Thuyết minh về danh lam thắng cảnh chùa Bà Đanh
Hướng dẫn
Thuyết minh về danh lam thắng cảnh chùa Bà Đanh
Miền Bắc Việt Nam ta có câu tục ngữ “vắng như chùa Bà Đanh” để ám chỉ một nơi hẻo lánh ít người lui tới, hay một cuộc vui chơi nào đó, mà có rất ít người tham dự…
Có người cẩn thận tìm xem “Chùa Bà Đanh” thuộc địa phương nào mà ít người lui tới? Hóa ra, ngôi, nhà ấy nằm sau trường Chu Văn An bây giờ, nay thuộc quận Tây Hồ. Ấy là theo tài liệu ghi chép trong sách cũ viết về Hà Nội, chứ bây giờ ngôi chùa không còn. Sách chép: “Sở dĩ chùa vắng, vì ban đầu từ thế kỉ 12, đấy là chỗ trại giam tù binh Chiêm Thành, nên người ta ngại đi qua khu vực đó. Sau này chỗ đó dựng lên một ngôi chùa, song vì chùa nhỏ, lại khuất nẻo, nên cũng ít người lễ bái”. Cách giải thích này có vẻ thiếu sức thuyết phục. Sự sùng bái tín ngưỡng của người xưa đâu có kém bây giờ; một ngôi chùa dù nhỏ, nằm ngay ven phía Bắc thành Hà Nội, lẽ nào lại rơi vào cảnh vắng vẻ đến trở thành điển hình trong câu tục ngữ nói trên? Nhất là, khi có người hỏi: “Vậy còn tên Bà Đanh xuất xứ từ đâu?” Thì hình như không một nhà nghiên cứu nào đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
Nỗi băn khoăn về một ngôi chùa có tên gắn với câu tục ngữ quen thuộc, mà không lí giải được căn do, hình như cứ tạm nằm yên trong tâm trí nhiều người. Cho đến một ngày cuối xuân 1995, trong chuyến “điền dã” của Hội Văn Nghệ dân gian Hà Nội về huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam qua khảo sát thực địa, câu kia mới có lời đáp.
Mục đích chuyến đi ấy, chúng tôi lại chỉ nhằm tìm hiểu về danh thắng “Ngũ động thì sơn” nơi có ngọn núi nổi tiếng, có đến năm hang động trong lòng núi, mỗi hang chứa sức cả ngàn người. Tương truyền, đây là chỗ giấu quân lí tưởng của Lý Thường Kiệt, một danh tướng của triều Lý từ thời phạt Tống. Hiện nay, tại chân núi phía bờ sông, còn đền thờ vị danh tướng này, đền tuy nhỏ nhưng lại uy nghi, thơ mộng… Điều thú vị lần ấy, do tìm hiểu qua nhân dân địa phương, chúng tôi phát hiện tại một làng nhỏ bên kia sông có một ngôi chùa không lớn lắm song rất đẹp. Muốn đến chùa, khách phải xuống đò đi xuôi xuống chừng nửa cây số, chếch với đền thờ Lý Thường Kiệt. Ngôi chùa được dựng lên từ thời Lý (thế kỉ thứ 11) do một người đàn bà giàu có trong làng cung tiến..Làng có tên là Đinh Xá, tên nôm gọi là làng Đanh; vì vậy ngôi chùa được gọi là “chùa Bà Đanh”. Khuôn viên của chùa tuy khiêm tốn, nhưng nội tự rất khang trang, Đặc biệt khác với tất tả các ngôi chùa toàn miền Bắc thường có chỉ cửa “Tam quan” (ba cửa) riêng chùa Bà Đanh lại có cửa “Ngũ quản” (năm cửa). Còn sở dĩ “chùa vắng” vì đây cũng là vùng bán sơn địa, không phải nơi buôn bán sầm uất, chùa lại nằm cách con sông, muốn sang phải lụy đò, bởi thế nên ít người lui tới. Từ cảnh huống đó, mới nảy sinh câu tục ngữ “Vắng như Chùa Bà Đanh” mà dân địa phương khẳng định, đó là nơi xuất xứ.
UBND huyện Kim Bảng có ý định kết hợp với ngọn núi Ngũ động, đền thờ Lý Thường Kiệt và ngôi chùa Bà Đanh tổ chức cho khách tham quan thành một nội tuyến du lịch thường xuyên của địa phương. Chùa và núi chỉ cách huyện lị 20km đường đi bằng ôtô, còn nếu đi bằng đường đò thì chỉ 10km, thật là một tour cực đẹp cả về thời gian lẫn cảnh quan. Nếu tính từ Hà Nội, sớm đi tối về, trong vòng 60km.
Có lẽ đến lúc tuyến du lịch được khai thông thì ý nghĩa câu tục ngữ không còn tuyệt đối đúng… vì chùa Bà Đanh không vắng nữa chặng?
Theo Tapchivanhoc.com