Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác – Viễn Phương

Đề bài: Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác – Viễn Phương

Bài làm

Trong tất cả những bài thơ viết về Bác Hồ, chắc hẳn mỗi chúng ta đều không thể không nhớ tới bài thơ Viếng lăng Bác – Viễn Phương. Một bài thơ đầy cảm động, lưu vào trong lòng người nhiều cảm xúc sâu lắng.

Bài thơ được sáng tác năm 1976, một năm sau khi đất nước hoàn toàn được thống nhất, Lăng Bác được khánh thành, Viễn Phương cùng đoàn cán bộ miền Nam ra thăm Bác. Xúc động trào dâng nghẹn ngào đã thôi thúc ông viết bài thơ này.

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Qua cách xưng hô con – Bác gợi lên một sự gần gũi, ấm áp thân thương, và cách dùng từ thăm thay cho từ viếng, cả câu thơ giống như một lời chào của một đứa con phương xa trở về thăm cha, thăm người cha già yêu dấu. Hơn nữa, cách nói giảm nói tránh còn làm giảm bớt sự đau thương mất mát, để thấy rằng Bác như vẫn đang còn sống, vẫn hằng ngày ngắm nhìn đất nước đổi thay, con người trưởng thành. Sau lời chào hỏi khi nhà thơ đến trước lăng, thì cảnh vật ông trông thấy đầu tiên là:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Tre được trồng ở trong lăng Bác vô cùng nhiều, từng hàng từng hàng tre thẳng tắp, nối tiếp nhau mà dài ra bất tận, thoắt ẩn thoắt hiện trong sương mờ buổi sớm mà trở nên bát ngát. Không chỉ là những cây tre với vẻ đẹp bình thường, tre còn mang nhiều ý nghĩa vô cùng sâu sắc:

Xem thêm:  Viết về bà ngoại kính yêu của em

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Tre không những là biểu tượng của Việt Nam, biểu tượng của người dân Việt Nam. Trải qua bao khó khăn gian khổ, con người Việt Nam vẫn luôn kiên cường, dũng cảm. Vẫn luôn vươn lên mạnh mẽ, tựa như tre, dù đá sỏi đá vôi bạc màu vẫn luôn xanh tươi. Cụm từ Bão táp mưa sa như nhấn mạnh những khắc nghiệt mà tre phải chịu, đồng thời cũng chính là ẩn dụ cho những gian khổ trong lịch sử ta, những trang sử vàng lưu danh thiên cổ, những con người dù đối mặt với cái chết vẫn bất khuất ngửng cao đầu. Chỉ cần nhớ đến thôi, cũng không thể ngăn xúc động nghẹn ngào.

Và theo mạch cảm xúc của Viễn Phương khi đứng ngoài lăng, ông còn thấy:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ví Bác như mặt trời để ca ngợi công lao to lớn của Bác. Nếu như mặt trời thiên nhiên tỏa sáng, sưởi ấm cho vạn vật thì mặt trời nơi Bác xua tan đi u tối quân thù, soi đường chỉ lối, để người dân Việt Nam được sống trong ánh sáng Cách Mạng, ánh sáng của độc lập tự do. Đặt Bác sánh ngang với vũ trụ thiên nhiên còn để khẳng định sự vĩnh hằng bất diệt của Bác. Bác sống mãi cùng non sông đất nước, Bác sống mãi trong lòng mỗi người con Việt Nam.

Để rồi:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Mỗi người dân là một bông hoa quý, cả dân tộc Việt Nam góp thành một vườn hoa tràn ngập hương sắc dâng tặng Người. Nhịp thơ như chậm lại, kéo dài ra, gợi hình ảnh dòng người bất tận, như những tràng hoa dài không có điểm dừng, ngày ngày vẫn đến viếng thăm lăng, dâng lên Bác những điều tốt đẹp nhất. Bảy mươi chín mùa xuân chính là bảy mươi chín tuổi đời của Bác, bảy mươi chín năm cuộc đời Bác dành hết cho đất nước, cho muôn dân. Công lao tựa trời bể, sao khắc ghi hết được.

Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác

Theo dòng người vào trong lăng, giờ đây đứng trước di hài Bác, Viễn Phương chợt nghẹn ngào không nên lời:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Bác chỉ là ngủ một giấc thôi, một giấc ngủ ban đêm rất bình thường, có vầng trăng soi sáng. Nhưng:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Ví Bác tựa trời xanh, để một lần nữa khẳng định sự bất tử của Bác. Nhưng bên cạnh đó còn là nỗi đau khi sự thực là Bác đã mất đi. Cụm từ tương phản vẫn biết…mà sao gợi sự giằng xé mãnh liệt giữa hy vọng và sự thực, giữa con tim và lý trí. Trong tim vẫn nghĩ Bác đây thôi, nhưng sự thật là Bác đã đi rồi. Ôi một sự mất mát không gì có thể bù đắp được. Khiến người phải nhói ở trong tim!

Xem thêm:  Tả con vật mà em yêu thích lớp 5, bài văn tả con chó bống, tả con thỏ

Kết thúc khổ thơ cuối chính là ước nguyện chân thành của nhà thơ:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm cành hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

Là mới chỉ nghĩ đến việc mai phải về Nam, phải rời xa Bác, Viễn Phương đã không kìm nổi nước mắt. Và qua điệp từ Muốn làm, cùng với các hình ảnh thiên nhiên như chim, hoa, tre, để thấy rằng ước nguyện của nhà thơ vô cùng chân thành giản dị. Nhà thơ chỉ muốn hóa thành cảnh vật xung quanh lăng Bác, để ngày ngày cất tiếng hót, ngày ngày dâng hương thơm tặng Người. Muốn làm cây tre trung hiếu, trung hiếu với Người, trung hiếu với non sông Tổ quốc.

Có thể nói, bài thơ Viếng lăng Bác không chỉ là tiếng lòng riêng của tác giả, mà còn là tiếng lòng của hàng triệu người dân Việt Nam dành cho Bác, lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc khi được vào lăng viếng Người.

Ánh Nguyên

Check Also

thaohuyen8 3713562 310x165 - Bài viết số 2 lớp 9 đề 2: Kể lại giấc mơ gặp người thân xa cách lâu ngày

Bài viết số 2 lớp 9 đề 2: Kể lại giấc mơ gặp người thân xa cách lâu ngày

Tôi đã từng nghe đâu đó một câu nói: “Nhà là nơi bình yên nhất”. …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *