Trình bày suy nghĩ về tục ngữ Tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc
Bài làm
Người về trẩy hội mùa Xuân
Kìa câu quan họ vang ngân mạn thuyền
Quai thao nón thúng trao duyên
Để ai ngơ ngẩn rồi quên đường về.
(Hội xuân quan họ – Thanh Tùng)
Hội xuân, lễ Tết vốn là nét đẹp ngàn đời của dân tộc, là dịp để nhân dân được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, làng xóm, hòa mình vào những nét đẹp văn hóa dân tộc. Nhưng cũng chính từ quan điểm nghỉ xả hơi sau một năm vất vả bằng dịp lễ Tết đầu năm ấy, mà cha ông ta có câu tục ngữ dặn dò sâu sắc: “Tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc”.
Trong câu tục ngữ trên, Tháng Giêng được hàm chỉ là tháng đầu tiên của năm âm lịch theo cách tính cổ truyền. Đây là tháng đặc biệt có ý nghĩa đối với người Việt, vì những lễ tết lớn nhất, máu thịt nhất của dân tộc như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu… đều diễn ra trong tháng này. Mọi người, dù đang làm ăn sinh sống ở đâu, trên mọi miền hay tận nơi xa xứ, đều cố gắng tìm cách trở về hay hướng về với cội nguồn tổ tiên trong những ngày thiêng liêng này. Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc có nghĩa là vào thời gian quãng tháng Giêng hàng năm, người ta có cảm giác là ăn uống tiêu pha tốn kém nhiều, nhất là lương thực. Bồ thóc ở đây là biểu trưng cho kho lương thực dự trữ quan trọng trong mỗi nếp nhà nông thôn Việt Nam xưa (bồ thóc, cót thóc, chum thóc… cũng là một. Thóc đầy bồ, lúa đầy kho tượng trưng cho sự no đủ). Ăn đến nghiêng bồ thóc tức là đã ăn đến mức cạn, đã gần hết.
Tháng Giêng dường như dài lê thê. Tháng giêng của lễ hội, đình đám, cờ bạc, trong cái lạnh se se rơi rớt mưa phùn, gió bấc. Thời xưa dân ta còn nghèo, chắt bóp quanh năm, ăn dè hà tiện để cho ngày tết tươm tất một chút. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”, nhưng “no” rồi thì ra Giêng rồi đến tháng Hai, tháng Ba thúng mủng dần sàng trống rỗng, quay đi quay lại đã vào kỳ giáp hạt, cái đói đã rập rình trước ngõ.
Chẳng thế mà tháng Giêng hằng năm, mọi người mọi nhà đều có cảm giác ăn uống tiêu pha tốn kém. “Nghiêng bồ thóc” có nghĩa là đã đến mức cạn, đến gần hết rồi. Mà nhà nông thì mọi thứ chi tiêu đều trông cả vào hạt thóc, từ việc lớn như làm nhà đến việc nhỏ như may tấm áo manh quần. Ngày tết còn là dịp lễ hội lớn nhất trong năm – tết Nguyên đán, ấy là lúc dân ta, một đất nước có tới 8/10 dân số là nông dân, được nghỉ ngơi. Mùa màng, lúa má, rau màu… thu hoạch đã xong xuôi. Những chân ruộng cần cấy sớm cũng đã được cấy trước tết. Thời tiết lúc này cũng vào trà rét đậm, nếu tiếp tục triển khai công việc đồng áng cũng không thật thuận lợi. Vì vậy, cùng với việc sắm sanh lo liệu tết nhất, thăm viếng, hỏi han và chúc tụng nhau, người ta cũng tổ chức các lễ hội khắp nơi cho vui vẻ, bõ những tháng ngày làm lụng vất vả suốt năm. Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà! Thôi thì có đủ mọi các lễ hội, nhiều màu sắc, tuỳ theo phong tục, văn hoá, tín ngưỡng của mỗi vùng. Ta thấy các lễ hội như Lễ hội chùa Hương, Hội chùa Thầy, Lễ Bà Chúa Kho, Hội Lim, Hội Gióng, Hội Đâm trâu, Hội Đua ghe ngo, Hội Vật… bắt đầu mở màn và sôi động từ ngay sau Tết Nguyên đán và kéo dài tận tháng hai, tháng ba âm lịch (bây giờ người ta còn kéo dài hơn so với truyền thống).
Câu tục ngữ Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc là một câu nói không chỉ nhằm miêu tả một sự tình gắn với văn hóa nông nghiệp của nhân dân ta bao đời. Nhưng qua đó, dân gian còn gửi gắm một hàm ý nhắc nhở mọi người về một trách nhiệm cần phải thực hiện, bất luận việc gì, kể cả việc vui chơi cũng cần phải có ngưỡng, có mức độ. Đi quá đà sẽ làm mất cân bằng và ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật. Nó không chỉ khiến chúng ta “nghiêng bồ thóc” thôi đâu, nó còn có thể làm cho chúng ta nghiêng cả gia nghiệp nữa!
Quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” vốn xuất phát từ cơ sở của xã hội nông nghiệp và tính thời vụ của nông nghiệp tạo nên. Tuy nhiên thời nay, cơ cấu nghề nghiệp nước ta đang có nhiều thay đổi, tỉ lệ nông dân đang ít dần đi, công nhân viên chức và người làm dịch vụ đang tăng dần lên. Do vậy quan niệm này cũng cần dần phải thay đổi. Mặt khác chính bản thân người nông dân ngày nay có khi chỉ mồng 4, mồng 5 tết đã đến lịch gieo cấy nên họ cũng không còn rảnh rang nhàn hạ như trước. Trái lại chính những công nhân viên chức mới uể oải với công việc trong tháng giêng.
Trong mấy năm qua, mỗi dịp tháng giêng, báo chí lại phản ánh tình trạng công sở vắng hoe vì mọi người đi hội hè hết. Những ngày đầu tiên khi bắt đầu năm mới những người làm việc hành chính, văn phòng đều dành thời gian đi chúc tết các công ty đối tác. Anh em công nhân viên gặp gỡ đầu năm, chúc tụng và mừng tuổi cho nhau một năm mới gặp nhiều may mắn. Họ thường không tập trung làm việc luôn mà chỉ đi du xuân, đi lễ chùa dâng sao giải hạn, gieo quẻ đầu năm,…Vì thế mà có hiện tượng như báo chí đã nêu là xe công biển xanh nhưng đi làm việc riêng, tới những chỗ lễ hội chùa chiền vô cùng nhiều. Trong khi đó, nhà nước chúng ta đã lên kế hoạch thực hiện tiết kiệm, tránh lạm dụng tiền bạc nhà nước gây thất thoát tiền thuế của nhân dân vào việc vô bổ lãng phí. Nhưng hiện tượng những người có chức quyền lợi dụng quyền hạn sử dụng xe công, thời gian nhà nước để đi làm việc riêng vẫn còn rất nhiều. Không chỉ có người đi làm, học sinh, sinh viên đôi khi cũng ham chơi quá đà mà không thể hòa nhập nhanh trở lại với việc học tập. Còn nhiều bạn có tâm lí uể oải, chưa muốn học tập…
Trong khi đó, ta thấy, nhiều gia đình căn cơ biết tính toán, bao giờ cũng thu xếp để ăn một cái Tết vui vẻ nhưng vừa đủ, hợp lí. Sau Rằm tháng Giêng là cuộc sống đã trở lại ổn định và bắt đầu một nhịp sống mới. Đối với nhà nông là Hội xuống đồng, đối với dân thợ thuyền, buôn bán là ngày Lễ khai trương, Ngày mở hàng… Mọi việc lại tuần tự, nhịp nhàng như cũ. Câu ca dao Tháng Giêng là tháng ăn chơi / Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè rõ ràng là không phù hợp với logic tích cực của cuộc sống hôm nay. Nhịp độ khẩn trương, biết tranh thủ và tiết kiệm thời gian trong thời đại mới càng không cho phép ta dềnh dàng, lãng phí thời giờ cùng tiền của bởi các cuộc chơi vô bổ kéo dài…
Muốn thoát nghèo thì chỉ có con đường lao động, lao động cần cù, say mê, sáng tạo. Muốn học tập thành tài thì chỉ có cách dành thời gian say mê học tập… Thế mà trước mắt ta là những chuyện hội hè, đình đám quá nhiều và quá dài. Ra Tết mở đầu bằng lễ hội chùa Hương, khai hội vào mùng 6 tháng Giêng. Kế đến là hội Lim – Bắc Ninh, khai ấn đền Trần, hội xuân Yên Tử và rất nhiều lễ hội từ Nam chí Bắc… Lễ hội vốn là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước, tri ân quá khứ, góp phần làm giàu có văn hóa dân tộc, tuy nhiên, lễ hội trong những năm gần đây bị biến dạng nhiều. Ở nhiều nơi lễ hội mang màu sắc buôn thần bán thánh, lợi dụng lễ hội để kinh doanh, gây rối an ninh, trật tự. Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn hơn về lễ hội và về trách nhiệm với công việc của bản thân, có như vậy, bản thân chúng ta mới đạt được thành quả tốt trong công việc, đất nước mới có thể tiến bộ, phồn vinh.
Lễ Tết, hội xuân nhìn năm là một nét đẹp, một phong tục quý với rất nhiều nét đẹp truyền thống, trong đó có truyền thống vun đắp điều nhân nghĩa, giữ trọn đạo hiếu với ông bà cha mẹ. Hãy duy trì và làm giàu truyền thống, làm đẹp thêm nét đẹp đó. Chỉ có điều phải cùng nhau loại bỏ những cái xấu, những mặt trái và nhất là đừng để “nghiêng bồ thóc” trong tháng Giêng.