Có người từng nói: sách là ngọn đèn bất diệt soi sáng trí tuệ con người. Thật vậy, nó sáng bởi trong đó có tinh hoa của nghìn năm nhân loại, có kết tinh của những chân thiện mĩ cao đẹp nhất, để khi nhìn vào đó ta biết mình đã trưởng thành thế nào và đã đi được đến đâu. Dù đã sang thời đại của công nghệ, cuộc cách mạng 4.0 bao trùm cả toàn cầu, nhưng sách vẫn giữ được vị trí cho riêng mình. Sách thì có rất nhiều loại, có trinh thám, có khoa học viễn tưởng, có sách văn học. Để viết về một loại sách mà bạn hay đọc, các bạn cần giới thiệu cho mọi người biết đó là sách thuộc thể loại gì, thường kể về cái gì. Quan trọng là vì sao các bạn thích đọc loại sách ấy(nó giúp ích gì cho cuộc sống? Vì nó hay ở chỗ nào? Hay nó có ý nghĩa gì đặc biệt?). Vì đây là sách các bạn yêu thích nên các bạn phải có hiểu biết về nó thì mới có thể viết một cách chân thực nhất nhé. Chúc các bạn làm bài thành công!
BÀI VĂN MẪU EM THÍCH ĐỌC SÁCH GÌ, GIẢI THÍCH TẠI SAO EM LẠI THÍCH ĐỌC LOẠI SÁCH ĐÓ?
Các bạn đã bao giờ dành cả ngày chỉ để ngồi nghiền ngẫm những cuốn sách? Hãy bỏ chiếc điện thoại xuống, hay thử chìm đắm vào thế giới của sách, bởi nơi đó có nhiều điều thú vị hơn bạn tưởng đấy. Đối với tôi, tình yêu dành cho sách chưa bao giờ vơi cạn, đặc biệt là các sách văn học, truyện ngắn của tác giả Nam Cao.
Chúng ta đã từng được chứng kiến sự thay da đổi thịt của thế giới suốt hàng ngàn hàng vạn năm nay. Nhưng suốt chặng đường phát triển ấy, sách vẫn là nguồn tư liệu vô giá, làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ. Có những cuốn sách về lịch sử đưa ta trở về ngàn năm đất nước, những sách trinh thám cuốn ta vào lí trí và logic, trong khi đó sách về khoa học lại giúp ta chạm đến những địa cầu xa xôi. Nhưng đối với riêng tôi, sách về văn học vẫn chiếm một vị trí đặc biệt.
Sách văn học bao gồm các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch. Văn chương là do người nghệ sĩ sáng tác bằng những xúc cảm chân thực của mình, nên nó không có sự khô cứng như các ngành khoa học. Các kiến thức trong văn chương bề bộn và phong phú, nó mang trong mình cả lịch sử, địa lí, tâm lí học… Một tác phẩm truyện ngắn thôi, nhưng ta có thể tìm trong đó cả vũ trụ. Một bài thơ “Lượm” của Tố Hữu, ta thấy hình ảnh một chú bé liên lạc nhanh nhẹn, hoạt bát mà trách nhiệm, nhưng ta còn thấy ở đó bộ mặt của cả dân tộc cùng đứng lên chống giặc cứu nước. Quan trọng hơn, văn chương thấm vào chúng ta qua trái tim chứ không phải khối óc, những điều ta học được trong văn còn sâu xa và ý nghĩa hơn rất nhiều lần.
Trong các cuốn sách văn học, tôi luôn dành thời gian để nghiền ngẫm tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Có thể bạn chưa biết, nhưng ông là cây bút viết truyện nhắn xuất sắc nhất thời bấy giờ. Truyện của ông không màu mè về ngôn từ, nhưng lại có lớp nội dung sâu sắc. Đó thường là cuộc sống của người nông dân trong xã hội thực dân, phải chịu cảnh đói nghèo lạc hậu. Tôi nhớ nhất là hình ảnh của anh Chí Phèo, bị cả làng ghét bỏ, đến Thị Nở cũng không chấp nhận. Đọc các tác phẩm ấy, tôi thấy thương xót cho người nông dân nhiều hơn, thấy trân trọng cuộc sống mình đang có. Có sách của Nam Cao, tôi có trong tay cuộc sống mưu sinh của cả làng Vũ Đại thời bấy giờ, tôi cũng có những giọt nước mắt, những tiếng thở dài cho kiếp người đau thương. Tôi vẫn thấy lóng lánh ánh sáng của niềm tin và hi vọng. Đó là những điều mà tôi học được trong sách, cũng là lí do vi sao tôi yêu thích sách của Nam Cao.
Ngày nay, khi công nghệ phát triển, sách không còn được coi trọng như ngày trước, đặc biệt là những cuốn sách về văn học. Người ta thường tìm đến truyện tranh, tiểu thuyết ngôn tình để giải toả đầu óc, mà không biết rằng những cuốn sách ấy không hề đem lại giá trị gì. Cũng có những cuốn sách mang nội dung đồi trụy, làm thui chột cả một nền văn học dân tộc, đưa con người ta trở về mụ mị tăm tối. Hãy tránh xa những cuốn sách ấy, tìm đến với những tác phẩm ngàn đời để cảm nhận. Tôi mong rằng, các bạn cũng sẽ trân trọng và yêu quý sách, các bạn sẽ tìm thấy ở đó niềm vui cho cuộc sống mình.
Tôi tin rằng, dù thời gian có tuần hoàn đổi thay, vẫn sẽ có những cuốn sách mãi ở lại với cuộc đời. Những giá trị trong đó là bất diệt, vĩnh cửu, là ngọn hải đăng soi sáng trí tuệ con người.
Nguồn Internet