Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
Bài làm
Đất nước ta sống mãi trong niềm tự hào của nhân dân ta cũng bởi những truyền thống đạo lý tốt đẹp bao đời kết tinh trong túi khôn dân gian, trong những câu thành ngữ tục ngữ từ thuở nào đã có. Đó không chỉ là sản phẩm tinh thần của một thời đã xa đã xưa mà còn là những bài học thiêng liêng quý báu cô đúc từ những kinh nghiệm mà ông cha ta-những người đi trước để lại cho thế hệ mai sau. Trong đó có câu nói mà đến giờ chắc hẳn còn nằm lòng trong mỗi chúng ta: “ Uống nước nhớ nguồn”.
Câu tục ngữ ngắn gọn, sử dụng những hình ảnh “nước”, “nguồn” đưa người ta trở về với những gì là bình dị, gần gũi, gắn bó mật thiết hơn cả với đời sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, ngắn gọn mà không đơn giản, sơ thoáng , đơn nghĩa;ngắn gọn mà cô đọng hàm súc. “ Uống nước” đâu còn là hoạt động bình thường của con người, mà ở đây, nó ẩn dụ cho sự hưởng thụ những thành quả, những hoa thơm, trái ngọt, những điều tốt đẹp. “Nguồn” là nơi cung cấp nước, nó ẩn dụ cho những thế hệ đi trước, những người là cha là ông, là nguồn, là cội đã tạo ra những thành quả cho ta ngày nay. Câu tục ngữ là lời khuyên mỗi người chúng ta luôn phải biết ơn, trân trọng công lao và thành quả mà những người đi trước đã để lại. Đó là một truyền thống quý báu tự ngàn đời nay của dân tộc ta.
Trên đời không điều gì tự nhiên mà có. Những gì chúng ta có được hôm nay là hiện thân cho sự hi sinh của biết bao người đi trước. Bầu không khí trong lành, nền trời xanh màu hòa bình là màu máu xương của những chiến sĩ giải phóng quân nơi chiến tuyến, màu hi sinh của những con người thầm lặng chốn hậu phương thời đạn bom khói lửa. Từng hạt gạo ta ăn là hạt ngọc chắt ra từ mồ hôi của những người nông dân “một nắng hai sương”, “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngày ngày trên đồng ruộng. Ngay cả chính bản thân ta cũng là món quà mà mẹ đã vất vả, lo lắng suốt chín tháng mười ngày để tặng cho ta cuộc đời này. Coi những điều ta đang có là ngẫu nhiên,vô tình ta đã phủ nhận đi công sức, mồ hôi, sự hi sinh của biết bao người đi trước. Người làm ơn chẳng cầu trả ơn nhưng mỗi tình cảm, sự trân trọng dù là rất nhỏ ta dành cho họ cũng là những động lực to lớn để họ tạo nên nhiều giá trị hơn nữa, để bất tử hóa những điều tốt đẹp, nhân văn trong cuộc đời.
Về phía ta, một hành động thể hiện sự biết ơn, dù nhỏ cũng thể hiện điểm sáng trong ý thức của bản thân mình. Kẻ phủ nhận quá khứ là kẻ quá đề cao bản thân mình, ngộ nhận về bản chất của những gì mình đang có, nếu không phải là kẻ ích kỉ thì cũng là người vong ân bội nghĩa. Trong khi đó , những người luôn nhớ về, luôn trân trọng những người đi trước là những người có ý thức cao độ về những giá trị mình đang có. Họ không những được người khác tôn trọng bởi lối sống có thủy có chung, mà còn nhận lại được sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn.
Đặc biệt, “ Uống nước nhớ nguồn” – đạo lý ấy đã hòa nhập vào nguồn mạch văn hóa truyền thống của dân tộc để làm nên bản sắc, niềm tự hào của người Việt Nam. Ta tự hào khi đất nước có những ngày kỉ niệm đặc biệt ý nghĩa như: ngày nhà giáo việt nam, ngày thương binh liệt sĩ, ngày thầy thuốc việt nam… Trong những ngày ấy, cả nước, cả dân tộc sẽ cùng hướng lòng mình tri ân với những người đã đóng góp tri thức, công lao thậm chí máu xương để “ làm nên dáng hình xứ sở”.
Thật đáng buồn khi hiện nay còn nhiều người đang quay lưng lại với những thế hệ đi trước, hay phủ nhận công sức của những người đã từng giúp đỡ mình. Không chỉ là những lời nói vô văn hóa, xúc phạm đến thành quả của họ mà nhiều khi chỉ là không tôn trọng cuộc sống, không tôn trọng bản thân thôi cũng là một lời khước từ đối với đạo lý cao đẹp ấy của dân tộc.
Mỗi người cần tự ý thức được những gì mình đang có, những gì mình nhận được. Từ đó, biết trân trọng những người đã đem đến những giá trị ấy cho mình. Dẫu chưa phải là những hành động to tát thì cũng bắt đầu từ sự tôn trọng họ, nâng niu và phát triển, kế thừa thành quả của họ. Những tình cảm ấy sẽ thay cho lời tri ân sâu sắc nhất. Có điều, ta không chỉ cần biết ơn những người anh hùng vang danh sử sách, những người trực tiếp tạo ra thành quả mà còn phải tri ân cả những ai đang đóng góp và hi sinh một cách thầm lặng, “người cầm đèn đứng trong đêm tối.”
Trong dòng chảy và sự phát triển không ngừng của xã hội ngày nay, một con người toàn cầu phải là người vừa biết hòa nhập, vừa biết giữ gìn bản sắc, những gốc văn hóa cho riêng mình. “ Uống nước nhớ nguồn “ sẽ còn đó là hành trang cho mỗi người bước vào cuộc đời. Đó không chỉ là bài học của dân tộc, đó là bài học của toàn nhân loại.