Phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc Lược Ngà
Bài làm
“Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng những nhân vật vô cùng độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bên cạnh hình ảnh Anh Sáu – người chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường giàu tình thương thì có lẽ hình ảnh bé Thu cũng là hình ảnh để lại trong lòng người nhiều cảm xúc. Sự ngây thơ, dễ thương nhưng lại gai góc, cá tính của bé Thu đã tạo nên sự độc đáo,ấn tượng không thể nào quên đối với chúng ta.
Bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” là một đứa trẻ có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Ba bé Thu tham gia chiến đấu khi bé còn đang nằm trong bụng mẹ. Khi bé đã 7, 8 tuổi nhưng chưa từng được gặp cha, chỉ biết đến cha trong bức hình ngày cưới và qua các câu chuyện kể của bà và mẹ.
Bé Thu cũng giống như bao đứa trẻ khác của đất nước ta trong thời kì kháng chiến, thiếu đi tình yêu thương, sự chăm sóc, dạy bảo của người thân. Chính vì hoàn cảnh đó mà bé luôn khao khát có được tình yêu thương, sự bao bọc, che chở từ người cha thân yêu.
Có thể hoàn cảnh mà bé Thu gặp phải không quá xa lạ thời kỳ đó, nhưng sự ngây thơ trong sáng của bé lại khiến cho ta cảm thấy vô cùng thích thú, ấn tượng. Ngày anh Sáu trở về, khuôn mặt đã bị những vết thương làm cho biến dạng. Khi thấy cha không có khuôn mặt giống như trong tấm ảnh ngày cưới bé Thu đã nhất định không chịu thừa nhận.
Mặc dù khao khát tình cảm cha con nhưng khi gặp lại ông Sáu bé Thu đã tìm cách lảng tránh ông. Điều đó hoàn toàn là suy nghĩ đơn thuần, ngây thơ của một cô bé 7, 8 tuổi. Không hề cân nhắc, tìm hiểu mà chỉ bộc phát qua hành động khiến ta vừa cảm thấy sự ngây thơ, trong sáng vừa thấy được sự đáng thương của bé.
Thế nhưng, bên cạnh sự ngây thơ ta có thể dễ dàng cảm nhận được thì bé Thu còn để lại trong ta ấn tượng về cá tính và sự gai góc. Việc bé khẽ đẩy ba ra rồi vào gọi mẹ, cương quyết không chịu nhận ba hay nói trống không “vô ăn cơm”. Tất cả thể hiện được nét tính cách độc đáo mà ít có đứa trẻ nào có thể có được ở bé Thu.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa hình ảnh của bé Thu với những ấn tượng vô cùng độc đáo, sắc nét khiến ta cảm thấy thú vị. Đỉnh cao của sự cá tính, gai góc của bé đó là khi ba Sáu gắp miếng trứng cá cho bé nhưng cô bé lại hất tay ông ra khiến miếng trứng cá rơi xuống đất. Khi bị phát vài cái roi vào đít bé Thu ngay lập tức bỏ đi chèo thuyền qua nhà bà ngoại. Hành động của Thu tuy bột phát, ngây thơ nhưng lại vô cùng kiên cường.Chúng ta cảm giác như cô bé giống như một chú nhím nhỏ, sẵn sàng mang những gai nhọn trên người khiến ông Sáu bị tổn thương.
Thế nhưng mọi việc lại hoàn toàn không giống như trong suy nghĩ của mọi người. Ẩn sâu trong sự gai góc, ngang bướng của bé Thu đó chính là một tâm hồn thiện lương, một trái tim khao khát yêu thương mãnh liệt. Khi sang bên ngoại, được ngoại kể cho nghe về những khó khăn của ba, nguyên nhân của những vết sẹo cũng như sự anh dũng kiên cường của ba đã khiến bé Thu vô cùng cảm động. Bé khóc vì thương ba, vì cảm nhận được khó khăn mà ba gặp phải đồng thời cũng cảm thấy vô cùng hối hận. Sự yêu ghét ngây thơ, tình thương và sự khao khát tình cảm gia đình mãnh liệt của một đứa trẻ khiến người đọc vô cùng cảm động.
Ngày ông Sáu đi bé Thu đã lần đầu tiên gọi ba “Con không cho ba đi. Ba phải ở nhà với con”. Tiếng gọi ba trìu mến, mong muốn ba bên mình của bé Thu đã khiến người đọc vô cùng cảm động.
Chiến tranh đã cướp đi tuổi thơ, sự trọn vẹn tình yêu của biết bao gia đình người Việt lúc bấy giờ, chiến tranh chính là mất mát, thiệt thòi lớn với những đứa trẻ.
Bé Thu trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng được khắc họa vô cùng sống động, sắc nét. Bé Thu có sự ngây thơ, hồn nhiên của một đứa trẻ nhưng ẩn sâu trong đó là sự cá tính, gai góc, sự phong phú của một tâm hồn. Tác phẩm thông qua hình ảnh của bé Thu thêm một lần nữa lên án chiến tranh, lên án kẻ thù đã cướp đi tình thân gia đình, tình yêu thương, sự chăm sóc của những người cha dành cho con trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.