Phân tích nhân vật chị Dậu qua tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố
Hướng dẫn
Phân tích nhân vật chị Dậu qua tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố
Bài làm
Nhà văn Ngô Tất Tố (1893 -1954), là một nhà văn tiêu biểu giai đoạn 1930- 1945 của dòng văn học hiện thực phê phán. Những tác phẩm của ông đều ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong giai đoạn đó, mặc dù sống trong giai đoạn khó khăn cùng cực những vẫn giữ trọn được những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Trong những tác phẩm của ông, nổi bật nhất phải kể đến Tắt đèn, một tác phẩm kinh điển lúc bấy giờ, ca ngợi giá trị, sức sống tiềm tàng, phẩm chất yêu thương chồng con của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ đó chính là Chị Dậu. Đây là nhân vật điển hình, tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ ở làng quê Việt Nam thời bấy giờ.
Khi nói về chị Dậu của Tắt đèn, nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét như sau:: “ Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu.” Có thể thấy, chỉ bằng câu nói đầy sắc sảo của Nguyễn Tuân, người đọc đã có thể thấy được sự đen tối, bi ai của làng quê Việt Nam thời bấy giờ, cũng như chân dung chị Dậu hiện lên đầy lạc quan, một chân dung lạc quan giữa cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày ấy.
Hoàn cảnh của chị Dậu hiện lên thật đáng thương. Chị Dậu sống ở làng Đông Xá, trong không khí ngột ngạt, căng thẳng của những ngày sưu thuế gay gắt nhất. Bọn cường hào, tay sai rầm rộ đi tróc sưu. Lý trưởng làng Đông Xá ra lệnh cho lũ tay chân: “Tha hồ đánh! Tha hồ trói! Thằng nào bướng bỉnh đánh chết vô tội vạ!”. Gia đình chị Dậu thuộc hàng nghèo khó “ nhất nhì trong hạng cùng đinh”. Anh Dậu vì tội thiếu sưu mà bị bọn cường hào “ bắt trói như trói chó để giết thịt!”. Ngay đến em trai anh Dậu, đã chết từ năm ngoái nhưng gia đình anh Dậu vẫn phải nộp thay vì “ Chết cũng không được trốn sưu nhà nước!” Chị Dậu trong hoàn cảnh đó đã phải bán gánh khoai, ổ chó mới đẻ, và đau đớn hơn là đứt ruột bán đi đứa con gái lên bảy tuổi cho vợ chồng Nghị Quế mới đủ tiền nộp suất sưu của chồng. Nhưng vì thiếu tiền suất sưu của chú em đã chết, anh Dậu vẫn bị trói ở sân đình. Trong khi anh Dậu đang bị ốm nặng mà vẫn bị trói suốt ngày suốt đêm, đến mức ngất xỉu đi tưởng như chết. Bọn cai lệ cường hào lại vác anh Dậu rũ rượi như cái xác trả về cho chị Dậu. Nhìn chồng đau đớn khổ sở, mọi nỗi đau đớn đè nặng lên tâm hồn của người đàn bà tội nghiệp ấy. Đọc đến đây, ta cũng cảm thấy đau xót cho xã hội, cho sự tối giời tối đất thời bấy giờ, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “ Nửa đêm thuế thục trống dồn,
Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy…”
Trong hoàn cảnh đau thương, đen tối như vậy, chúng ta vẫn thấy vẻ đẹp tâm hồn của Chị Dậu tỏa sáng. Điều đầu tiên nhìn thấy ở đây, đó chính là một người vợ, người mẹ giàu tình yêu thương. Trong cơn nguy kịch của Chồng, chị đã lay gọi và tim mọi cách cứu chữa cho chồng. Chị nấu cháo, an ủi chồng cố ăn lấy vài húp, chị xót xa vì chồng chị đã “ nhịn xuông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì”. Hành động của người đàn bà trong lúc hoạn nạn dành cho chồng mình, chứa biết bao tình yêu thương. Và có lẽ chính tình yêu thương ấy, đã tiếp thêm sức mạnh cho chị, để chị dũng cảm đứng lên bảo vệ chồng, khi bọn cai lệ sầm sập tiên tiến vào bắt trói anh Dậu. Sau khi nhẫn nhịn, khẩn thiết van xin không được, chúng không những không buông tha mà còn mắng chửi chị thậm tệ. Khi tên cai lệ chạy sầm sập đến trói anh Dậu, nhìn thấy người chồng đang đau ốm của mình bị đe dọa, chị Dậu đã kiên quyết cự lại. Chị nói lý lẽ với bọn chúng: “ chồng tôi đau ốm, các ông không được phép hành hạ.” Lời nói của người phụ nữ tưởng chừng mềm yếu nhưng đanh thép, kiên quyết như một lời cảnh cáo. Chị nói đến cái lý, cái đạo đức tối thiểu của những con người bình thường với nhau. Nhưng bọn chúng vẫn không buông tha, chúng dám “ bịch vào ngực, tát đánh bốp vào mặt “ anh Dậu, chị đã nghiến hai hàm răng lại: “ mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!” Rồi với quyết tâm bảo vệ người chồng yêu thương, với tất cả lòng dũng cảm và sức mạnh của người phụ nữ chịu thương chịu khó, chị đã đánh ngã nhào hai tên cai lệ độc ác, những kẻ “ hút nhiều xái cũ”. Đọc đến đây, có thể thấy chân dung chị Dậu lạc quan quá, đẹp quá. Chị dám đứng lên chống lại mọi thế lực tàn ác. Chị nói: “ Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…”
Không chỉ thế, khi đọc Tắt đèn, người đọc còn cảm thấy khâm phục trước sự thanh cao, giữ gìn phẩm giá trong sạch của Chị Dậu. Chị đã vứt toẹt nắm bạc vào mặt tên Tri phủ Tư Ân khi hắn giở trò chó má với chị. Rồi đến cụ Cố Thượng, chị đã đẩy lão ra khi hắn ôm lấy chị. Có thể thấy, người phụ nữ ấy, bạo lực, tù đày cũng không sợ. Trong hoàn cảnh đói khổ nhất, tiền bạc cũng không mua nổi chị. Trong cái xã hội đen tối ấy, chân dung chị Dậu hiện lên thật sự lạc quan, đẹp đẽ biết bao.
Thật vậy, đọc xong Tắt đèn, ta có thể thấy đây là một tác phẩm rất sống động, giàu tính hiện thực và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nhân vật chị Dậu được miêu tả rất đỗi chân thực, sống động và có sức truyền cảm mạnh mẽ.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam lại một lần nữa hiện lên trong văn chương, là những con người giàu tình yêu thương, nhân ái nhưng cũng rất mạnh mẽ, sẵn sàng đấu tranh chống lại cái ác để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Tapchivanhoc.com