Phân tích vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” lớp 9

Tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Du chính là “Truyện Kiều”. Giá trị hiện thực của tác phẩm là phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị. Giá trị nhân đạo được thể hiện trước hết là sự trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính, thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Không chỉ vậy, Truyện Kiều còn là một kiệt tác nghệ thuật, với bút pháp của một nghệ sĩ thiên tài, tiếng Việt trong Truyện Kiều đã đạt đến độ giàu và đẹp. Về nghệ thuật tự sự, thành công của Truyện Kiều trên tất cả các phương diện: ngôn ngữ kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả – tả cảnh ngụ tình. Ta có thể thấy rất rõ điều đó qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”. Khi làm bài văn phân tích vẻ đẹp của hai chị em, cần phân tích các bút pháp, các biện pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng đồng thời làm rõ tấm lòng của đại thi hào. Dưới đây là bài văn mẫu để giúp các bạn làm bài tập này thật tốt.

Vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân khá khác nhau

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP CỦA HAI CHỊ EM THÚY KIỀU.

“Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một kiệt tác trong nền văn học Việt Nam. “Truyện Kiều” là kết tinh thành tựu nghệ thuật dân tộc trên mọi phương diện: ngôn ngữ, thể loại, cách xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, nghệ phác họa tính cách và miêu tả chân dung. Và Nguyễn Du đặc biệt thành công trong việc miêu tả người qua bức chân dung chị em Thúy Kiều.

Cảm hứng ngợi ca của tác giả hiện ngay trong lời giới thiệu khái quát về vẻ đẹp của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều ở bốn câu thơ đầu:

  • “Đầu lòng hai ả tố nga,
  • Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
  • Mai cốt cách tuyết tinh thần,
  • Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”

Bằng bút pháp ước lệ, tác giả đã gợi tả vẻ đẹp trong trắng, yêu kiều, từ dung nhan đến tâm hồn của hai người phụ nữ. Hai nàng có cốt cách mảnh dẻ, thanh tao của cây mai và một tinh thần trắng trong như tuyết. Tuy vậy, hai chị em lại mỗi người một vẻ, không ai giống ai.

Xem thêm:  Vé đẹp của nhân vật Tấm

Khác với trật tự truyền thống, Nguyễn Du miêu tả người em là Thúy Vân trước:

  • “Vân xem trang trọng khác vời,
  • Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
  • Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
  • Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”

Câu thơ mở đầu, vẻ đẹp của Thúy Vân đã đạt đến độ “khác vời”. “Khác vời” là cái đẹp khó lòng nói hết, cái đẹp ở nhan sắc và cái đẹp ở ngoài nhan sắc. Ba câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã khắc họa chi tiết vẻ đẹp chân dung Vân. Bậc thi nhân đã sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, nghệ thuật so sánh, nhân hóa để vẽ nên bức chân dung của một tiểu thư khuê các. Nàng có khuôn mặt đầy đặn, ngời sáng như trăng rằm, đôi lông mày đậm như con bướm tằm. Nụ cười tươi như hoa, giọng nói ấm trong như ngọc. Mái tóc óng ả, mượt mà tựa như mây trời, làn da trắng trẻo, mịn màng tựa như tuyết. Câu thơ thứ tư đã nói lên thái độ của thiên nhiên với vẻ đẹp của nàng. Vẻ đẹp của Vân là vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên. Rõ ràng Thúy Vân rất đẹp, một vẻ đẹp khá sắc nét nhưng vẫn hồn hậu, thùy mị. Điều đó báo trước cho một cuộc đời tươi đẹp, tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Tả em trước tả chị sau là dụng ý nghệ thuật trong thủ pháp “họa vân hiển nguyệt”, bức chân dung kiều diễm vô song của Vân trở thành nền để làm nổi bật bức chân dung tài sắc vẹn toàn của Thúy Kiều:

  • “Kiều càng sắc sảo mặn mà,
  • So bề tài sắc lại là phần hơn”

Nhà thơ đã cố tình nhấn mạnh các từ “càng”, “phần hơn”. Cô chị không chỉ đẹp hơn em mà còn tài giỏi hơn em. Nhắc đến vẻ đẹp của mỹ nhân xưa, người ta thường nghĩ đến vẻ đẹp liễu yếu đào tơ. Bởi vậy sự sắc sảo, mặn mà của Kiều hẳn là điều đặc biệt. Sử dụng hai từ láy đầy sức gợi “sắc sảo”, “mặn mà”, tác giả như muốn khắc sâu vào tâm trí người đọc vẻ đẹp khác thường này của người con gái tên Vương Thúy Kiều.

Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Buổi học cuối cùng của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê

Khi dựng lên bức chân dung Thúy Vân, Nguyễn Du thể hiện nghệ thuật miêu tả toàn diện còn với Thúy Kiều, Nguyễn Du lại thiên về tả khái quát với những nét vẽ nhẹ nhàng, thanh thoát. Tả Thúy Kiều, Nguyễn Du vẫn dựa vào mô phỏng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để miêu tả con người. Nếu thiên nhiên dùng để tả Vân là thiên nhiên viên mãn, ổn định, tròn đầy thì khi tả Kiều, thiên nhiên sinh động, biến hóa hơn hẳn. Ngòi bút chấm phá cùng bút pháp ước lệ cổ điển, Nguyễn Du khiến người đọc chìm đắm vào vẻ đẹp của đôi mắt Kiều:

  • “Làn thu thủy nét xuân sơn”

Hội họa cổ điển phương Đông có những bút pháp khá độc đáo: lấy điểm tả diện, họa vân hiển nguyệt. Nguyễn Du cũng sử dụng bút pháp này, chỉ gợi tả “làn”, “nét” mà đã dựng lên bức chân dung của một mỹ nữ tuyệt sắc. Đó là đôi mắt trong sáng, long lanh, thăm thẳm, tình tứ và ăm ắp như hồ nước mùa thu ẩn dưới đôi lông mày thanh tú, kiều diễm như dáng núi mùa xuân. Đôi mắt ấy không phải chỉ để nhìn, để ngắm mà còn để khám phá; không chỉ để tiếp thu mà còn để phản ứng. Đôi mắt ấy biết lựa chọn, biết vâng lời và biết chối từ. Không chỉ có chiều sâu thăm thẳm soi thấu đáy mồ Đạm Tiên, soi thấu đáy lòng đau khổ mà còn có những chiều cao vời vợi của những hi sinh, chua xót lạ lùng. Vẻ đẹp đó của Thúy Kiều khiến cho thiên nhiên phải hờn ghen đố kị. Chưa hết, Nguyễn Du đã dùng điển cố điển tích  “nghiêng nước nghiêng thành” để khẳng định vẻ đẹp sắc nước hương trời của Kiều có thể sáng với vẻ đẹp của những mỹ nhân mà lịch sử đã ca tụng.

Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã nhiều lần khẳng định:

  • “Hồng nhan bạc mệnh, hồng nhan đa truân”

Vậy mà ông lại miêu tả Kiều với sắc đẹp “thu thủy”, “xuân sơn”, “hoa ghen”, “liễu hờn”, phải chăng tác giả đã dự báo về số phận, tương lai của Kiều sẽ có bao trắc trở vùi dập.

Xem thêm:  Phiên tòa kỳ lạ

Xinh đẹp là vậy, Kiều lại còn đa tài:

  • “Thông minh vốn sẵn tính trời,
  • Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”

Tài năng của Kiều đã đạt đến mức lý tưởng theo quan niệm thẩm mĩ của xã hội phong kiến xưa.

Bốn câu thơ cuối khép lại đoạn trích mở ra cuộc sống yên bình, phẳng lặng, phong lưu, không vướng bận những toan tính thế tục:

  • “Phong lưu rất mực hồng quần,
  • Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
  • Êm đềm trướng rủ màn che,
  • Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

Điều đó càng tô đậm thêm vẻ đẹp, trong sáng, hồn nhiên của hai chị em nhà họ Vương.

Với hai bức chân dung tuyệt sắc giai nhân, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ cổ điển, từ ngữ trau chuốt, gợi tả, gợi cảm cùng các thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Đại thi hào tả Vân trước, Kiều sau là phép đòn bẩy nhằm làm tỏa sáng chân dung Thúy Kiều. Qua hai bức chân dung mang tính cách số phận, Nguyễn Du đã gửi gắm tình yêu thương, trân trọng, mến mộ của mình đối với hai chị em Thúy Kiều nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Với 24 câu thơ lục bát miêu tả hai chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã dựng nên bức chân dung đặc sắc của hai chị em, đồng thời gửi gắm những quan niệm về nhân sinh, vấn đề xung quanh thuyết “tài mệnh tương đố”, từ đó bộc lộ tấm lòng của mình đối với hai mỹ nữ họ Vương.

 

 

Nguồn Internet

Check Also

7212 1494911290056 1016 310x165 - Bài viết số 2 lớp 9 đề 2: Kể lại giấc mơ gặp người thân xa cách lâu ngày

Bài viết số 2 lớp 9 đề 2: Kể lại giấc mơ gặp người thân xa cách lâu ngày

Tôi đã từng nghe đâu đó một câu nói: “Nhà là nơi bình yên nhất”. …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *