Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Quà của đồng nội – Tiếng Việt 3
Hướng dẫn
Quà của đồng nội
Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết
Khi đi qua những cánh đồng xanh, bạn có ngửi thấy mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì chất quý trong sạch của trời.
Đợi đến lúc vừa nhất, người ta gặt mang về. Bằng những cách thức riêng truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, các cô gái làng Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy…
Cốm là thức quà riêng biệt của những cánh đồng lúa bát ngát, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam…
Theo Thạch Lam
Cách đọc
Đọc chậm, thể hiện niềm trân trọng với một đặc sản là kết quả của đức tính cần cù và sáng tạo của người bình dân.
Ngắt giọng sau các trạng ngữ chỉ tình huống, thời gian, phương tiện. Ví dụ:
-Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm,…
-Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại…
-Đợi đến lúc vừa nhất, người ta gặt mang về.
-Bằng những cách thức riêng truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, cắc cô gái làng Vòng làm ra…
Gợi ý cảm thụ
Nói đến cốm làng Vòng, trước hết tác giả gợi một hình ảnh gắn với cốm. Đó là hương thơm của lá sen mùa hạ. Lá sen dùng để gói cốm, tạo thêm màu sắc và hương thơm cho cốm, cho nên thấy hương sen là đã nghĩ đến cốm như hai thứ đi đôi với nhau, tôn giá trị của nhau lên. Cốm gói trong lá sen được gọi là “thức quà thanh nhã và tinh khiết”, không chỉ là món ăn mà còn là văn hoá, là đời sống tinh thần.
Quá trình hình thành hạt cốm thật bền bỉ và kì diệu. Bông lúa non đã có vị thơm mát và trong đó đã chứa giọt sữa trắng thơm. Giọt sữa dần dần đông lại để trở thành hạt lúa nhờ “chất quý trong sạch của trời”, tức là hội tụ của thức ăn từ đất, ánh sáng từ nắng, độ ẩm từ gió mưa và đặc biệt là công sức chăm sóc của người nông dân.
Có hạt lúa rồi, nhưng lại phải biết chế biến để thành hạt cốm. Công việc chế biến này là nhờ bàn tay khéo léo của các cô gái làng Vòng. Đây là “một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn”, nghĩa là chỉ truyền nhau trong nội bộ gia đình hay làng nghề, người ngoài không ai được biết.
Tác giả kết luận cốm là “thức quà riêng biệt của những cánh đồng lúa bát ngát…”. Cốm không chỉ có giá trị với người làng Vòng, nó còn là sản phẩm chắt lọc từ thiên nhiên và tinh thần con người Việt Nam, tiêu biểu cho những gì mộc mạc, giản dị và thanh khiết.
XEM THÊM BÀI MẶT TRỜI XANH CỦA TÔI TẠI ĐÂY
Tags:Văn 3
Theo Baigiangvanhoc.com