Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Hai bàn tay em – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Hai bàn tay em – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn

Hai bàn tay em

(trích)

Hai bàn tay em

Như hoa đầu cành

Hoa hồng hồng nụ

Cánh tròn xinh xinh

Đêm em nằm ngủ

Hai hoa ngủ cùng

Hoa thì bên má

Hoa ấp cạnh lòng.

Tay em đánh răng

Răng trắng hoa nhài.

Tay em chải tóc

Tóc ngời ánh mai.

Có khi một mình

Nhìn tay thủ thỉ

Em yêu em quý

Hai bàn tay em.

Giờ em ngồi học

Bàn tay siêng năng

Nở hoa trên giấy

Từng hàng giăng giăng.

Huy Cận

Cách đọc

Đọc bài thơ với giọng hồn nhiên, ngây thơ, đầy tình cảm yêu quý. Chú ý ngắt nghỉ hơi đúng, tự nhiên, thể hiện tình cảm qua giọng đọc. Ngắt nghỉ hơi giữa các dòng thơ ngắn hơn, nghỉ hơi giữa các câu thơ thể hiện trọn vẹn một ý. Nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm như siêng năng, giăng giăng, thủ thỉ,…

Gợi ý cảm thụ

Bài thơ được viết theo thể thơ bốn chữ, với giọng điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ, ngây thơ của một em bé gái. Mở đầu bài thơ, nhà thơ giới thiệu đôi bàn tay xinh xắn của cô bé qua một hình ảnh so sánh: “Hai bàn tay em – Như hoa đầu cành”. Hai bàn tay của bé được so sánh với nụ hoa hồng, những ngón tay xinh như những cánh hoa. Hình ảnh so sánh vừa chính xác vừa độc đáo. Cánh hoa tròn như ngón tay em xinh đẹp: “Cánh tròn ngón xinh”.

Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Động từ – Chương trình Ngữ văn lớp 6

Bàn tay của em lúc nào cũng được nâng niu. Bàn tay em không chỉ xinh đẹp mà còn rất hữu ích. Buổi tối, hai hoa ngủ cùng bé, hoa nào cũng ở bên bé “Hoa thì bên má – Hoa ấp cạnh lòng”. Buổi sáng, tay giúp bé đánh răng, chải tóc. Khi bé học bài, bàn tay siêng năng làm cho những hàng chữ nở hoa trên giấy. Những khi một mình, bé thủ thỉ tâm sự cùng hai bàn tay như những người bạn thân thiết, gắn bó.

Bài thơ có năm khổ, khổ nào cũng có những hình ảnh đẹp và thú vị. Khổ 1, hai bàn tay em đẹp như nụ hoa đầu cành. Khổ 2, hai bàn tay dễ thương vì lúc nào cũng ở bên cạnh em, ngay cả khi em ngủ. Khổ 3, có hai hình ảnh đẹp “Răng trắng hoa nhài”, “Tóc ngời ánh mai”. Người lớn bảo: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Để có được vẻ đẹp toả rạng như vậy, cần có một đôi tay khéo léo, chăm chỉ, tự giác. Và đôi tay siêng năng, cần cù sẽ giúp trang giấy nở hoa khi em viết. Hình ảnh vui, ngộ nghĩnh nhất là hình ảnh em bé ngồi thủ thỉ với đôi bàn tay của mình và để nói rằng: em rất yêu, rất quý đôi bàn tay ấy.

Tác giả đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật để miêu tả bàn tay của em bé. Hình ảnh so sánh bàn tay của em “Như hoa đầu cành” xinh xắn, đáng yêu ; biện pháp đối ứng từ ngữ làm nổi bật hình ảnh hai bàn tay em bé khi ngủ:

Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

Hoa thì bên má

Hoa ấp cạnh lòng.

Khổ thơ thứ ba, tác giả sử dụng biện pháp lặp rất thú vị, có đủ cả lặp nối tiếp câu 1-2, 3-4 (răng, tóc) và lặp cách quãng ở câu 1 và 3 (tay em) ; có đủ cả lặp đầu và lặp cuối câu thơ:

Tay em đánh răng

Răng trắng hoa nhài

Tay em chải tóc

Tóc ngời ánh mai.

Biện pháp lặp đem lại sự nhịp nhàng cho câu thơ, gợi ra thật sinh động những động tác nhịp nhàng, đều đặn của em bé khi đánh răng, chải đầu.

Và ở khổ 4, tác giả đã dùng cách nói hình tượng để miêu tả bàn tay chăm chỉ học tập có thể khiến trang giấy nở hoa “Từng hàng giăng giăng”.

Một bài thơ nhỏ, vui, ngộ nghĩnh dành cho trẻ thơ. Không chỉ khen đôi tay mình đẹp, em bé thật tự hào vì đôi bàn tay ấy rất có ích, giúp bé trở nên đáng yêu, xinh tươi. Qua bài thơ, nhà thơ Huy Cận muốn nhắc nhở các bé hãy nâng niu, giữ sạch đôi tay. Sự tinh tế, hồn hậu của nhà thơ thể hiện ở chỗ, nhà thơ nhắc nhở, chỉ bảo các em mà vẫn như đang kể chuyện, để tâm tình, để khen ngợi các em nữa.

XEM BÀI 1: CẬU BÉ THÔNG MINH TẠI ĐÂY

Tags:Văn 3

Theo Baigiangvanhoc.com

Có thể bạn thích

Xem thêm:  Phân tích truyện “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi

Check Also

ao dai2 310x165 - Kể lại ngày đầu tiên đi học của em

Kể lại ngày đầu tiên đi học của em

Kể lại ngày đầu tiên đi học của em Bài làm Tôi xin kể về …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *