giặc, nhưng cũng có thể là một bài hịch, như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, bày tỏ ý chí tiêu diệt quân giặc và khích lệ tinh thần của nhân dân, như vậy cũng đã là góp phần vào những chiến thắng vẻ vang: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Đoạn văn trên được trích trong Hịch tướng sĩ đã miêu tả một cách sâu sắc lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm tiêu diệt quân thù của vị chủ tướng. Nỗi đau ấy luôn luôn thường trực trong tâm tư của Trần Quốc Tuấn khiến vị tướng quân tài ba “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối”. Không chỉ “ruột đau như cắt” mà còn là “nước mắt đầm đìa”, chỉ vẻn vẹn trong hai câu văn biền ngẫu, vị chủ tướng đã sử dụng thành công xuất sắc lối viết văn dồn dập. Qua đó, ta thấy rõ nỗi lo lắng, sự đau đớn, niềm uất hận đã biến thành hành động. Sự khao khát ấy cháy bỏng trong trái tim trung thành tận tuỵ của ông. Đó chính là khát khao, ý chí quyết tâm tiêu diệt quân thù.
Đất nước là gốc rễ, là phần thiêng liêng trong tâm thức của mỗi con người. Gốc của chủ nghĩa yêu nước là niềm tự hào về dân tộc, về danh dự, về lịch sử của quốc gia, là niềm tự tôn với quốc gia; là khát khao đánh tan bè lũ bán nước và cướp nước. Khi đất nước là một khối liên kết vững chắc sẽ tạo nên sức mạnh vô hình chiến thắng mọi thế lực dù lớn mạnh nhất thế giới. Lòng yêu nước không chỉ làm chúng ta thấm thía nỗi nhục mất nước để chúng ta vùng lên đấu tranh mà còn phải biết lo lắng cho dân tộc ngay cả khi đã “sóng yên biển lặng”.
Vậy chủ nghĩa yêu nước bao gồm niềm tự hào dân tộc, niềm tự tôn với Tổ quốc và ý chí quyết tâm tiêu diệt quân giặc. Và tình yêu dân tộc đã dạy cho ta biết giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc; dạy cho ta biết tôn vinh lịch sử, vẻ đẹp của Việt Nam; dạy cho ta cần phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Yêu nước hôm nay là phải cùng nhau gây dựng nền văn hoá, yêu vẻ đẹp lịch sử và quyết tâm xây dựng một xã hội lành mạnh. Nếu là một người con đất Việt, bạn hãy tự hỏi mình: “Tôi đã yêu nước hay chưa?”.
Lê Thị Quỳnh Thơ
(Trường THCS Nguyễn Huệ)
>> Xem thêm Suy nghĩ về thông điệp của tác giả qua câu chuyện dưới đây bằng một bài văn ngắn tại đây.
Tags:Bài văn hay lớp 8 · Nội dung chủ nghĩa yêu nước
Theo Tapchivanhoc.com