Thuyết minh về một giống vật nuôi – Con trâu
Bài làm
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Câu ca dao này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta từ thuở tấm bé. Trâu là người bạn của mọi nhà, có một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam.
Trâu là một loại động vật thuộc họ trâu bò. Trâu hoang dã phần lớn sống ở Nam Á. Trâu nhà được thuần hóa nuôi chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, trong đó có Việt Nam. Từ xa xưa, trâu đã gắn bó với người dân Việt Nam cùng nền văn minh lúa nước. Ông cha ta thuần hóa trâu làm vật nuôi nhằm lợi dụng sức kéo của trâu để phục vụ cho việc đồng áng.
Trâu là động vật thuộc lớp thú có vú. Thân hình của trâu vô cùng vạm vỡ và lực lưỡng. Lông trâu là lông mao, da trâu màu đen, dày và bóng loáng. Hai tai trâu như hai cái lá đa. Mắt trâu lồi, mũi lúc nào cũng ươn ướt, người nuôi trâu thường xuôn dây vào mũi trâu để dễ dàng kéo đi. Đuôi trâu ngắn, có một túm lông ở cuối đuôi, thường ve vẩy để đuổi ruồi. Hai sừng trâu cong như hình lưỡi liềm, rất cứng, là vũ khí tự vệ giúp trâu chống lại kẻ thù. Giống như bò, trâu chỉ có một hàm răng và thuộc nhóm động vật nhai lại. Về đặc điểm này, nhân dân ta có cách giải thích rất thú vị thông qua truyện “Trí khôn của ta đây”. Truyện kể rằng vì trâu mải cười con hổ bị người nông dân lừa nên răng đập vào đá, gãy mất một hàm. Một năm trâu đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa một con. Trâu con khi nhỏ gọi lá nghé. Cân nặng của trâu trưởng thành khoảng từ 200- 800 kg.
Chẳng ai rõ trâu gắn liền với công việc đồng áng từ bao giờ. “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã trở thành câu nói truyền miệng của biết bao thế hệ. Trâu chính là người bạn gần gũi nhất đối với người nông dân. Sáng sớm tinh mơ khi những tia nắng đầu tiên vừa chiếu xuống mặt đất, trâu đã thức dậy cùng người nông dân ra đồng chăm sóc cho lúa. Hình ảnh trâu cùng người nông dân cần mẫn làm việc đã khắc sâu ấn tượng trong trí óc biết bao người dân Việt Nam: “Ai ơi bưng bát cơm đấy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muốn phần”. Đến mùa gặt, trâu lại kéo xe chở lúa về nhà. Để có được những mùa màng bội thu, trâu đã đóng góp một công lao không nhỏ. Trâu nuôi chủ yếu để lấy sức kéo, ở miền núi, trâu còn giúp con người vượt qua những chặng đường xa xôi, những ngọn núi cao hiểm trở.
Thịt trâu cũng rất tốt cho sức khỏe vì chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Sừng trâu làm đồ mĩ nghệ, da trâu dùng để bọc trống. Vì vậy, trâu trở thành một trong những tài sản quý giá của người nông dân: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy, thật khó lắm thay”. Không chỉ thế, hình ảnh chú trâu còn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Phẩm chất hiền lành, chất phác của trâu đại diện cho những người nông dân. Ở Hải Phòng hàng năm vẫn tổ chức lễ hội lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn. Những chú trâu to nhất, khỏe nhất sẽ chiến đấu hết mình để đánh bại đối thủ, mang lại vinh dự cho chủ trâu. Ngoài ra còn có lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, thịt trâu sẽ được phân phát cho các nhà trong buôn làng, mang ý nghĩa may mắn. Hình ảnh chú bé mục đồng chăn trâu thổi sáo đã làm nên nét yên bình, giản dị của làng quê Việt Nam tự bao đời nay:
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Trâu không chỉ đi vào ca dao, thơ văn mà còn trở thành biểu tượng của SEA GAMES 22, đại diện cho con người Việt Nam hiền hậu, mến khách.
Dù cuộc sống hiện đại, máy móc dần thay thế cho sức trâu nhưng trâu vẫn sẽ mãi là người bạn tri âm tri kỉ của người dân Việt Nam. Hình ảnh chú trâu là một phần tuổi thơ của mỗi người, gắn liền với những gì giản dị, thân thương nhất.